Sau khi báo Nhân Dân điện tử ngày 26-6 đăng tải bài viết “Theo chân “cò” bệnh đến “lò mổ” chui” phản ánh ông Nguyễn Thanh Sơn, bác sỹ khoa chấn thương chỉnh hình thuộc Quân y viện làm quá chuyên môn: nhận điều trị phẩu thuật từ u nang buồng trứng, trĩ, u vú… đến rắn cắn cho nhiều bệnh nhân, chúng tôi đã nhận thông tin từ bạn đọc về những “lò” chữa bệnh trái phép của bác sỹ, y sỹ quân y khác.
Không phép, không chuyên môn, cứ "khám"; cứ "chữa"
Theo phản ánh của bạn đọc, chúng tôi đã đến điểm điều trị được cho là nhận chữa “bá bệnh” bằng phương pháp Đông y ở khu tập thể quân đội - số 3 đường Mang Cá nhỏ, phường Phú Bình, thành phố Huế.
Đây là phòng mạch không có bảng hiệu. Nếu so với những ngôi nhà khác ở khu tập thể quân đội này thì ngôi nhà này khang trang hơn, chứng tỏ chủ nhân của nó là người có mức thu nhập khá. Biết mục đích của cuộc ghé thăm, ông Tẩn, chủ nhân “phòng mạch” xoa xoa tay, phân trần: “Nhà em” có làm chi mô! Thỉnh thoảng chỉ nhận chữa cho vài bệnh nhân chủ yếu bị bệnh đau đầu, sổ mũi, khó ngủ. Mấy người hàng xóm thấy “nhà em” làm được, có bệnh nhân nên người ta ghét theo kiểu “trâu buộc ghét trâu ăn” nên mới đâm ra kiện cáo”.
Chờ ông Tẩn dứt lời, giấu tấm card nhận chữa “các bệnh nội khoa, thần kinh, gai cột sống, thoái hoá cột sống, viêm đa khớp bằng thuốc bắc, thuốc tây, thuỷ châm, châm cứu...” của ông Tẩn, chúng tôi đề nghị được xem giấy phép hành nghề và các bằng cấp liên quan. Lúc này ông Tẩn mới lúng túng: ““Nhà em” làm nghề ni là nghề cha truyền con nối. Bản thân có thẻ hội viên hội đông y huyện Can Lộc, Hà Tĩnh cấp. Trước đây “nhà em” hành nghề tại địa phương, sau này mới theo vợ (nguyên là y sỹ Viện Quân y 268 nay đã về hưu) vào Huế và nhận khám chữa bệnh. Hôm trước “nhà em” đã làm đơn gửi Sở Y tế tỉnh TT - Huế xin được cấp phép hành nghề y nhưng chưa được đồng ý vì đang thiếu giấy tờ”.
Vì “phòng mạch” này nằm trong khu tập thể của Quân y viện, nên chúng tôi đã tìm đến Đại tá, bác sỹ Nguyễn Xuân Dũ, Giám đốc Viện quân y 268 để hỏi thêm. Vừa nghe đến ông Tẩn, vị Giám đốc viện quân y này đã “nhảy dựng”: “Ông Tẩn không phải là bác sỹ. Ông này có nghề gì đâu! Mấy năm trước, ông đi bán thuốc dạo, gặp cô y sỹ của viện rồi hai người về ở với nhau, mở phòng khám chữa bệnh. Khách hàng của họ đều thông qua hệ thống “cò” với mức 20 - 30% trên một bệnh nhân gì đó… Nếu không dẹp được điểm này thì đúng là trớ trêu cho ngành y. Bác sỹ mà mở phòng mạch không phép là đã sai. Đằng này, lại không nghề không nghiệp chi hết mà còn dám nhận chữa bệnh ung thư, mỗi ca khoảng 3 - 4 triệu đồng tiền thuốc. Mà thuốc đấy là thuốc gì: thuốc tây giả vụn trộn với mấy thứ đen đen cho bệnh nhân uống…!”.
Không như những bảng hiệu Phòng khám có phép khác,
hầu hết các bác sỹ quân y ở Huế chỉ dựng bản hiệu ghi tên
bác sỹ, số điện thoại đặt trước cửa nhà và… chấm hết.
Cấm cứ cấm, làm vẫn làm
Nếu gọi việc một thầy lang cấp huyện đứng ra khám chữa bệnh là “trớ trêu cho ngành y”, thì với sai phạm tôi sắp dẫn ra không biết phải nên gọi là gì. Bởi những người sai phạm điều được đào tạo bài bản, lại sống trong môi trường kỷ luật của quân đội, có vị trí trong xã hội hẳn hoi, nhưng họ vẫn cố tình làm trái các quy định của ngành, của Nhà nước.
Đó là trường hợp hàng loạt bác sỹ, trong đó có cả lãnh đạo Viện quân y 268 tự ý tổ chức hành nghề y tế tư nhân khi chưa được cấp có thẩm quyền, ở đây cụ thể là Sở Y tế TT - Huế cấp phép.
