Các nước châu Phi ứng phó biến đổi khí hậu

Liên minh châu Phi (AU) ra tuyên bố cho biết, châu lục này đang là khu vực phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, đứng thứ hai về mức độ nghiêm trọng, chỉ sau các khu vực vùng cực (Bắc cực và Nam cực). Những tác động tiêu cực này đã cản trở sự phát triển kinh tế của “lục địa đen”.

Tình trạng hạn hán ở Mô-dăm-bích. Ảnh SAIIA
Tình trạng hạn hán ở Mô-dăm-bích. Ảnh SAIIA

Các nước châu Phi đang ngày càng dễ bị tổn thương do tình trạng biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt kéo dài, đe dọa sự phát triển kinh tế và tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Nền nhiệt trung bình tăng lên từ 3 - 40C sẽ gây ra những hậu quả tai hại cho châu Phi, làm tăng nguy cơ hạn hán khắc nghiệt, nhất là ở khu vực miền nam, đe dọa lĩnh vực nông nghiệp. Thống kê cho thấy, có tới 90% thảm họa thiên nhiên ở khu vực miền nam sa mạc Xa-ha-ra là hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu, làm giảm từ 10 đến 20% sản lượng kinh tế của các nước trong khu vực này.

Sự phát triển kinh tế xã hội, tình trạng biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi ở châu Phi có mối liên hệ mật thiết với nhau. “Mối liên kết” giữa biến đổi khí hậu và bất ổn an ninh cũng ngày càng bộc lộ rõ. Sự xuất hiện và phát triển của các nhóm thánh chiến phần nào liên quan tình trạng nghèo đói của người dân. Các chuyên gia cảnh báo, gần 50% GDP của châu Phi (khoảng 1.400 tỷ USD) có nguy cơ bị mất vào năm 2023, do tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu. Rủi ro đối với nền kinh tế châu Phi cao hơn rất nhiều so với các châu lục khác, bởi các thành phố lớn ở châu lục này đang phải đối mặt các vấn đề như thiếu nước sinh hoạt, điều kiện vệ sinh dịch tễ yếu kém... Dân số tăng nhanh và cơ sở hạ tầng lạc hậu đã đẩy gần 70% số thành phố ở châu Phi đứng trước nguy cơ từ các mối đe dọa do tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo Chỉ số tổn thương do biến đổi khí hậu năm 2018, trong danh sách 84 trong số 100 thành phố có tốc độ tăng dân số nhanh nhất thế giới đang đứng trước “nguy cơ nghiêm trọng” do tác động của biến đổi khí hậu, có tới 79 thành phố thuộc châu Phi. Ðáng lo ngại hơn, trong tốp 10 thành phố chịu nhiều rủi ro nhất do biến đổi khí hậu, có tám đại diện đến từ châu Phi, đứng đầu là thủ đô Bangui của CH Trung Phi, thủ đô Monrovia của Liberia. Thủ đô Kinshasa của CHDC Congo là một mối quan ngại đối với các nhà đầu tư. Thành phố có 13,2 triệu dân này thường xuyên hứng chịu mưa bão, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Các nguy cơ đối với nền kinh tế CHDC Congo sẽ gia tăng khi dân số của thành phố này được dự báo sẽ đạt mốc 26,7 triệu người vào năm 2035.

Ðể ứng phó biến đổi khí hậu, lãnh đạo 17 quốc gia vùng Sahel của châu Phi đã nhóm họp tại thủ đô Niger để thảo luận về một “kế hoạch đầu tư khí hậu” trị giá gần 400 tỷ USD giai đoạn 2018-2030. Kế hoạch này bao gồm các cam kết của các quốc gia trong khu vực đối với Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Theo đó, các quốc gia Sahel sẽ xúc tiến một chương trình ưu tiên, tập trung vào sáu dự án với các chương trình hành động khác nhau, nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hỗ trợ các nước chống sa mạc hóa, cũng như những vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra. Ðể tài trợ cho các hành động giảm đến mức thấp nhất sự ấm lên trên toàn cầu, hội nghị đề xuất một chương trình khẩn cấp ước tính trị giá 1,3 tỷ USD với các nước đối tác ngoài khu vực Sahel.

Ở nhiều nơi tại châu Phi, những cú sốc về khí hậu đã dẫn đến hạn hán kéo dài với những tác động vô cùng nghiêm trọng, như xung đột, mất an ninh lương thực... Cảnh báo về một thảm họa sinh thái do thiếu hụt nguồn nước cũng như những hệ lụy của tình trạng biến đổi khí hậu đối với cuộc sống người dân châu lục, các nhà lãnh đạo châu Phi đang kêu gọi các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế dành ưu tiên cao cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.