Các điểm bầu cử cơ bản chuẩn bị rất tốt về các điều kiện, nhân lực, nhất là quy trình phòng, chống Covid-19

NDO -

Chiều 21-5, tại Hà Nội, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức buổi gặp mặt với một số cơ quan báo chí để cung cấp thông tin về một số nội dung đang được cử tri quan tâm, liên quan đến công tác phục vụ cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tham dự có đại diện một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư.

Các điểm bầu cử cơ bản chuẩn bị rất tốt về các điều kiện, nhân lực, nhất là quy trình phòng, chống Covid-19

Tại buổi gặp mặt, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông báo: Mỗi lần chúng ta có sự kiện trọng đại của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội hay các ngày kỷ niệm thống nhất đất nước 30-4, các thế lực thù địch luôn coi đó là cơ hội để chống phá Nhà nước. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng là dịp các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, tập hợp lực lượng, nói xấu, bôi nhọ Đảng và Chính phủ. Qua theo dõi thời gian vừa qua, Bộ Công an nhận thấy có một số thủ đoạn, phương thức mà các thế lực phản động, chống đối sử dụng. 

Thứ nhất, công kích bôi nhọ nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp, nhất là các đồng chí là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, làm giảm sút lòng tin của nhân dân gây ảnh hưởng xấu hoạt động bầu cử.

Thứ hai, lợi dụng quá trình chuẩn bị về công tác nhân sự của hoạt động bầu cử để phát tán các thông tin theo hướng phân hoá thành phần nhân sự ứng cử đại biểu, trong Đảng và ngoài Đảng, nhằm gây chia rẽ nội bộ, gây nhiễu loạn thông tin, gây ra các dư luận trái chiều.

Thứ ba, sử dụng mạng xã hội để đăng tải nhiều đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo các cấp, bịa đặt chính quyền đàn áp, bắt giam những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, vu cáo chính quyền tước quyền bầu cử của người dân. Thậm chí, có một số tổ chức phản động, cá nhân kêu gọi người dân thực hiện chiến dịch “không biết không đi bầu”, kích động không đi bầu cử, tẩy chay bầu cử.

Thứ tư, Bộ Công an, lực lượng công an đã phát hiện tổ chức khủng bố như Việt Tân xây dựng và tiến hành các chiến dịch quy mô lớn nhằm chống phá cuộc bầu cử, ý đồ tạo ra làn sóng phong trào để lôi kéo các đối tượng phản động chống đối trong nước tham gia tẩy chay bầu cử. Chúng đã thiết lập các trang mạng về bầu cử Quốc hội 2021 để phát tán thông tin, bài viết, video clip xuyên tạc. Nhiều tổ chức phản động, chống đối trong và ngoài nước ráo riết sử dụng các trang blog, mạng xã hội để đăng tải bài viết, video kích động kêu gọi biểu tình chống Đảng, Nhà nước trong dịp chuẩn bị tổ chức bầu cử và làm xói mòn lòng tin của người dân, cử tri vào Đảng, chính quyền.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ Công an đã tổ chức đấu tranh, thực hiện đối sách đối với 124 đối tượng phản động, chống phá, phá hoại bầu cử; quản lý giám sát chặt chẽ 1.251 đối tượng phản động, chống đối, đấu tranh; phá rã 4 nhóm phản động, ngăn chặn hai chiến dịch tuyên truyền chống phá cuộc bầu cử của bọn phản động lưu vong; thu giữ hàng trăm đầu tài liệu phản động; khởi tố, bắt ba đối tượng vi phạm pháp luật chống phá bầu cử, khởi tố 11 đối tượng đưa tin xuyên tạc sự thật liên quan đến bầu cử trên không gian mạng, xử lý vi phạm hành chính về hành vi này đối với hàng trăm đối tượng.

