Bóng đá Nữ có thể thành “ngành công nghiệp tỷ đô” trong thập kỷ tới

Theo UEFA, đến năm 2033, Bóng đá Nữ châu Âu có thể đạt giá trị thương mại 578 triệu bảng, tăng gấp 6 lần so với hiện nay và nguồn tài trợ cho môn thể thao này có thể tăng lên 250 triệu bảng.
0:00 / 0:00
0:00
Màn cởi áo ăn mừng của ngôi sao Chloe Kelly sau khi ghi bàn thắng quyết định vào lưới đội tuyển Đức tại Trận Chung kết Bóng đá Nữ châu Âu 2022. (Nguồn: Getty Images)
Màn cởi áo ăn mừng của ngôi sao Chloe Kelly sau khi ghi bàn thắng quyết định vào lưới đội tuyển Đức tại Trận Chung kết Bóng đá Nữ châu Âu 2022. (Nguồn: Getty Images)

Tờ Telegraph cho rằng các cổ động viên Anh đã nhận ra tài năng, niềm đam mê và tham vọng của các nữ cầu thủ cũng như sự thú vị của môn Bóng đá Nữ.

Màn cởi áo ăn mừng của ngôi sao Chloe Kelly sau khi ghi bàn thắng quyết định vào lưới đội tuyển Đức tại Trận Chung kết Bóng đá Nữ châu Âu (Euro Nữ) 2022 mùa Hè năm ngoái đưa Anh lên ngôi vô địch, được coi là bước ngoặt trong thái độ đối với Bóng đá Nữ tại nước này.

Các cô gái trẻ trên khắp nước Anh nhận ra họ cũng có thể chơi bóng đá, không chỉ cho các đội tuyển của trường học, mà còn ở các sân vận động đã cháy vé như một lựa chọn nghề nghiệp hợp pháp.

Sau khi tiếng còi mãn cuộc của trận chung kết Euro Nữ 2022 vang lên, bình luận viên Ian Wright, một cổ động viên Bóng đá Nữ lâu năm, cho biết cần thu hút nhiều tiền hơn vào Bóng đá Nữ để hỗ trợ môn thể thao này phát triển.

Theo một báo cáo năm 2022 của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), đến năm 2033, Bóng đá Nữ châu Âu có thể đạt giá trị thương mại 578 triệu bảng, tăng gấp 6 lần so với hiện nay và nguồn tài trợ cho môn thể thao này có thể tăng lên 250 triệu bảng.

Cựu tuyển thủ Anh Karen Carney, người chủ trì một đánh giá lớn của chính phủ về Bóng đá Nữ và vừa xuất bản báo cáo “Nâng cao tiêu chuẩn: Định hình lại cơ hội trong Bóng đá Nữ,” dự báo Bóng đá Nữ có thể trở thành “ngành công nghiệp tỷ đô” trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, cựu tuyển thủ Karen Carney cho biết ở Anh, các trận đấu của nữ chỉ chiếm 2% tin tức bóng đá trên báo in và 6% trên truyền hình, so với tỷ lệ lần lượt 98% và 94% đối với các trận đấu của nam.

Báo cáo đánh giá của bà Karen Carney kêu gọi việc đưa tin thường xuyên về Bóng đá Nữ trên truyền hình và nâng cấp giải hạng hai Women’s Championship lên chuyên nghiệp.

Cùng quan điểm này, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Women's Sport Trust, Tammy Parlour, cho rằng mặc dù số lượt xem và đưa tin về Bóng đá Nữ trên truyền thông chưa bao giờ tốt như hiện nay, vẫn còn nhiều việc phải làm để Bóng đá Nữ đạt được bình đẳng với Bóng đá Nam.

Về khía cạnh tài chính, khi so với bóng đá nam, sự chênh lệch vẫn còn quá lớn. Năm 2022, các câu lạc bộ thuộc Women’s Super League tạo ra doanh thu 32 triệu bảng/năm trong khi các câu lạc bộ thuộc English Premier League tạo ra 5,45 tỷ bảng, gấp khoảng 200 lần.

