Phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Hòa Bình

Việc ngăn sông Đà để xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã tạo nên vùng lòng hồ rộng lớn, với cảnh sắc sông, núi hùng vĩ. Cũng từ đây, một nghề mới đã hình thành, đem lại thu nhập ổn định cho khoảng 2.000 hộ dân sống chung quanh hồ thủy điện Hòa Bình.
0:00 / 0:00
0:00
Những năm qua, nghề nuôi cá lồng đã đem lại thu nhập ổn định cho khoảng 2.000 hộ dân vùng lòng hồ sông Đà.
Những năm qua, nghề nuôi cá lồng đã đem lại thu nhập ổn định cho khoảng 2.000 hộ dân vùng lòng hồ sông Đà.

Những năm qua, nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình đã có bước phát triển rõ rệt, với khoảng 5.000 lồng cá, cho sản lượng hơn 7.000 tấn/năm. Gia đình ông Lý Văn Thân, xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc là một trong những hộ dân đã gắn bó với nghề nuôi cá lồng hơn 10 năm nay. Trước đây, như các hộ dân ở vùng lòng hồ khác, thu nhập của gia đình ông Thân phụ thuộc vào rừng và đi đánh bắt cá, tôm ở hồ thủy điện. Từ năm 2013, nhận thấy những tiềm năng lớn về nuôi cá lồng, gia đình ông Thân mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư những lồng cá đầu tiên. Sau hơn 10 năm phát triển, đến nay, gia đình ông Thân đang sở hữu gần 20 lồng cá.

Ông Thân chia sẻ, nghề nuôi cá lồng cũng gặp không ít những thăng trầm, nhất là khâu tiêu thụ còn khó khăn, gần đây nhất do những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng đối với gia đình ông Thân, ngôi nhà mới được xây dựng khang trang như hiện nay cũng là nguồn thu từ nuôi cá lồng. Không chỉ nuôi cá lồng, gia đình ông Thân còn đầu tư nhà nổi để hướng tới phục vụ khách du lịch trong tương lai. Xóm Lau Bai - bản làng sinh sống của gia đình ông Thân và 30 hộ dân đồng bào Dao Tiền có vị trí như một ốc đảo, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng.

Nghề nuôi cá lồng ở hồ thủy điện Hòa Bình có tiềm năng rất lớn, với sản phẩm cá sạch, an toàn. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Thân, ông Mong và nhiều người nuôi cá lồng ở đây, hiện vẫn còn nhiều khó khăn để nâng cao giá trị và phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ hồ thủy điện, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, phát triển nuôi cá lồng, bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình...

Theo Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Hòa Bình Hoàng Văn Son: Hiện nay, trên hồ thủy điện Hòa Bình đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư xây dựng hệ thống lồng, bè nuôi tiên tiến, nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh một số loài cá đặc sản. Đáng chú ý, nhãn hiệu cá, tôm sông Đà Hòa Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Đây là điều kiện để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay, nghề nuôi thủy sản hồ chứa nói chung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn còn gặp những khó khăn. Trong đó, quy mô nuôi còn manh mún, các cơ sở nuôi cá lồng bè đa số chưa đăng ký và chưa được cấp mã số lồng bè. Công nghiệp chế biến thủy sản còn kém phát triển, nhất là chế biến sâu và công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, chưa tạo được đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, việc đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm, doanh nghiệp đầu tư vào thủy sản

còn rất ít; hay sự thiếu liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị...

Thời gian vừa qua, tỉnh Hòa Bình tập trung các giải pháp chính để phát triển thủy sản hồ chứa bền vững, gồm: chính sách, khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất, thị trường, môi trường. Theo đó, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới phát triển mô hình sản xuất theo hướng an toàn môi trường, hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả kinh tế cho vùng nuôi cá lồng, bè. Đồng thời tỉnh chú trọng triển khai thử nghiệm các mô hình nuôi cá bè theo tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản có chứng nhận VietGAP, hoặc tiêu chuẩn khác có liên quan để nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm; hạn chế rủi ro do môi trường và thời tiết. Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, thị trường. Hòa Bình khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng; áp dụng chính sách phát triển vùng sản xuất gắn với liên kết chuỗi.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết: Vùng lòng hồ sông Đà được đánh giá là một trong những nơi có tiềm năng thuận lợi để phát triển nuôi cá lồng. Trong khi nghề nuôi cá lồng khu vực lòng hồ phát triển đã đóng góp tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 2.700 ha diện tích mặt nước với 4.940 lồng nuôi cá. Sản lượng thu hoạch ước đạt 9.210 nghìn tấn/năm. Theo đánh giá, sản phẩm cá, tôm sông Đà nổi tiếng khắp cả nước, tạo nguồn thu lớn cho tỉnh và công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn hộ dân ■