Qua điều tra của chúng tôi, từ năm 2001, Cục hậu cần Quân khu 4 đã có văn bản nghiêm cấm bác sĩ của các Viện Quân y trực thuộc không được mở phòng mạch riêng. Theo chỉ thị đó, Sở Y tế TT - Huế trong thời gian qua đã từ chối cấp phép hành nghề y tế tư nhân cho các bác sỹ đang công tác trong quân đội.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là, mặc dù cơ quan quản lý trực tiếp, và ngành quản lý nhà nước đều không cho phép hoạt động, nhưng không hiểu tại sao trên trục đường Phùng Hưng, Lê Trung Định, Trần Nguyên Đán… vẫn đang tồn tại các phòng khám của các bác sỹ quân y viện 268, trong đó có cả phòng khám của cán bộ trong số lãnh đạo viện?
Lý giải thắc mắc này, bác sỹ Dũ cho biết: “Chỉ đạo đó do Tư lệnh Quân khu 4 ban hành từ năm 2001, lâu rồi. Còn các anh lãnh đạo sau này thì khác. Họ không cho làm, nhưng cũng không cấm nên nên… cứ rứa, im lặng mà làm”.
Trả lời câu hỏi, "hiện tại có bao nhiêu bác sỹ Viện quân y 268 mở phòng khám tư nhân" - ông Dũ trả lời: “Viện có gần 30 bác sỹ, trong đó có 7- 10 bác sỹ là có chuyên môn cao, đủ điều kiện để mở phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, thật khó để thống kê hết số bác sỹ có phòng khám tư nhân. Bởi họ hoạt động muôn hình muôn vẻ. Có người thì mở tại nhà, có người lại tổ chức ở nhà bạn bè, thuê ở ngoài. Có người tranh thủ lúc ngoài giờ tiêm thêm mũi thuốc, khám cho vài bệnh nhân; có người thì tranh thủ mổ xẻ…, loại “táo bạo” thì như anh Sơn (báo đã phản ánh).
Ông Dũ nói: "Lãnh đạo viên nghe phản ánh cũng nhiều, cũng biết được tình trạng bác sỹ của viện mở phòng khám không phép khá phổ biến, nhưng khi chúng tôi đi kiểm tra thì không phát hiện thấy gì cả. Có thể do họ dấu bệnh nhân. Tới đây thay vì thông báo trước, chúng tôi sẽ “đột nhập” kiểm tra như nhà báo thì may ra còn phát hiện được”.
Ông Dũ còn nói thêm: “Ngay sau khi báo chí phản ánh trường hợp làm trái của đồng chí Sơn, tôi đã ra chỉ thị, yêu cầu các bác sĩ của Viện có mở phòng mạch chui phải ngừng hoạt động ngay để chờ xin giấy phép của Sở Y tế”.
Chất xám - thu nhập và luật pháp - kỷ cương
Mặc dù Viện Quân y 268 chỉ đạo với các bác sỹ như thế, nhưng khi trao đổi với chúng tôi chiều 16-7, TS Nguyễn Dung - Giám đốc Sở Y tế TT - Huế cho biết, những cơ sở khám chữa bệnh chui của các bác sĩ Viện Quân Y 268 không những sẽ không được cấp phép mà "còn tiếp tục bị kiểm tra, nếu phát hiện chỗ nào sai phạm, sẽ đóng cửa chỗ đó”.
Mặc dù thừa nhận các bác sỹ quân y mở phòng khám tư nhân khi chưa có giấy phép hành nghề là “sai”, nhưng ông Nguyễn Xuân Dũ vẫn cho rằng: "Việc Quân khu 4 không cho bác sỹ quân y đương chức làm hành nghề ngoài giờ là “lãng phí chất xám”, vì “ở các quân khu khác người ta không cấm". Ông dẫn chứng "Ví dụ các bác sỹ quân y ở Đà Nẵng (gần với Huế), người ta vẫn được làm ngoài giờ. Trong khi đó ở Quân khu 4, anh em bây giờ có chất xám, có trình độ, nếu không cho làm thêm ngoài giờ để nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống thì vừa lãng phí, vừa chưa hợp lý. Điều này, sẽ khiến các bác sỹ quân y tiếp tục làm chùng, làm lén dẫn đến làm trái quy định Nhà nước”.
Để tháo gỡ vấn đề này, ông Dũ đề xuất: “Lãnh đạo Quân khu cần có ý kiến với Cục Quân y, Bộ Quốc phòng để có ý kiến thống nhất. Nếu cấm thì cấm toàn quân, còn không thì Quân khu 4 nên tháo dỡ lệnh cấm, tạo điều kiện cho các bác sỹ quân y có chuyên môn tạo được nguồn thu nhập chính đáng, vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn làm tốt chức năng quản lý của mình”.