Các ý kiến tham luận trực tiếp tại Tọa đàm tập trung vào các nhóm vấn đề: Những xu hướng, đặc điểm mới trong bối cảnh quốc tế, trong nước và các tác động của chúng đến yêu cầu hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, định hướng các hoạt động, nhiệm vụ… của Hội đồng trong hoạt động khoa học phục vụ tham mưu của các ban, cơ quan Đảng Trung ương. Đồng thời, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng đáp ứng yêu cầu mới.
Cuộc Tọa đàm lần này được tổ chức lần 2 trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học chuẩn bị xây dựng Đề án “Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đáp ứng yêu cầu tình hình mới”.
Báo cáo đề dẫn Tọa đàm do đồng chí Nguyễn Huy Cường, Thư ký khoa học của Hội đồng, Phó Viện trưởng Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo T.Ư trình bày, đã nhấn mạnh: 25 năm qua, các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học trong các ban, cơ quan Đảng Trung ương nói chung và của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nói riêng là nhân tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, nhiều xu hướng, biểu hiện mới phát sinh, đặt ra nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn cần phải giải quyết, để phục vụ công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng Trung ương, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng đặt ra trong thời kỳ mới.
Trên thế giới, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế tiếp tục xu hướng tiến triển, mặc dù còn nhiều trở ngại, thách thức do chủ nghĩa bảo hộ; sự chuyển biến của cục diện chính trị - an ninh thế giới; sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa các nước trên thế giới, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; trạng thái bình thường mới khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; sự suy giảm và nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày càng hiện hữu; những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp; nhiều nhận thức, luận điểm lý luận và khoa học đã cũ hoặc đang bị thực tiễn vượt qua, đòi hỏi sự cập nhật, bổ sung, chuẩn xác hóa, trong đó có: Sự thay đổi trong phân công lao động và chuỗi giá trị toàn cầu; sự thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh và quản trị ở cả tầm quốc gia và quốc tế dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Ở trong nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp; chính trị - xã hội ổn định; nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá; sức mạnh nội lực lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,.. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc và còn không ít hạn chế về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế còn thấp. Nguy cơ tụt hậu ngày càng xa và dân số đang già hóa nhanh. Biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn hán, bão lụt, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng, tác động lớn tới sự phát triển đất nước. Bốn nguy cơ mà Đảng chỉ ra vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số bộ phận cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãnh phí còn diễn biến phức tạp. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp....
Bên cạnh đó, sự giao lưu, tiếp xúc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng được tăng cường, mở rộng, tác động đến nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên cũng như các hoạt động của các ban, cơ quan Đảng Trung ương. Thông tin, dữ liệu liên quan, ảnh hưởng đến các hoạt động của các ban, cơ quan Đảng ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều chiều cạnh; bên cạnh kênh báo chí, phát thanh, truyền hình chính thống của Đảng, Nhà nước, vai trò của mạng xã hội, internet ngày càng tăng. Kết cấu xã hội của nước ta ngày càng phức tạp, đa dạng và phân chia thành nhiều tầng nấc. Con người trong xã hội cơ động hơn, phương thức, lĩnh vực ngành nghề và việc làm thay đổi nhanh hơn….
Bối cảnh mới đòi hỏi trong thời gian tới, hoạt động nghiên cứu khoa học, phục vụ tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận ở nước ta không chỉ rất quan trọng, mà còn trở thành nhiệm vụ rất nặng nề, với những yêu cầu rất cao và toàn diện; hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng Trung ương sẽ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương trong việc đổi mới tư duy, nhận thức, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, để thường xuyên nắm bắt, cập nhật những thông tin mới, luận giải và giải quyết đúng đắn những vấn đề lý luận, thực tiễn nảy sinh.
Theo đó, về nhận thức, đòi hỏi sự khẳng định về tầm quan trọng, về vị trí, vai trò ngày càng tăng của công tác nghiên cứu khoa học trong các cơ quan Đảng Trung ương; sự coi trọng, quan tâm sát sao, thấu đáo của lãnh đạo các cấp đối với công tác nghiên cứu khoa học và đây được coi là nhân tố quan trọng để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trong thời gian tới; tiếp tục có những nghiên cứu đầy đủ và hệ thống về nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu của các ban, cơ quan Đảng Trung ương, để có sự luận giải đúng đắn và chính xác hơn những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra chưa được làm sáng tỏ, những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn, từ đó góp phần đưa ra những định hướng, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu nhằm giải quyết đúng đắn, hiệu quả những vấn đề cấp thiết đặt ra.
Đặc biệt, cần xác định, khẳng định rõ vị trí, vai trò ổn định, lâu dài của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương trong hệ thống tổ chức các cơ quan của Đảng ở Trung ương và mối quan hệ theo chiều ngang, chiều dọc giữa Hội đồng với Ban Bí thư Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và với hội đồng khoa học thuộc các ban, cơ quan Đảng Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.
Về chức năng, nhiệm vụ, bên cạnh các quy định chung, Hội đồng cần có cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế, chính sách về nghiên cứu khoa học, tổ chức cán bộ, tài chính ổn định, mang tính đặc thù riêng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Về tổ chức, Hội đồng cần có cơ chế phối hợp hiệu quả với các cơ quan Đảng, cơ quan nghiên cứu ở Trung ương và địa phương để kịp thời nắm bắt thông tin, tạo sự kết nối, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là năng lực phát hiện, kiến giải những vấn đề lý luận, thực tiễn mới; năng lực tổng kết thực tiễn; khả năng thích ứng, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, công nghệ số, bố trí cán bộ chuyên trách nghiên cứu khoa học và xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, kế cận…