Bộ trưởng Tài chính: Phải tiết kiệm trong đầu tư, bảo đảm hiệu quả

NDO - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cần giảm chi đầu tư, phải tiết kiệm trong đầu tư, bảo đảm đầu tư hiệu quả, không được để thất thoát, lãng phí.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Duy Linh)
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Duy Linh)

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025…

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc có phát biểu giải trình và đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong cán cân tài khoá, giải ngân vốn đầu tư công...

Pháp luật càng hoàn thiện, nền kinh tế càng bền vững

Theo Bộ trưởng, một nền tài chính vững mạnh phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không mấy khả quan. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách được kiểm soát. Các cân đối lớn trong nền kinh tế được duy trì vững chắc.

"Đây là một bản tổng kết chính xác về tình hình kinh tế của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Về chính sách tài khóa, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, nói cách khác là chính sách thâm hụt, tức là giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách. Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế cho các loại thuế và tiền thuê đất trong vòng 3 năm qua.

Theo đó, năm 2021, đã giảm được 132,4 nghìn tỷ đồng; năm 2022, giảm 233 nghìn tỷ đồng; dự kiến năm nay sẽ giảm khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Đây là những nỗ lực đáng kể. Tuy nhiên, sau khi giảm thuế, cần phải tìm nguồn tiền để duy trì cân đối tài khóa trong khi đồng thời đầu tư 347 nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế theo Nghị quyết 43/2022/QH15.

Về tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2023, Bộ trưởng cho biết, đến ngày 30/10, thu ngân sách đã đạt 85% dự toán, tức 1,366 triệu tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng sự tăng trưởng thu ngân sách đến từ tiền thuê đất, tuy nhiên, số liệu cho thấy tiền thuê đất chỉ đạt 57,8%, tức là 86.482 tỷ đồng. Khoản thu từ dầu thô cũng rất nhỏ, chỉ đạt 46 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng thu ngân sách.

"Do đó, nguồn thu chủ yếu của ngân sách đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thu nội địa", Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng Tài chính: Phải tiết kiệm trong đầu tư, bảo đảm hiệu quả ảnh 1

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải đáp một số thắc mắc của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Duy Linh)

Phản biện lại một số ý kiến cho rằng pháp luật không phải là vướng mắc lớn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu chúng ta hoàn thiện tốt hệ thống pháp luật thì tăng trưởng sẽ mạnh hơn, nền kinh tế bền vững hơn và doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Lấy thí dụ từ Luật Quy hoạch, Bộ trưởng phân tích, sau hơn nửa nhiệm kỳ, Luật Quy hoạch vẫn chưa được hoàn thiện. Việc này dẫn đến sự chậm trễ trong tiến độ phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, gây khó khăn trong việc triển khai các quy hoạch cho từng khu vực.

Hay giải ngân đầu tư công đến nay mới chỉ được 57% theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng nếu theo cả quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và Chính phủ thì mới được 52%.

"Tại sao lại giải ngân thấp thế trong khi nền kinh tế đang khát vốn? Đây có phải vấn đề vướng mắc từ Luật Đầu tư công không?", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng, nếu không sửa Luật Đầu tư công thì sẽ không thể giải quyết triệt để vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng lấy dẫn chứng trong quy trình điều chỉnh danh mục công trình và chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác. “Muốn điều chỉnh danh mục công trình cũng phải ra Quốc hội, muốn điều chỉnh vốn từ dự án này sang dự án khác cũng phải ra Quốc hội”, Bộ trưởng Phớc nói. Trong khi, việc này lại yêu cầu sự linh hoạt và tiến trình thủ tục phải nhanh chóng.

Ngoài ra, cần có tiền để lập dự án và tiền này phải được bố trí trong kế hoạch đầu tư công. Điều này tạo ra rào cản cho việc triển khai các dự án mới. Một số gói phục hồi, như gói 14 nghìn tỷ đồng để xây dựng trạm y tế cho các phường, xã, vẫn chưa được giao vốn.

Ngay cả dự án sân bay Long Thành, một công trình trọng điểm quốc gia, cũng chưa được giao vốn do chưa có dự án được phê duyệt. Theo Bộ trưởng, điều này đòi hỏi sự thay đổi trong Luật Đầu tư công để bảo đảm việc cấp vốn cho các dự án được thực hiện một cách hiệu quả.

Bộ trưởng Tài chính đề xuất, Luật Đầu tư công cần phải mở rộng và đa dạng hóa nguồn vốn, cân đối được tài khóa và quy định chủ yếu trình tự thủ tục. “Tôi nghĩ nếu sắp tới sửa Luật Ngân sách thì nên đưa vào một chương về chi thường xuyên và chi đầu tư”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Tài chính: Phải tiết kiệm trong đầu tư, bảo đảm hiệu quả ảnh 2

Đại biểu Quốc hội lắng nghe giải trình. Ảnh: Duy Linh

Đầu tư phải hiệu quả, tiết kiệm

Liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần tập trung vào việc phân bổ và cải cách phân bổ ngân sách. Điều này đồng nghĩa với việc phân bổ nguồn lực cho các tỉnh, và sau đó các tỉnh sẽ phân bổ cho các huyện thực hiện.

Trong đó, nên quy định rõ chi đầu tư chỉ dành cho các công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trường học, trạm..., các công trình còn lại sẽ được chi từ nguồn kinh phí thường xuyên, bao gồm chi tiêu cho sinh kế, mô hình, nhà ở cho người nghèo, các ngành khoa học, giáo dục, y tế, hỗ trợ đất ở, và những vấn đề tương tự.

Bộ trưởng cho rằng cần giao trách nhiệm thực hiện những công việc này cho các tỉnh. Trung ương, các bộ, và các ngành sẽ kiểm tra và giải quyết theo mục tiêu của mình.

Trái ngược với nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng phải giảm chi thường xuyên, Bộ trưởng Phớc nêu quan điểm cần giảm chi đầu tư, phải tiết kiệm trong đầu tư. "Đầu tư không được để lãng phí, đầu tư là phải có hiệu quả, đầu tư không được để thất thoát", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến hoàn thuế, Bộ trưởng Tài chính cho biết, Bộ đã hoàn thành 92% công tác hoàn thuế, chỉ còn lại 14.857 hồ sơ cần được giải quyết. Hiện tại, Bộ đang xử lý 534 hồ sơ còn lại, ước tính cần hoàn thuế thêm 9.154 tỷ đồng.

Về việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đồng loạt, Bộ Tài chính đã thực hiện theo Nghị quyết 43 và đã kéo dài đối với một số ngành nghề không được giảm thuế như kinh doanh tài chính, viễn thông, chứng khoán, ngân hàng, v.v. Điều này nhằm tránh gây áp lực lên ngân sách nếu giảm thuế quá nhiều.