Kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài
Qatar là trung gian hòa giải cho thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và phong trào Hamas. Qatar cho biết lệnh ngừng bắn toàn diện tại Dải Gaza bắt đầu từ 7 giờ sáng 24/11 (giờ địa phương) và đợt đầu tiên gồm 13 dân thường rời Gaza theo thỏa thuận trao trả con tin giữa hai bên.
Cùng ngày, Iran hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn vì mục đích nhân đạo kéo dài 4 ngày ở Dải Gaza giữa Israel và phong trào Hamas. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani mô tả thỏa thuận là bước đầu tiên hướng tới việc chấm dứt hoàn toàn xung đột. Iran sẽ tham gia các nỗ lực bảo toàn thỏa thuận tạm ngừng bắn, cũng như bảo đảm chuyển hàng viện trợ nhanh chóng cho người dân ở Gaza.
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là lối thoát duy nhất để giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) được tổ chức trực tuyến, ông Airlangga Hartarto hối thúc các nhà lãnh đạo G20 có hành động tập thể ngay lập tức nhằm giải quyết cuộc xung đột hiện nay giữa Hamas và Israel.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Quốc vương Jordan Abdullah nhấn mạnh sự cấp thiết của một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài cũng như sự cần thiết phải tăng cường đưa hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza.
Tại cuộc gặp ở Cairo, Tổng thống Ai Cập và Quốc vương Jordan kiên quyết phản đối các chính sách bỏ đói và trừng phạt tập thể áp đặt lên người dân Palestine. Hai nhà lãnh đạo cũng phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm trục xuất người Palestine khỏi Gaza.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths khẳng định sẵn sàng tăng cường các hoạt động viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, cho phép tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở ở Dải Gaza, bảo vệ thường dân và thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin.
Báo động về các vụ bài Do thái và Hồi giáo
Một số quốc gia đang ghi nhận xu hướng gia tăng các vụ việc chống lại người Do thái và Hồi giáo kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel bùng phát hôm 7/10.
Tại châu Âu, ngày 23/11, Thị trưởng thành phố Charleroi của Bỉ, ông Paul Magnette, đã lên án mọi hành vi phá hoại mang tính chất bài Do thái, sau khi ít nhất 85 mộ phần của người Do thái ở một nghĩa trang trong thành phố bị xâm phạm. Cảnh sát Bỉ cũng đang siết chặt việc giám sát các trường học và địa điểm cầu nguyện của người Do thái.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp hồi đầu tháng 11 cảnh báo số lượng các hành vi bài Do thái đã bùng nổ tại nước này và 486 người đã bị bắt giữ, trong đó có 102 người nước ngoài. Cảnh sát trưởng Paris, ông Laurent Nunez cho biết chỉ riêng khu vực thủ đô đã có 257 hành vi bài Do thái và 90 vụ bắt giữ.
Ở Bắc Mỹ, số vụ việc chống lại người Do thái và Hồi giáo ở Toronto, thành phố lớn nhất Canada, đã tăng vọt kể từ khi bắt đầu xung đột Hamas-Israel bùng phát. Cảnh sát trưởng Myron Demkiw tại thành phố Toronto cho biết đã ghi nhận 78 vụ phạm tội liên quan đến hành vi bài Do thái trong thời gian từ ngày 7/10 đến ngày 20/11. Hiện các cơ quan chức năng của thành phố tạm thời tăng cường nhân lực cho đơn vị ứng phó với tội phạm bài Do thái.