Bộ Y tế Singapore ngày 9/10 báo cáo 3.703 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, trong khi cũng ghi nhận 11 trường hợp tử vong mới.
Các ca nhiễm mới gia tăng đột biến gần đây sau khi nới lỏng một số hạn chế đã khiến Singapore phải tạm dừng kế hoạch mở cửa trở lại.
Bất chấp việc tái thắt chặt các biện pháp phòng dịch kể từ tuần trước, số ca mắc mới ở Singapore vẫn liên tiếp xô đổ các kỷ lục, buộc nước này phải chuyển sang chiến lược chung sống với dịch bệnh thông qua tăng cường tiêm ngừa Covid-19.
Hiện Singapore đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng rất thành công, với trên 80% dân số đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn tăng cao, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã lên tiếng trấn an người dân, đồng thời cho biết Singapore kiên định chiến lược sống chung với dịch bệnh và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp sự biến chuyển của tình hình.
Ông Lý Hiển Long cho rằng, Singapore sẽ phải mất từ ba tới sáu tháng mới có thể có được trạng thái “bình thường mới”.
Trong khi đó, ở Nhật Bản, tình hình dịch bệnh đang có những tín hiệu tích cực sau khi nước này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 kéo dài gần sáu tháng hồi tuần trước.
Ngày 9/10, chính quyền thành phố Tokyo thông báo, số ca nhiễm Covid-19 mới hằng ngày ở thủ đô của Nhật Bản đã giảm xuống còn 82 ca, mức thấp nhất kể từ ngày 19/10 năm ngoái.
Hiện các ca nhiễm mới đã giảm đáng kể sau khi đạt đỉnh hơn 5.000 ca mỗi ngày vào tháng 8 vừa qua trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta có khả năng lây lan cao gây ra. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng dịch mới.
Ở châu Âu, Nga vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về số ca tử vong trong ngày. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 968 ca tử vong, mức cao nhất hằng ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Nga cũng tiếp tục nằm trong nhóm các nước có số ca nhiễm mới trong ngày nhiều nhất thế giới, với 29.362 ca ghi nhận trong ngày hôm qua. Cho đến nay, nước này đã có tổng cộng 7.746.718 ca nhiễm, trong đó có 215.453 người không qua khỏi.
Tại Italia, ngày 9/10, cảnh sát đã phải dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán hàng nghìn người biểu tình phản đối yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở nước này.
Truyền thông địa phương đưa tin, khoảng 10.000 người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Rome và đụng độ với cảnh sát chống bạo động được triển khai để bảo vệ các ngả đường dẫn đến văn phòng của Thủ tướng Mario Draghi.
Trong nỗ lực đẩy nhanh việc tiêm chủng và ngăn ngừa các ca nhiễm mới, Italia đang hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu yêu cầu tất cả người lao động tiêm chủng để được cấp “thẻ xanh”.
Đây là một chứng nhận kỹ thuật số hoặc giấy chứng nhận có đầy đủ thông tin công nhận người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc đã phục hồi sau khi nhiễm bệnh.
Chính phủ Italia đang lên kế hoạch đưa "thẻ xanh" này trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả người lao động ở nước này. Theo đó, bất kỳ người nào không xuất trình được giấy chứng nhận sức khỏe hợp lệ kể từ ngày 15/10 sẽ bị đình chỉ công tác không lương, nhưng không bị sa thải.
Khoảng 80% dân số Italia đủ điều kiện đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và phần lớn người dân nước này ủng hộ việc tiêm chủng và áp dụng “thẻ xanh”.
Ở châu Mỹ, Brazil đã chính thức trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sau Mỹ vượt qua mốc 600 nghìn ca tử vong do Covid-19. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 404 ca tử vong mới, đưa tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 600.880 người trên tổng số 21.567.181 triệu ca nhiễm kể từ khi đại dịch bùng phát.
Trong ngày, Bộ Y tế Brazil cũng báo cáo có 16.451 ca nhiễm mới. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy xu hướng lây nhiễm đang giảm dần, khi quốc gia này đẩy nhanh tiêm chủng. Hiện hơn 70% người Brazil đã được tiêm liều đầu tiên, so với 65% ở Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên thế giới, với thêm 42.357 ca mắc mới và 581 ca tử vong mới được ghi nhận trong ngày, đưa tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên lần lượt 45.179.209 ca mắc và 733.058 ca tử vong.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 phút sáng 10/10 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 238.349.712 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 4.862.807 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 215.480.945 người.