Tính từ ngày 15-4 đến nay, lực lượng an ninh nội địa đã phá rã ba nhóm phản động, truy tìm, triệu tập và khống chế vô hiệu hóa nhiều đối tượng, thu giữ hàng trăm đầu tài liệu phản động. Cục An ninh mạng đã đấu trang, vô hiệu hóa hơn 200 mục tiêu trên không gian mạng, gỡ bỏ 658 video clip có nội dung xuyên tạc cuộc bầu cử.

Về an ninh trật tự, lực lượng cảnh sát đã tổ chức điều tra làm rõ 1.472 vụ án, bắt 2.096 đối tượng phạm tội về trật tự an toàn xã hội, bắt 323 đối tượng truy nã, triệt phá 1.955 vụ, bắt 2.600 đối tượng phạm tội về ma túy, bắt 1.312 vụ, xử lý 7.158 đối tượng đánh bạc, góp phần tạo môi trường an ninh, an toàn phục vụ công tác tổ chức bầu cử.

Lực lượng chức năng của Bộ Công an cũng đã tiếp nhận, tra cứu 66.302 yêu cầu tra cứu về nhân sự, đảm bảo các trường hợp tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử. Lực lượng công an đã triển khai tổ chức đưa cán bộ công an làm nhiệm vụ tại 84.687 tổ bầu cử.

Ngoài ra, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay, ngoài các thùng phiếu cố định, Bộ Công an còn chuẩn bị lực lượng, phương tiện, phương án để bảo vệ, tiến hành bảo đảm an ninh, an toàn cho các thùng phiếu phụ trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 xảy ra, lập phương án dự phòng.

Lực lượng an ninh mạng đã tấn công, vô hiệu hóa 1.191 mục tiêu trên không gian mạng, thường trực giám sát 300 trang mạng, 100 hội nhóm lớn, 65 kênh Youtube có hoạt động chống phá mạnh, ngăn chặn 3.666 trang mạng có nội dung xấu, độc có máy chủ ở nước ngoài.

Vì dịch bệnh Covid-19 cho nên lực lượng chống đối, các thế lực thù địch đã thay đổi phương thức tiến hành chống phá, trước đây bằng các phương thức, thủ đoạn truyền thống như đưa người về, câu móc trong ngoài, nay chúng triệt để lợi dụng không gian mạng, triệt để lợi dụng công nghệ thông tin để tiến công chống phá chúng ta. Đây là phương thức rất mới nên lực lượng an ninh mạng sẽ phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc ngăn chặn thông tin xấu, độc.

Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, về công tác bảo đảm y tế phục vụ bầu cử, Bộ Y tế đã nhận thức đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng tiếp theo nhiệm vụ phục vụ Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua. Bộ đã được Ủy ban Bầu cử quốc gia giao là một trong những thành viên của Tiểu ban An ninh trật tự và Y tế phục vụ cho công tác bầu cử.

Bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, Bộ Y tế đã xây dựng ngay Kế hoạch số 538/KH-BYT ngày 22-4-2021 về công tác y tế, trong đó xây dựng các kế hoạch chi tiết để nhằm phục vụ cho bầu cử. Kế hoạch có bốn nội dung lớn cần tập trung chỉ đạo và chúng tôi đã báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia và Tiểu ban An ninh trật tự và y tế bao gồm:

Tất cả cơ sở y tế trong cả nước chung tay với các cơ quan liên quan thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch không để ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường thời gian trước, trong và sau cuộc bầu cử.

Rà soát lại việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh để xảy ra các vụ ngộ độc; phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm dịch trước và trong thời gian diễn ra bầu cử.

Đặc biệt, bố trí nhân lực sẵn có, khi cần có thể điều động ngay để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc các đối tượng tham gia bầu cử; các tổ y tế thường trực sẵn sàng cấp cứu ngay các cử tri, cán bộ trong Ban Tổ chức, phục vụ các tình huống bị tai nạn, cháy nổ…; sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động trên các ô tô cứu thương; các bác sĩ cấp cứu, điều dưỡng, trang thiết bị cấp cứu.

