Những ngày đầu năm mới 2024, khách du lịch ở khắp mọi nơi đổ dồn đến Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, nơi được mệnh danh là “kinh đô băng tuyết” nằm ở miền đông bắc Trung Quốc, khiến phần lớn các chuyến tàu, chuyến bay đến thành phố này luôn trong tình trạng đầy khách. Dưới thời tiết âm hơn 20 độ C, trong những bộ quần áo dày chống lạnh, du khách vẫn say sưa đắm mình trong cảnh sắc mùa đông, giữa những kiến trúc mang phong cách châu Âu được khoác lên mình tấm áo tuyết trắng muốt, thích thú trải nghiệm những trò chơi thú vị như trượt băng, trượt tuyết, làm người tuyết, đánh trận tuyết, check-in tại Thế giới băng tuyết, thắng cảnh băng đăng có quy mô lớn nhất thế giới…
Mùa đông năm nay, thị trường du lịch ở Cáp Nhĩ Tân rất sôi động khi chỉ trong 3 ngày Tết Dương lịch đã đón tiếp hơn 3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch gần 6 tỷ nhân dân tệ, đạt mức cao nhất trong lịch sử cả về lượng khách lẫn doanh thu, khiến một thành phố công nghiệp cũ ở miền đất xa xôi, phủ đầy băng tuyết, bỗng chốc trở thành hiện tượng, điểm đến du lịch được ưa chuộng hàng đầu.
Không chỉ Cáp Nhĩ Tân, rất nhiều thành phố ở Trung Quốc đã tập trung khai thác nguồn lực băng tuyết và các điều kiện khí hậu mùa đông, tạo ra các hình thái tiêu dùng mới liên quan du lịch nghỉ dưỡng băng tuyết, hình thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Là chủ nhà của Thế vận hội Mùa đông năm 2022, các thành phố Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu đã chuyển đổi các địa điểm thi đấu, làng Olympic trước kia thành điểm du lịch phục vụ tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng của du khách; đồng thời, mở thêm hàng loạt điểm trượt tuyết quy mô lớn và nhiều hạng mục vui chơi ngoài trời liên quan băng tuyết; tổ chức chương trình “trại đông” dành cho học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ mùa đông, các tour du lịch kết nối giữa các địa phương để đáp ứng tốt nhu cầu trải nghiệm của du khách. Làn sóng du lịch băng tuyết còn tràn xuống miền nam, nơi có mùa đông ít lạnh hơn, với việc ra đời nhiều khu trượt tuyết nhân tạo, kết hợp với các hình thức du lịch trải nghiệm mùa đông như suối khoáng nóng, ẩm thực và văn hóa bản địa…
Số liệu thống kê cho thấy, từ ngày 1/11/2023 đến 23/1/2024, lượng đặt vé vào cửa các điểm trượt tuyết tăng gấp 2,5 lần so cùng kỳ 2019-2020, thời điểm trước bùng phát đại dịch Covid-19, trong đó các địa phương ở miền nam như Quảng Tây, Chiết Giang, Giang Tây có mức tăng cao nhất. Dự kiến, mùa du lịch băng tuyết 2023-2024, lượng người tham gia các loại hình du lịch nghỉ dưỡng băng tuyết ở Trung Quốc sẽ lần đầu vượt con số 400 triệu lượt, đem lại doanh thu 550 tỷ nhân dân tệ.
Theo đánh giá, ngành du lịch băng tuyết có được sự phát triển mạnh mẽ như vậy là nhờ việc xây dựng và thực hiện hiệu quả Chương trình hành động Phát triển du lịch băng tuyết ngay trong và sau Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022, với việc phát triển rộng khắp các môn thể thao băng tuyết cũng như ngành công nghiệp băng tuyết, tăng nguồn cung sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng du lịch băng tuyết của người dân, tạo ra một hình thái phát triển mới, chất lượng cao. Việc hiện thực hóa mục tiêu “300 triệu người tham gia thể thao băng tuyết” chính là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch băng tuyết.
Giáo sư Đới Bân, Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch Trung Quốc cho rằng, ngành du lịch băng tuyết còn tiềm năng rất lớn để phát triển trong thời gian tới, Trung Quốc cần tập trung xây dựng và hoàn thiện một hệ sinh thái với hạ tầng và dịch vụ công cộng tiện lợi, môi trường kinh doanh du lịch thông thoáng, khai thác và tích hợp các tài nguyên văn hóa bản địa, hình thành đồng bộ các ngành nghề như ăn uống, khách sạn, vui chơi, mua sắm, nghỉ dưỡng với các điểm trải nghiệm như bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, kết hợp với các nền tảng quản lý và dịch vụ du lịch trực tuyến, để hình thành một hệ thống dịch vụ hoàn chỉnh, hiệu quả.
Mới đây, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố 10 tuyến du lịch băng tuyết trọng điểm của cả nước, với nhiều điểm đến rộng khắp các tỉnh, thành phố, nhằm đẩy mạnh liên kết phát triển, đưa du lịch băng tuyết trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.