Các “ông lớn” công nghệ vượt khó

Làn sóng cắt giảm nhân sự vẫn chưa hạ nhiệt khi các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) tiếp tục đẩy mạnh chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong thời buổi kinh tế khó khăn. Sự tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là một hướng đi nhiều triển vọng của các “ông lớn” nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, dù lĩnh vực này tiềm ẩn không ít rủi ro.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Business Today)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Business Today)

Amazon, Google, Meta, Twitter... là những cái tên được giới truyền thông nhắc đến nhiều trong những ngày gần đây, với các cuộc sa thải nhân công trên quy mô lớn tiếp diễn. Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy thông báo, công ty này lên kế hoạch cắt giảm thêm 9.000 việc làm trong những tuần tới.

Đây sẽ là đợt cắt giảm lớn thứ hai trong lịch sử của Amazon, sau khi công ty tuyên bố cắt giảm 18.000 nhân viên vào hồi tháng 1/2023. Lý giải về việc sa thải hàng nghìn nhân công, Amazon cho biết, nguyên nhân là nền kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và hãng này đã tuyển dụng quá nhiều trong những năm gần đây.

Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng thông báo kế hoạch cắt giảm thêm 10.000 việc làm trong bối cảnh công ty truyền thông xã hội này đang tìm cách giảm chi phí hoạt động. Theo kế hoạch, Meta tiếp tục cắt giảm quy mô nhóm nhân viên công nghệ vào cuối tháng 4, sau đó là nhóm kinh doanh vào cuối tháng 5 tới. Truyền thông Mỹ cũng đăng tải thông tin về khả năng diễn ra đợt sa thải nhân viên tiếp theo của Twitter. Tờ The New York Times cho biết, Twitter tiếp tục sa thải hơn 200 nhân viên, tương đương 10% lực lượng lao động vốn đã bị “bào mỏng” của công ty này.

Quyết định sa thải nhân công được đưa ra trong bối cảnh lợi nhuận, doanh thu của các Big Tech tương đối ảm đạm do thị trường quảng cáo trực tuyến trở nên kém sôi động và sự cạnh tranh gay gắt nổi lên từ các đối thủ khác. Trong quý IV/2022, doanh thu của Meta là gần 32,2 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước triển vọng tăng trưởng bấp bênh của kinh tế toàn cầu, việc các Big Tech nỗ lực cắt giảm chi phí là điều dễ hiểu.

Các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát và tình hình xung đột ở Ukraine tác động mạnh đến chi tiêu của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Trước triển vọng tăng trưởng bấp bênh của kinh tế toàn cầu, việc các Big Tech nỗ lực cắt giảm chi phí là điều dễ hiểu. Ngoài ra, Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg cho biết, việc cắt giảm nhân sự là nhằm xây dựng một bộ máy công ty tinh gọn, chuyên môn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động, tiến tới đạt được mục tiêu dài hạn.

Với dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ AI đang tạo nên những bước đột phá trong việc đáp ứng nhu cầu của con người. Các công ty công nghệ từ lớn đến nhỏ đều không nằm ngoài cuộc chơi trong lĩnh vực AI.

Cuộc cạnh tranh AI của các tập đoàn công nghệ trở nên sôi động hơn bao giờ hết với việc Microsoft đầu tư khoản tiền khổng lồ vào OpenAI sau “cơn sốt” của ChatGPT. Ngay sau đó, Google sốt sắng tham gia cuộc đua để tránh viễn cảnh bị tụt hậu, bằng việc giới thiệu công cụ trò chuyện (chatbot) Bard. Mới đây, Google đã bắt đầu ra mắt Bard tại hai thị trường Anh và Mỹ. Baidu, mạng tìm kiếm hàng đầu tại Trung Quốc, cũng công bố chatbot Ernie Bot sử dụng công nghệ AI.

Tập đoàn công nghệ Microsoft vừa công bố kế hoạch mới nhất nhằm mở rộng cơ hội cho đông đảo người dùng tiếp cận AI, với việc đưa ra bản nâng cấp phần mềm văn phòng. Theo đó, Microsoft đã xét duyệt AI Copilot, thế hệ AI mới cho bộ phần mềm Microsoft 365 gồm các ứng dụng tạo văn bản Word, bảng tính Excel, bản trình chiếu PowerPoint và thư điện tử Outlook.

Trước cơn sốt phát triển các sản phẩm mới dựa trên AI, có nhiều ý kiến lo ngại rằng, các sản phẩm AI gây ra những mối nguy hại tiềm tàng cho người sử dụng. Công ty an ninh mạng Darktrace của Anh cảnh báo, công cụ trò chuyện ChatGPT có thể đã làm gia tăng các vụ lừa đảo trên không gian mạng với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận học vấn.

Sau giai đoạn phát triển đỉnh cao vào thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, ngành công nghệ giờ đây phải đối mặt những thách thức. Các Big Tech hiện không muốn bỏ lỡ những cơ hội đến từ AI để quảng bá sức mạnh công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh. Điều quan trọng là các doanh nghiệp này cần có chiến lược nghiên cứu kỹ càng để cung cấp các sản phẩm thật sự hiệu quả, có trách nhiệm trong phục vụ và hỗ trợ con người, đồng thời giảm các rủi ro.