Tại Cà Mau, Bộ đội Biên phòng tỉnh là đơn vị được giao chủ trì thực hiện Đề án nêu trên. Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng Cà Mau, Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, gồm 8 chương, 41 điều.
Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1059/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023.
Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên địa bàn Cà Mau đã được triển khai theo đúng kế hoạch. Lực lượng tuyên truyền nòng cốt của tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau trong chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Luật.
Thành viên đoàn công tác của Bộ Quốc phòng kiểm tra tủ sách pháp luật tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). |
Quá trình triển khai luôn bám sát tình hình, nhiệm vụ; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, phổ biến Luật với triển khai thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của các cấp, các ngành; tập trung đổi mới hình thức, phương pháp phổ biến, tuyên truyền.
Nhờ đó, sau 5 năm thực hiện, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đã được nâng lên.
Tuy nhiên, do đặc thù vùng biển rộng, trình độ dân trí còn hạn chế, một bộ phận không nhỏ làm nghề khai thác thủy sản, ít có thời gian ở đất liền nên việc tiếp cận các đối tượng để tuyên truyền đôi lúc còn gặp khó khăn. Cán bộ, công chức, các tuyên truyền viên đều là kiêm nhiệm, trình độ, năng lực, kỹ năng tuyên truyền, thuyết trình chưa thật sự sinh động, linh hoạt, từ đó việc tuyên truyền thiếu mạch lạc, chưa tạo sự hấp dẫn để thu hút người nghe…
Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng làm việc tại trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) về kết quả thực hiện đề án tại địa phương. |
Để Luật Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục được tuyên truyền một cách sâu rộng, đi vào đời sống của nhân dân, đồng chí Lê Văn Sử kiến nghị các cơ quan phụ trách tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ để các đối tượng này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục phối hợp giúp đỡ cho địa phương nhiều hơn trong công tác kiểm soát trên biển. Đồng thời tiếp tục đầu tư, hỗ trợ thêm về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả hơn.
Thay mặt Đoàn Kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Vũ Trung Kiên đánh giá Cà Mau là tỉnh thực hiện khá tốt, thiết thực và hiệu quả đề án. Thời gian tới, đồng chí Vũ Trung Kiên đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên phạm vi toàn tỉnh; thường xuyên đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội vào việc tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung và về Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng, bảo đảm có chiều sâu, đúng định hướng chính trị; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm ở từng địa phương để lựa chọn mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Thiếu tướng Vũ Trung Kiên tặng quà các hộ dân khó khăn trên địa bàn thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). |
Dịp này, đoàn công tác đã trao tặng 10 phần quà cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.