Quyết định này là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của quốc tế đối với lúa mì có khả năng chịu hạn cao, khi các điều kiện khắc nghiệt hơn liên quan đến biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ đói kém trên toàn thế giới.
Embrapa cho biết cơ quan này đã hợp tác với công ty Bioceres của Argentina, đơn vị từng phát triển thành công một giống lúa mì biến đổi gene có thể chịu được điều kiện khô hạn. Australia và New Zealand tháng trước đã chấp thuận việc bán và sử dụng các loại thực phẩm có chứa giống lúa mì HB4 của Bioceres.
Brazil chủ yếu sử dụng hạt giống biến đổi gene trong gieo trồng đậu nành và ngô, hai loại sản phẩm chủ lực khác của đất nước, tuy nhiên việc áp dụng công nghệ này với lúa mì từng bị người tiêu dùng phản đối với lý do lúa mì là sản phẩm mà con người tiêu thụ trực tiếp, thay vì sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Theo ông Jorge Lemainski, trưởng bộ phận nghiên cứu lúa mì của Embrapa, đơn vị này đã được Cơ quan an toàn sinh học Brazil CTNBio “bật đèn xanh” cho gieo trồng lúa mì trên các cánh đồng thử nghiệm gần Brasilia, trong vùng Cerrado nằm ở trung tâm phía tây của đất nước, nơi thường trồng đậu nành và ngô. Ông Lemainski cho hay Embrapa sẽ báo cáo vào tháng 8 về tình hình phát triển của giống mới này.
Việc trồng thử nghiệm được bắt đầu ngay sau khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine, nước xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt của thế giới, khiến giá lúa mì tăng vọt lên mức gần kỷ lục. Chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro muốn giảm sự phụ thuộc của Brazil vào nhập khẩu lúa mì của Argentina và tăng xuất khẩu. Brazil là nước xuất khẩu đậu nành lớn nhưng lại là nước nhập khẩu ròng lúa mì.
Khoảng 90% lúa mì được sản xuất ở Brazil phát triển ở phía nam của đất nước, nơi có điều kiện ẩm ướt hơn. Nếu có thể trồng lúa mì ở miền bắc, sản lượng ngũ cốc của Brazil sẽ tăng trưởng mạnh.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy hơn 70% người tiêu dùng ở Brazil khẳng định sẽ tiêu thụ lúa mì biến đổi gene. Tuy nhiên, ông Lemainski cho biết việc trồng thương mại bất kỳ loại lúa mì biến đổi gene nào cũng cần một quá trình khoảng 4 năm để đánh giá các kết quả thử nghiệm và xin phép cơ quan quản lý.