Trước đó, Chính phủ Burkina Faso cho biết, tại một số trại quân sự của nước này đã xảy ra nổ súng trong sáng sớm chủ nhật, nhưng bác bỏ thông tin trên mạng xã hội rằng quân đội đã tiếm quyền.
Theo đó, vụ việc xảy ra vào lúc 5 giờ sáng (giờ địa phương) tại doanh trại Sangoule Lamizana ở thủ đô Ouagadougou, nơi đặt Bộ Tham mưu Quân đội Burkina Faso và 1 nhà tù giam giữ các binh sĩ tham gia âm mưu đảo chính bất thành năm 2015.
Hãng tin Reuters đưa tin binh lính trong trại đã bắn lên không trung. Vụ việc tương tự cũng xảy ra tại căn cứ không quân gần sân bay Ouagadougou. Các nhân chứng cũng thông tin về 1 vụ nổ súng tại 1 trại quân sự ở Kaya, cách Ouagadougou khoảng 100 km về phía bắc.
Chính phủ Burkina Faso xác nhận có nổ súng tại một số trại quân sự, nhưng bác bỏ thông tin trên mạng xã hội rằng quân đội đã tiếm quyền.
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Burkina Faso, Tướng Bathelemy Simpore bác bỏ tin đồn Tổng thống Roch Marc Kabore đã bị giam giữ. Ông cũng cho biết thêm, động cơ đằng sau vụ xả súng vẫn chưa rõ ràng.
“Nguyên thủ quốc gia không bị giam giữ. Thể chế của đất nước cũng không bị đe dọa”, ông Simpore nói, đồng thời cho biết tình hình đã ổn định trở lại ở một số doanh trại và chính phủ đang cố gắng liên lạc với các binh sĩ để nắm động cơ hoặc yêu cầu của họ.
Các chính phủ ở Tây và Trung Phi đang trong tình trạng cảnh giác cao độ sau các cuộc đảo chính xảy ra trong 18 tháng qua ở Mali và Guinea. Quân đội cũng tiếm quyền tại Cộng hòa Chad hồi năm ngoái sau khi Tổng thống Idriss Deby thiệt mạng trong 1 chiến dịch quân sự.
Tháng trước, nhà chức trách Burkina Faso đã bắt giữ hàng chục binh sĩ vì nghi ngờ âm mưu chống chính phủ. Bạo lực gia tăng ở quốc gia Tây Phi này trong bối cảnh các tay súng Hồi giáo có liên hệ với các nhóm khủng bố al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng vào năm ngoái, dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố hồi tháng 11 vừa qua.
Chính phủ đã nhiều lần phải cắt dịch vụ Internet di động, và tình hình trở nên căng thẳng hồi tháng 11 khiến đặc phái viên Liên hợp quốc tại Tây Phi phải cảnh báo về bất kỳ hành động tiếm quyền nào của quân đội.