Chuyên gia Bóng đá Nữ, Jenny Mitton, cho rằng nguyên nhân của sự chênh lệch này bắt nguồn định kiến của Hiệp hội Bóng đá Anh (FA).

Môn thể thao này bắt đầu phát triển tại Anh vào đầu thế kỷ 20 khi phụ nữ bắt đầu làm việc trong các nhà máy. Chủ các nhà máy thành lập các đội bóng để các nữ công nhân nâng cao sức khỏe. Các đội bóng nữ nhanh chóng bắt nhịp và trận đấu trong Ngày tặng quà năm 1920 thu hút 53.000 khán giả tại Sân vận động Goodison Park của Câu lạc bộ Everton ở Liverpool.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau, FA cấm phụ nữ thi đấu tại các giải bóng đá với lý do "Bóng đá hoàn toàn không phù hợp với nữ giới và không nên được khuyến khích." Lệnh cấm kéo dài 50 năm.

Bà Mitton cho rằng nếu FA không cấm vào thời điểm đó, thì rất có thể Bóng đá Nữ giờ đây đã lớn mạnh như Bóng đá Nam.

Hơn nữa, vẫn còn khoảng cách lớn về tài chính: World Cup Nữ nhận được 110 triệu USD tiền thưởng so với 440 triệu USD cho World Cup Nam ở Qatar vào năm ngoái.

Chế độ nghỉ thai sản cho các cầu thủ nữ cũng là vấn đề cần giải quyết. Khi giải Women’s Super League trở thành chuyên nghiệp vào năm 2018, các câu lạc bộ tự quyết định mức lương thai sản cho cầu thủ.

Tháng 2/2022, giải Women’s Super League and Championship công bố các điều khoản mới dành cho những bà mẹ mới sinh và đang mang thai, bao gồm 100% tiền lương hàng tuần trong 14 tuần nghỉ đầu tiên. Tuy nhiên, Bóng đá đang tụt hậu so với các môn thể thao khác về mặt này.

Hồi tháng 2, Liên đoàn Bóng bầu dục công bố chính sách thai sản mới, trong đó có 26 tuần được trả lương đầy đủ cho các vận động viên nghỉ thai sản.

Từ năm 2007, Hiệp hội Quần vợt Thế giới (WTA) áp dụng cùng mức tiền thưởng cho các nhà vô địch Wimbledon nam và nữ.

Bà Mitton tin rằng cơ hội lớn nhất cho Bóng đá Nữ là để các giải đấu lớn phát triển bản sắc riêng và thu hút lượng khán giả khác với các trận đấu của nam giới.

Bà chỉ ra ví dụ điển hình về giải đấu nữ đang phát triển mạnh là Women’s Six Nations. Từng là cái bóng của giải Men's Six Nations, song giải đấu trở thành độc lập vào tháng 4/2021 và từ đó phát triển theo cấp số nhân.

Năm 2022, lượng khán giả đến xem giải đấu tăng 70% trong khi xếp hạng truyền hình tăng 135%. Giải đấu đã tạo nên bản sắc riêng và người hâm mộ không phải lựa chọn xem các trận đấu của nam hay nữ.

Báo cáo gần đây của UEFA ước tính Bóng đá Nữ châu Âu hiện có 144 triệu người hâm mộ. Con số này có thể tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ, phần lớn do Bóng đá Nữ “thực tế hơn, hướng đến gia đình và tiến bộ hơn so với Bóng đá Nam."

Bà Mitton cho rằng mặc dù hiện không có số lượng người hâm mộ cao như Bóng đá Nam, Bóng đá Nữ đang phát triển nhanh, vì vậy có tiềm năng thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm tăng trưởng.

Bà cũng nhận định Bóng đá Nữ đang thu hút khán giả thế hệ Z, chỉ ra rằng số liệu cho thấy khán giả thế hệ Z gắn bó với môn thể thao này một khi đã xem các trận Bóng đá Nữ. Thế hệ này sẽ là những người hâm mộ trẻ trung thành trong nhiều năm tới.