Các bảo tàng cần nâng cao chất lượng nội dung trưng bày

NDO - Sáng 17/1, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành di sản văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia trụ sở Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Du khách tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia trụ sở Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong năm 2024, hoạt động quản lý di sản văn hóa trên địa bàn ngày càng được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Nhiều chủ trương chính sách, quy định pháp luật đã được ban hành và thực thi. Điều đó, đã tạo điều kiện cho các bảo tàng, di tích phát triển và thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, học tập.

Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã ký các hoạt động liên tịch giữa ngành văn hóa với ngành giáo dục và du lịch góp phần vào hiệu quả chung của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố.

Hoạt động tại một số di tích đã gắn với chương trình “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” nên đã phát huy các giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng của các địa phương trong hình thành sản phẩm du lịch; đầu tư cho hoạt động tu bổ di tích được nhà nước và xã hội quan tâm.

Trong năm 2024, các bảo tàng đã tích cực, chủ động tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động đề ra từ đầu năm và phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ đột xuất được cấp trên giao.

Tổng số khách tham quan trong năm 2024 là trên 2,9 triệu lượt khách tham quan; trong đó, khách nước ngoài trên 1,1 triệu lượt; khách trong nước trên 1, 8 triệu lượt; tổng lượng khách tham quan đến bảo tàng tăng trên 10% so với năm 2023.

Các bảo tàng cần nâng cao chất lượng nội dung trưng bày ảnh 1

Quang cảnh Hội nghị.

Tổng số các cuộc trưng bày, triển lãm đạt 175 cuộc. Với số lượng khách tham quan và số lượng các cuộc trưng bày, triển lãm nêu trên cho thấy các hoạt động năm 2024 của các bảo tàng được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao.

Về hoạt động di tích, công tác đầu tư công tác tu bổ di tích từ các nguồn kinh phí ngân sách thành phố, kinh phí sự nghiệp văn hóa thông tin, ngân sách quận, huyện và kinh phí xã hội hóa được các cấp quan tâm. Tuy nhiên, trong công tác giải ngân đầu tư công đối với các dự án tu bổ di tích chưa đạt được theo kế hoạch ban đầu.

Đối với hoạt động quản lý di sản văn hóa phi vật thể, trong năm 2024, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị đối với các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được triển khai thực hiện toàn diện.

Tuy nhiên, danh mục công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng chủ thể chưa được hiệu quả; công tác truyền dạy, truyền nghề đối với thực hành nghi lễ tại cơ sở gặp khó khăn do thiếu đội ngũ trẻ kế thừa…

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận, thảo luận về các vấn đề như xây dựng bộ nhận diện thương hiệu bảo tàng, phát huy các nguồn lực xã hội trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, công tác bảo vệ, phục dựng di tích ở hai trường hợp cụ thể là nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển (quận Bình Thạnh) và Lò gốm cổ Hưng Lợi (quận 8)…

Các bảo tàng cần nâng cao chất lượng nội dung trưng bày ảnh 2

Khánh thành giai đoạn 1 công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, Nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2025, các bảo tàng cần tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện trưng bày chuyên đề với nhiều nội dung đa dạng, phong phú, khai thác nhiều chủ đề độc đáo, gắn liền với lịch sử, di sản văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh; cần tăng hàm lượng khoa học trong mỗi chuyên đề được trưng bày.

Các bảo tàng cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước ứng dụng công nghệ trong công tác bảo tồn, bảo tàng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và hoạt động trưng bày, quản lý hiện vật bảo tàng.