Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra lời kêu gọi trên tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 ngày 11/12 với chủ đề: “Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế”.
Nhân Ngày Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam (12/12), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chúc mừng cộng đồng 64 nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với doanh thu năm 2021 lên tới hơn 135 tỷ USD.
Bộ trưởng cho biết, tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 2 năm 2020, Make in Vietnam đã trở thành ngọn cờ kêu gọi các doanh nghiệp thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm, giải bài toán Việt Nam, từ đó đưa Việt Nam ra thế giới.
“Make in Vietnam ngắn gọn, thúc giục, nó là tự hào Việt Nam, và vì thế nó đã đi xa, đến được với mọi người, mọi miền”, Bộ trưởng khẳng định.
Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, hướng vào giải quyết các bài toán Việt Nam; đã có nhiều hơn các sản phẩm đi ra nước ngoài; và thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên.
Việc phát triển các nền tảng số sẽ giúp cho Việt Nam nhanh chóng trở thành 1 quốc gia số, tạo thành động lực tăng trưởng bền vững để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công bố bài toán của mình để kêu gọi giải pháp sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp là cách tiếp cận của hầu hết các quốc gia ngày nay. Những việc dù có khó mấy nhưng được gọi tên một cách rõ ràng, được giao cho một đơn vị cụ thể thì có lẽ phần khó nhất đã được giải quyết.
“Chúng ta có niềm tin vào sự sáng tạo của doanh nghiệp là vì phía sau mỗi doanh nghiệp là kho tàng tri thức của cả nhân loại, là khả năng huy động nguồn lực toàn cầu, cả nguồn lực nhân tài, công nghệ và tài chính”, Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là đóng vai trò trung tâm của quá trình chuyển đổi số Việt Nam.
Việt Nam đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ, một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng số mới, nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động. Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý.
Chuyển đổi số tạo ra 3 xu thế lớn: phi trung gian hóa, phi tập trung hóa và phi vật chất hóa. Phi trung gian hóa thông qua kinh tế nền tảng, thí dụ của nó là sàn thương mại điện tử. Phi tập trung hóa thông qua kinh tế chia sẻ, thí dụ của nó là dịch vụ gọi xe công nghệ. Phi vật chất hóa là hàng hóa, các sản phẩm và dịch vụ vật lý như sách điện tử, âm nhạc số, mô phỏng thế giới vật lý bằng thực tế ảo…
“Cả 3 xu thế này đều làm cho nền kinh tế của chúng ta hiệu quả hơn, và nâng cao năng lực cạnh tranh”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông khẳng định.
Bộ trưởng nhấn mạnh, kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu, vì vậy chính sách về dữ liệu có vai trò quyết định cho kinh tế số. “Dữ liệu giống như đất đai, canh tác trên đất đai này bằng công nghệ số sẽ tạo ra giá trị. Chính phủ sẽ có một chiến lược về dữ liệu để tạo ra nhiều dữ liệu hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác dữ liệu này để tạo ra giá trị, và đồng thời với nó là nghị định của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân”.
Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là cái mới, và chia sẻ về cái mới thành công của các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp và các quốc gia là cách tốt nhất để lan tỏa và đi nhanh. Ngoài ra, không chỉ chia sẻ thành công mà cả các dự án thất bại, các bài học thất bại.
Bộ trưởng cho biết, một trang web quốc gia về chia sẻ các kinh nghiệm chuyển đổi số sẽ được thiết lập. Doanh nghiệp công nghệ số là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy chuyển số quốc gia, để chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số, nhưng họ cần thị trường để nuôi sống họ và cần được tiếp cận, tham gia vào các dự án chuyển đổi số cả của Nhà nước và doanh nghiệp. Việc Bộ Thông tin công khai các dự án chuyển đổi số sẽ là một thúc đẩy chuyển đổi số.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ chỉ số đo lường, đánh giá về chuyển đổi trong việc thúc đẩy chuyển đổi số đi nhanh và đi đúng hướng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cùng với bộ chỉ số về chuyển đổi số chính quyền đã được ban hành, một bộ chỉ số đo lường kinh tế số và xã hội số, bên cạnh bộ chỉ số đánh giá về chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp sẽ được ban hành trong năm nay.
* Cũng tại Diễn đàn, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã công bố lần 1 danh sách 35 nền tảng số cho chuyển đổi số quốc gia và phân công cho các doanh nghiệp cần sớm triển khai. Ngay sau khi công bố, Bộ sẽ định kỳ cập nhật bổ sung danh sách trong thời gian tới. Đại diện các doanh nghiệp lên sân khấu nhận nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia.