Bộ Y tế lên tiếng về việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển đầu vào ngành y khoa

Trước thông tin một số trường đại học sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển vào ngành y khoa, ngày 28/5, trao đổi thông tin với báo chí, PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết: Lĩnh vực sức khỏe cơ bản là khoa học tự nhiên, cần tư duy logic, khả năng phân tích nhanh, đánh giá chính xác.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Đại học Y Hà Nội chi viện phòng chống dịch Covid-19.
Sinh viên Đại học Y Hà Nội chi viện phòng chống dịch Covid-19.

Hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe trong những năm qua sử dụng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A00 (Toán, Hóa, Lý), ngoài ra còn có A02 (Toán, Lý, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Anh), D08 (Toán, Sinh, Anh) để tuyển sinh... Như vậy, các môn Toán, Hóa, Sinh, Lý là những môn học rất quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sức khỏe.

Các cơ sở đào tạo cần có phân tích, giải trình rõ ràng, thuyết phục về căn cứ khoa học, thực tiễn về sự cần thiết phải đưa môn Văn vào xét tuyển đào tạo đại học lĩnh vực sức khỏe, trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo đúng yêu cầu của Thông tư 08/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đầu mối quản lý về giáo dục đại học. Bộ Y tế không quản lý đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra của bậc đại học. Việc đưa môn Văn vào xét tuyển đầu vào lĩnh vực sức khỏe thuộc quyền hạn của các cơ sở đào tạo. Với việc đưa môn Văn vào tổ hợp để xét tuyển đầu vào khối ngành y khoa của một số trường đại học, Bộ Y tế có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, các cơ sở đào tạo cần có phân tích, giải trình rõ ràng, thuyết phục về căn cứ khoa học, thực tiễn về sự cần thiết phải đưa môn Văn vào xét tuyển đào tạo đại học lĩnh vực sức khỏe, trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo đúng yêu cầu của Thông tư 08/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai, cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đưa môn Văn vào xét tuyển phải được phân tích cho từng mã ngành cụ thể của lĩnh vực sức khỏe.

Thứ ba, các cơ sở đào tạo cần cân nhắc quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với một số chức danh, đặc biệt là về nội dung và hình thức kiểm tra (trắc nghiệm) để xem xét việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển.

Thứ tư, cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước thực tiễn về việc chọn môn Văn vào tổ hợp xét tuyển.