Các nhà máy tại châu Âu và châu Á đang phải chịu áp lực giá cao

Ngoại trừ Hà Lan, hoạt động sản xuất đang giảm ở toàn bộ các nước thành viên Eurozone còn lại và tỷ lệ giảm này đặc biệt đáng lo ngại ở Đức, Pháp và Italia, là 3 nền kinh tế lớn nhất Eurozone.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất xe ô-tô của hãng BMW (Đức). (Ảnh: DW/TTXVN)
Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất xe ô-tô của hãng BMW (Đức). (Ảnh: DW/TTXVN)

Các nhà máy trên khắp châu Âu và châu Á đang phải vật lộn để tìm động lực trong bối cảnh nhu cầu trên thế giới giảm và các biện pháp hạn chế phòng, chống Covid-19 đã làm chậm hoạt động sản xuất.

Đây là những lý do làm tăng thêm lo ngại các nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Một loạt chỉ số quản lý mua hàng (PMI) - chỉ số đo lường “sức khỏe” khu vực sản xuất - cho tháng 7 được công bố ngày 1/8 cho thấy, các đơn đặt hàng mới giảm tại các cường quốc sản xuất, nhất là các "ông lớn" công nghệ ở Đông Bắc Á và Đức.

Cụ thể, PMI của S&P Global của các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 7 đã giảm xuống 49,8 so với 52,1 trong tháng 6.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, PMI của các nước Eurozone giảm dưới 50 - mức phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Theo S&P Global, ngoại trừ Hà Lan, hoạt động sản xuất đang giảm ở toàn bộ các nước thành viên Eurozone còn lại và tỷ lệ giảm này đặc biệt đáng lo ngại ở Đức, Pháp và Italia, là 3 nền kinh tế lớn nhất Eurozone.

Riêng tại Đức, các nhà bán lẻ nước này ghi nhận mức giảm doanh thu mạnh nhất trong nửa đầu năm nay do cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt, cuộc xung đột ở Ukraine và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, tại Anh, hoạt động sản xuất trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua, do các đơn đặt hàng và xuất khẩu giảm trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Theo phóng viên TTXVN tại London, PMI của S&P Global/CIPS của Anh trong tháng 7 đã giảm xuống 52,2 - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.

Lượng đơn đặt hàng mới bị sụt giảm hàng tháng liên tiếp đầu tiên trong 2 năm do chi phí sinh hoạt tăng, nhu cầu trong nước yếu và sự không chắc chắn của khách hàng.

Rob Dobson, Giám đốc tại S&P Global Market Intelligence cho biết, lĩnh vực sản xuất của Anh “chuyển sang số lùi vào đầu quý III”.

Ông nêu thêm: “Sự bất ổn thị trường đang gia tăng, cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt, xung đột ở Ukraine, các vấn đề nguồn cung đang diễn ra và áp lực lạm phát đều tác động đến nhu cầu hàng hóa cùng một lúc, trong khi các vấn đề hậu Brexit kéo dài và bối cảnh kinh tế toàn cầu u ám đang cản trở xuất khẩu.”

Còn tại châu Á, hoạt động chế tạo tại Hàn Quốc đã giảm lần đầu tiên trong gần 2 năm, trong khi Nhật Bản chứng kiến tốc độ sản xuất chậm nhất trong 10 tháng giữa bối cảnh tình trạng chuỗi cung ứng gián đoạn kéo dài.

Chỉ số PMI của Caixin khảo sát lĩnh vực tư nhân cho thấy tốc độ tăng trưởng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc cũng chậm lại, dù cho một số quy định nghiêm ngặt phòng ngừa dịch Covid-19 trong nước được nới lỏng.

PMI của Caixin được đưa ra sau số liệu PMI chính thức của Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 31/7 cho thấy, hoạt động sản xuất bất ngờ sụt giảm trong tháng 7 giữa lúc số ca mắc mới Covid-19 gia tăng.

Mặc dù vậy, khu vực này vẫn đón nhận một số tin tốt lành, khi PMI chỉ ra rằng tốc độ tăng giá đầu vào ở mức vừa phải đã được ghi nhận ở Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ và Hàn Quốc.

Ngoài ra, tình hình ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á có phần lạc quan hơn khi chỉ số PMI chỉ ra rằng, hoạt động sản xuất đang tăng tốc ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Riêng tại Ấn Độ, hoạt động chế tạo tại nước này trong tháng 7 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 8 tháng nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng mới và là dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế Nam Á này vẫn khỏe mạnh.