Định hướng xây dựng, phát triển đất nước - lý luận và thực tiễn

Bước trưởng thành, phát triển về tư duy đối ngoại

Các bài viết, bài phát biểu trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ quan điểm, chủ trương đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Khi nghiên cứu các bài phát biểu của Tổng Bí thư trong phần thứ nhất của cuốn sách, tôi tâm đắc bài Kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Bài viết khẳng định và làm rõ hơn nội hàm bản sắc "cây tre Việt Nam" trong đường lối đối ngoại của Đảng ta. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Ngoại giao Việt Nam là trường phái đối ngoại đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, thấm từ tâm hồn, cốt cách, khí phách của con người Việt Nam, mềm mại, khôn khéo, kiên cường, linh hoạt sáng tạo, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết nhân ái, nhưng biết kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Giống như cây tre Việt Nam, ở gốc thì vững chắc, cành thì uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường, không có cơn gió nào quật ngã được.

Thực tế cho thấy, bằng những chính sách đối ngoại đúng đắn, tích cực và chủ động, thời gian qua Việt Nam đã có quan hệ hợp tác rộng mở cả song phương và đa phương với các đối tác trong các lĩnh vực ở tất cả các cấp, các ngành, đưa các quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả, thực chất. Chúng ta đã huy động và kết hợp hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nội lực trong nước nhằm chủ động tích cực tham gia, nâng cao vai trò của nước ta trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị kinh tế quốc tế, vì lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Kết quả đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng trong tổng thể ba trụ cột đối ngoại là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân đã góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Đến nay, Đảng ta có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới; chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực, chủ động và đóng góp đầy trách nhiệm với tất cả các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, có quan hệ thương mại với 224 thị trường, đối tác. Nhờ liên kết kinh tế sâu rộng, năm 2021, mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, kim ngạch thương mại của nước ta vẫn vượt mốc 600 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay đạt hơn 400 tỷ USD. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 730,21 tỷ USD, tăng 61,2 tỷ USD so với năm 2021.

Có thể thấy, cuốn sách về công tác đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một đóng góp to lớn, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Tác phẩm đồng thời là minh chứng về bước trưởng thành, phát triển về tư duy và thực tiễn thành tựu của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác đối ngoại cần vận dụng đúng đắn, phù hợp các bài học kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại, ngoại giao nêu trong cuốn sách này. Trước hết, cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về tình hình, vị thế của đất nước ta trong khu vực và trên thế giới, vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị, cho các cấp, các ngành trong hoạt động đối ngoại, góp phần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại của Việt Nam thời gian tới.