Bước lùi ở xứ sở Samba

Số người thiếu ăn ở Brazil tăng 73% trong hai năm qua. Con số biết nói này cho thấy bước lùi tại xứ sở Samba, bởi quốc gia sản xuất lương thực lớn nhất Nam Mỹ này từng được đánh giá là điểm sáng trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Bà Ana Maria Nogueira và chồng, ông Eraldo, trong căn nhà của họ tại Jardim Keralux, một khu phố nghèo ở phía đông Sao Paulo. Các chuyên gia cho biết tỷ lệ nghèo đói và mất an ninh lương thực đã tăng lên ở Brazil trong vài năm gần đây. Ảnh: Al Jazeera
Bà Ana Maria Nogueira và chồng, ông Eraldo, trong căn nhà của họ tại Jardim Keralux, một khu phố nghèo ở phía đông Sao Paulo. Các chuyên gia cho biết tỷ lệ nghèo đói và mất an ninh lương thực đã tăng lên ở Brazil trong vài năm gần đây. Ảnh: Al Jazeera

Mạng lưới nghiên cứu an ninh lương thực Brazil công bố số liệu thống kê cho thấy, Brazil hiện có khoảng 33,1 triệu người sống trong cảnh thiếu ăn, tăng hơn 1,7 lần năm 2020, tương đương 15,5% số gia đình ở quốc gia 213 triệu dân. Ðây là thống kê không mong muốn tại quốc gia Nam Mỹ từng được ghi nhận đạt nhiều tiến bộ trong công cuộc chống đói nghèo.

Theo nhận định của giới chuyên gia, bước lùi này là hệ quả của việc Chính phủ Brazil tiếp tục xóa bỏ các chính sách an sinh xã hội, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và dịch Covid-19. Tình trạng mất an ninh lương thực cũng được ghi nhận ngay cả với những người được hưởng lợi từ chương trình an sinh xã hội Auxilio Brazil do Tổng thống Jair Bolsonaro (G.Bôn-xô-na-rô) triển khai từ đầu năm 2022. Các chuyên gia chỉ rõ rằng, khoản trợ cấp trung bình 500 real (khoảng 100 USD) từ chương trình Auxilio Brazil không thể giúp bù đắp những tác động của lạm phát, vốn lên đến 12,13%.

"Tác động ngược" từ một số chính sách chưa phù hợp cùng các áp lực khách quan đã đẩy hơn 50% gia đình ở các vùng nông thôn và 27,4 triệu người sống ở thành thị của Brazil rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực. Tỷ lệ đói ăn đã tăng gần gấp đôi, đè nặng lên vai 18,1% số gia đình có con dưới 10 tuổi. Người da màu và người lai các chủng tộc bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong công cuộc mưu sinh với 18,1% số gia đình thường xuyên lâm vào cảnh "đứt bữa", so mức 10,6% của người da trắng.

Tình trạng mất an ninh lương thực ở Brazil thời gian qua không những không thuyên giảm mà còn gia tăng lên mức đáng báo động. Quỹ Getulio Vargas (FGV) thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Brazil (IBRE) công bố kết quả khảo sát cho thấy, quốc gia Mỹ Latin đang phải đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng, khi tỷ lệ người dân không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho bản thân và gia đình vào một số thời điểm trong vòng 12 tháng đã tăng cao kỷ lục 36% năm 2021, vượt mức trung bình toàn cầu.

Giám đốc Trung tâm chính sách xã hội của FGV, chuyên gia kinh tế Marcelo Neri (M.Nê-ri) lo lắng cho biết, giá lương thực đã tăng vọt do dịch Covid-19, xung đột ở Ukraine và tình trạng hạn hán ở nhiều khu vực trên thế giới. Những tác động này đã làm gia tăng tỷ lệ mất an ninh lương thực trong nhóm 20% người nghèo nhất ở Brazil từ 53% năm 2019 lên 75% năm 2021, gần bằng tỷ lệ ở Zimbabwe, quốc gia ghi nhận mức độ mất an ninh lương thực cao nhất thế giới với tỷ lệ 80%. Ðây là sự so sánh không hề "tự hào" đối với xứ sở Samba, quốc gia sản xuất lương thực lớn nhất Nam Mỹ và hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, Brazil không phải là quốc gia duy nhất ở Mỹ Latin và Caribe rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, trong bối cảnh khu vực này vẫn đang trầy trật khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đưa ra thông tin đáng báo động, số người sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng hơn nửa triệu người trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022. Các quốc đảo Caribe, vốn phải nhập khẩu phần lớn lương thực để đáp ứng nhu cầu trong nước, giờ lại phải gánh thêm sự gia tăng của chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

Mất an ninh lương thực và chi phí vận tải gia tăng đã khiến hoạt động nhân đạo của các tổ chức quốc tế, trong đó có WFP gặp nhiều khó khăn tại Brazil và khu vực Mỹ Latin và Caribe. Giám đốc WFP tại khu vực này, bà Lola Castro (L.Ca-xtrô) cho biết, hoạt động hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các nhóm người dễ bị tổn thương cũng bị ảnh hưởng, trong bối cảnh nguồn tài chính của tổ chức này đang cạn kiệt do nhu cầu hỗ trợ lương thực nhân đạo cho người nghèo ngày càng tăng. Bà Castro nhấn mạnh, WFP cần khẩn cấp 315 triệu USD để trang trải chi phí hoạt động nhân đạo trên toàn khu vực trong sáu tháng tới.

Ðể có thể đối phó tình trạng mất an ninh lương thực, theo giới chuyên gia của các tổ chức quốc tế, Brazil nói riêng và khu vực Mỹ Latin và Caribe nói chung, ngoài nỗ lực nội tại, còn cần sự chung tay giúp sức từ các nguồn lực bên ngoài.