Do bệnh đậu mùa khỉ lan nhanh trên toàn cầu, ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC). Đây là mức cảnh báo cao nhất của WHO đối với một dịch bệnh.
Đậu mùa khỉ, căn bệnh lưu hành tại khu vực Trung và Tây Phi, đã lây lan nhanh chóng trong 2 tháng qua với hơn 16.000 ca mắc tại 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, phần lớn ca bệnh được ghi nhận tại châu Âu. Bệnh truyền nhiễm này liên quan đến đậu mùa, loại virus đã bị đẩy lùi từ năm 1980.
PHEIC có ý nghĩa gì?
WHO ban bố PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ đồng nghĩa với việc tổ chức này đánh giá đậu mùa khỉ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự lây lan của căn bệnh này trên toàn cầu đòi hỏi sự phối hợp hành động của thế giới.
Tại Mỹ, Nhà trắng cho rằng động thái này của WHO là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để ngăn chặn virus đậu mùa khỉ hoành hành.
Sau khi WHO ban bố PHEIC, chính phủ các nước trên thế giới đang đối mặt với áp lực phải thừa nhận sự lây lan nhanh chóng của bệnh đậu mùa khỉ và do đó phải hành động để đẩy lùi dịch bệnh.
Các quốc gia thành viên WHO cần phải báo cáo mọi trường hợp có thể đã mắc đậu mùa khỉ trong vòng 24 giờ. Các nước không phải thành viên của WHO cũng có thể báo cáo số liệu này hoặc đợt bùng phát dịch bệnh có thể xảy ra.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, ban bố PHEIC sẽ giúp đẩy nhanh việc phát triển các loại vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Động thái này cũng được kỳ vọng sẽ giúp có thêm các khoản đầu tư, tài trợ để nghiên cứu bệnh đậu mùa khỉ. Hiện nay, một số loại thuốc kháng virus và vaccine đang được sử dụng để điều trị căn bệnh này.
Biểu đồ tổng số ca mắc đậu mùa khỉ cộng dồn (tính đến ngày 21/7). |
Tình trạng khẩn cấp cộng đồng được ban bố trong trường hợp nào?
Khi xem xét các nguy cơ về y tế trong đợt bùng phát dịch bệnh, trong đó có sự lây lan toàn cầu, WHO đã triệu tập một nhóm chuyên gia quốc tế, hay còn gọi là ủy ban khẩn cấp, để được tư vấn về cách ứng phó dịch bệnh.
Một căn bệnh được xếp vào PHEIC trong trường hợp nó được coi là gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng do vẫn lây nhanh trên toàn cầu, vì vậy, cần có sự phối hợp của cộng đồng quốc tế để đẩy lùi dịch bệnh.
Tỷ lệ tử vong do đậu mùa khỉ ở mức thấp với tổng cộng 5 ca tử vong được ghi nhận. Thế giới cũng đã có các loại vaccine để ngừa bệnh này. Những yếu tố này đã dẫn tới sự khác biệt giữa 16 thành viên trong Ủy ban khẩn cấp của WHO khi đưa ra quan điểm về phân loại đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, ông Tedros vẫn kêu gọi ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng.
Thế giới có thể sẽ cần triển khai các hạn chế về thương mại hoặc đi lại tương tự các biện pháp hạn chế đã được ban bố để ứng phó Covid-19 trong thời gian qua, nhưng đến nay, chưa có quốc gia nào cần sử dụng biện pháp hạn chế để kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ.
Các bước tiếp theo là gì?
Vấn đề đáng quan ngại hiện nay là đậu mùa khỉ đang tiếp tục lây lan trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh giới chuyên gia chưa có đủ thông tin về các cách thức lây truyền của căn bệnh này.
WHO đã hối thúc các quốc gia đẩy mạnh công tác giám sát và các biện pháp y tế cộng đồng cũng như tăng cường năng lực điều trị, ngăn chặn và kiểm soát sự lây nhiễm trong các cơ sở y tế.
Các quốc gia có năng lực sản xuất vaccine, thuốc điều trị và biện pháp chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ cũng được khuyến khích phát triển thế mạnh này trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục lập đỉnh mới.
WHO đánh giá rủi ro do đậu mùa khỉ gây ra đang ở mức trung bình trên toàn cầu, trừ châu Âu - nơi độ rủi ro đang ở mức cao.
Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine ngày 21/7 cho thấy, 95% số ca đậu mùa khỉ lây bệnh qua quan hệ tình dục. Theo người đứng đầu WHO, tại thời điểm này, đợt bùng phát đậu mùa khỉ là đợt bùng phát tập trung ở nam giới có quan hệ tình dục đồng tính, đặc biệt là những người có quan hệ tình dục với nhiều người.
Sự bùng phát dịch bệnh có thể được ngăn chặn bằng các chiến lược phù hợp trong các nhóm phù hợp, thông qua việc tất cả các quốc gia cùng nỗ lực nâng cao nhận thức và áp dụng các biện pháp ngăn chặn virus lây lan. Ông Tedros cũng cảnh báo về tình trạng phân biệt đối xử đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đậu mùa khỉ.