Cà Mau tăng cường phòng, chống bệnh dại trên đàn vật nuôi

Tình trạng người nuôi thả rông chó, mèo đã và đang gây nhiều hệ lụy không mong muốn. Tại Cà Mau, số vật nuôi này là hơn 133.000 con nhưng phần lớn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ thú y cơ sở tại Cà Mau đến tận nhà tiêm vắc-xin phòng dại cho vật nuôi là chó, mèo.
Cán bộ thú y cơ sở tại Cà Mau đến tận nhà tiêm vắc-xin phòng dại cho vật nuôi là chó, mèo.

Như mọi khi, ông Nguyễn Văn Bung (ấp Xóm Chùa, xã Hòa Thành, thành phố Cà Mau) thong dong trên đường tập thể dục vào buổi sáng thì bất ngờ bị con chó lạ cắn trúng chân. Ông Bung càng lo hơn khi biết được, con chó cắn mình đã tấn công nhiều người và cắn nhau với một số con chó khác trên địa bàn xã Hòa Thành... Ông Bung là 1 trong 4 trường hợp bị chó tấn công trong ngày 13/10 vừa qua ở xã Hòa Thành; trong số đó, có 3 người bị chó cắn trúng và đã được đưa đi tiêm phòng, điều trị, theo dõi sức khỏe.

Thông tin lại sự vụ với phóng viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Thành Phan Minh Sách cho hay, ngay khi tiếp nhận tin báo từ người dân về việc chó thả rông đã rượt cắn người đi đường, lãnh đạo xã cùng lực lượng thú y cơ sở tiếp cận hiện trường để xử lý khẩn cấp. Nhận thấy chó có khả năng mắc bệnh dại cao, gây nguy hiểm cho nên lực lượng thú y cùng người dân đã tiêu diệt con chó, đồng thời lấy mẫu gửi xét nghiệm. Ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dại, ngày 18/10, Ủy ban nhân dân xã có quyết định công bố dịch bệnh dại động vật trên địa bàn, đồng thời xây dựng Kế hoạch tiêm phòng dại tại nhiều ấp lân cận ổ dịch kể từ ngày 22 đến 26/10.

Tính cả xã Hòa Thành thì đến đầu tháng 11 vừa qua, toàn tỉnh Cà Mau ghi nhận 9 ổ dịch bệnh dại tại 8 xã và thị trấn; trong đó có 4 ổ dịch trên địa bàn các xã Phú Tân (huyện Phú Tân), Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển), Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước) và Hòa Thành (thành phố Cà Mau) chưa qua 21 ngày.

Theo Tiến sĩ Trương Minh Út, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, tại các xã có dịch bệnh dại, lực lượng chức năng của tỉnh đã đến tận nơi thăm hỏi, động viên các hộ gia đình có người bị chó dại cắn, đồng thời hỗ trợ chính quyền thực hiện các biện pháp cần thiết có liên quan về tăng cường phòng, chống dịch bệnh dại trên đàn chó, mèo theo tinh thần Chỉ thị và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống bệnh dại cũng như công tác triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vật nuôi là chó, mèo khá phổ biến tại Cà Mau, với tổng đàn qua rà soát của ngành chức năng tỉnh là hơn 133.400 con, trong đó phần nhiều là chó; được nuôi làm thú cưng, giúp gia chủ giữ nhà, tài sản… Tuy nhiên, chúng thường tự do đi lại mà không được rọ mõm và thiếu sự kiểm soát từ gia chủ, dễ gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Trong khi đó, 10 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại đối với tổng đàn chó, mèo tại Cà Mau chỉ đạt khoảng hơn 12% (tương đương hơn 18.000 liều); Nhà nước hỗ trợ tiêm phòng khoảng 12.500 liều (con) đối với đàn chó, mèo tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và tại các ổ dịch cũ. Thời gian tới, ngành chức năng Cà Mau sẽ hỗ trợ vắc-xin để tiêm phòng cho thêm hơn 14.500 con theo đề xuất của các địa phương trong tỉnh, nhằm ngăn chặn sự bùng phát của bệnh dại.

Theo ông Trương Minh Út, công tác quản lý chó nuôi của nhiều địa phương còn nhiều khó khăn, nhất là vùng nông thôn, chó nuôi thường thả rông, còn xảy ra tình trạng chó cắn người. Cùng với đó, việc áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm trong công tác phòng, chống bệnh động vật nói chung và bệnh dại nói riêng vẫn chưa đủ sức răn đe. Trong tiêm phòng cho tổng đàn chó, mèo, mục tiêu đặt ra của tỉnh là 80% nhưng mức hiện nay còn quá thấp. Tại vùng nông thôn, nhiều trường hợp chủ vật nuôi không dẫn dụ bắt được vật nuôi của mình thì lực lượng chức năng không thể tiêm phòng cho chúng được. Đây cũng là thực tế khó khăn chung trong công tác tiêm phòng hiện nay, rất cần sự ý thức ngay từ đầu của hộ dân khi quyết định nuôi chó, mèo phải có sự kiểm soát tốt.

"Ngay khi bị chó, mèo cắn (hoặc cào có vết thương chảy máu), người dân cần đi tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt, tuyệt đối không tự ý sử dụng thảo dược bôi, đắp lên vết thương, không tự chữa ở nhà", ông Út khuyến cáo.

Theo quy định của Chính phủ, cá nhân có hành vi thả rông động vật nuôi sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng; đối với hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng. Trường hợp chó cắn người gây thương tích thì chủ nuôi phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015.

Đối với trường hợp chó cắn chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015: Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.