Một nhiệm vụ lớn nhất, quan trọng nhất mà Bộ nhận thức là cuộc bầu cử lần này khác tất cả các cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp trước kia, đó là bầu cử triển khai trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đang đợt dịch thứ tư. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta phải triển khai tập trung phòng, chống dịch.

Tiếp theo kế hoạch này, chúng tôi triển khai các đợt tập huấn, hướng dẫn trên toàn quốc. Cụ thể, có bốn đợt tập huấn với 700 đầu cầu trên cả nước để triển khai các vấn đề này, kết hợp cùng với các biện pháp phòng, chống dịch khác.

Chúng ta biết hiện nay, các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Điện Biên hay Thủ đô Hà Nội đã có những diễn biến dịch phức tạp. Bệnh nhân Covid-19 đã xuất hiện nhiều nơi trong cộng đồng, trong đó có hai tỉnh có con số hằng ngày có đến hàng chục, thậm chí là hơn một trăm ca nhiễm những ngày đầu.

Tất cả các tình huống này chúng ta đều chủ động có kế hoạch cùng các cơ quan chức năng vào cuộc. Ngành y tế là tuyến đầu, nhưng ngoài ra còn có lực lượng công an, bộ đội, biên phòng, các cấp chính quyền để chúng ta chủ động chung tay thực hiện.

Đến nay, theo nhận định, chúng ta đã triển khai các biện pháp đồng bộ, cơ bản làm chủ tình hình. Đặc biệt qua đợt triển khai chỉ đạo của Ủy ban Bầu cử quốc gia cũng như của lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Y tế đã thành lập năm đoàn công tác.

Bộ được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành khác đi kiểm tra được gần 10 tỉnh. Ngay 20-5, Bộ tháp tùng Bộ trưởng Nội vụ và ngày 19-5 đã tháp tùng lãnh đạo các bộ, ngành kiểm tra tại Thái Bình, Vĩnh Phúc, đã xuống tận tổ bầu cử và nơi cách ly trong bệnh viện. Ngay trong kịch bản tổng thể, có các kịch bản tổ chức phòng ngừa trong điều kiện dịch bệnh ở tổ bầu cử nơi có dịch, nơi chưa có dịch và đặc biệt lưu ý các tổ cần phải tổ chức hòm phiếu phụ nơi cách ly, nơi có bệnh nhân F1, F2, đặc biệt nữa là đối với bệnh nhân F0.

Các bệnh viện hằng năm vẫn tổ chức bầu cử khi bệnh nhân ở đó nhưng năm nay khác là có bệnh nhân Covid-19. Những kịch bản này được xây dựng cụ thể, từ việc lưu ý cả những bệnh nhân nặng phải làm công tác tư tưởng, cần sự phối hợp của các thầy thuốc ở đó cùng với các lực lượng ở đó để bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về cách ly, bảo đảm được chuyên môn về y tế.

Cách đây hai ngày, Bộ đã có báo cáo để Bộ trưởng Y tế thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để ban hành Công điện số 668/QĐ-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử để một lần nữa nhắc nhở toàn bộ hệ thống y tế về vấn đề này.

Ngày 19-5, Bộ đã thành lập tổ công tác thường trực giải đáp tất cả các thắc mắc của các cơ sở y tế, các tổ thực hiện bầu cử ứng trực từ ngày 18-5 đến hết ngày bầu cử; thực hiện hướng dẫn công tác bầu cử trong tình trạng dịch Covid-19 đang căng thẳng để bảo đảm an toàn trước, trong và sau bầu cử.

Với trách nhiệm cơ quan thường trực, sau khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi đã kiểm tra và có các công điện, triển khai thực tế. Đến nay có thể khẳng định các điểm bầu cử cơ bản chuẩn bị rất tốt về các điều kiện, nhân lực, nhất là quy trình phòng, chống Covid-19 để giúp người dân an toàn thực hiện nghĩa vụ cử tri cũng như tham dự Ngày hội toàn dân sắp tới…