Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Huế

NDO -

Chiều 6/7, tại Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và một số vấn đề trọng tâm trong công tác giáo dục địa phương.

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tham gia buổi làm việc có các đồng chí: Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành liên quan.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại Huế -0
Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Buổi làm việc tập trung thảo luận, đánh giá công tác chuẩn bị, chỉ đạo cùng các nội dung khác liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời làm rõ những kết quả và các vướng mắc trong hoạt động giáo dục và đào tạo trên bàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tại Thừa Thiên Huế có 13.344 thí sinh dự thi, trong đó có 548 thí sinh tự do; ngành giáo dục tỉnh đã tổ chức, bố trí thi tại 37 điểm thi ở các trường học trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Sở đã điều động hơn 2.500 cán bộ, giáo viên và nhân viên tham gia làm nhiệm vụ công tác thi tốt nghiệp.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, ngoài các phòng thi chính và phòng chờ, mỗi điểm thi đều bố trí phòng thi dự phòng bảo đảm tổ chức thi khi có học sinh dự thi bị nhiễm Covid-19 và phòng chứa đựng vật dụng học sinh cách xa 25m theo quy định. Đến nay, công tác ôn tập, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức Kỳ thi cơ bản đã hoàn thành; bảo đảm an toàn cho Kỳ thi, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19, phòng cháy chữa cháy và công tác bảo mật của kỳ thi.

Đối với những vấn đề trọng tâm trong công tác giáo dục địa phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế tuyển dụng đặc thù, áp dụng riêng cho ngành giáo dục để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm; hỗ trợ việc xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.

Song song đó, hỗ trợ đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng phát triển các năng khiếu cho Trường THPT chuyên Quốc học Huế là điểm sáng về chất lượng bậc giáo dục THPT của toàn quốc; đồng thời hỗ trợ nguồn lực phát triển cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của hai huyện A Lưới, Nam Đông.

“Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ nguồn lực giúp Thừa Thiên Huế có thêm điều kiện đi tiên phòng xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số trong giáo dục và quan tâm mời gọi các nhà đầu tư xúc tiến dự án xây dựng trường ngoài công lập chất lượng cao, trường quốc tế tại Thừa Thiên Huế, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập chất lượng cao cho người dân”, ông Nguyễn Tân cho hay.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại Huế -0
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hỗ trợ nguồn lực, ưu tiên Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển giáo dục trên địa bàn. 

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng mong muốn Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hỗ trợ nguồn lực, trong đó ưu tiên Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển giáo dục dân tộc miền núi; phát triển cơ sở vật chất trường lớp cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông vùng đồng báo dân tộc thiểu số và miền núi của huyện A Lưới và Nam Đông, nhằm thực hiện mục tiêu rút ngắn khoản cách và xây dựng toàn tỉnh Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh và các thành tựu ứng dụng CNTT của địa phương và từ những hiệu quả bước đầu triển khai chuyển đổi số của ngành giáo dục Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hỗ trợ nguồn lực giúp Thừa Thiên Huế có thêm điều kiện đi tiên phong cùng một số địa phương xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số trong giáo dục cho cả nước.

Tỉnh đề nghị Bộ quan tâm mời gọi nhà đầu tư xúc tiến các dự án xây dựng trường ngoài công lập chất lượng cao, trường quốc tế tại Thừa Thiên Huế nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập chất lượng cao cho người dân, góp phần vào xây dựng trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao; quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất và tạo điều kiện để Đại học Huế phát triển thành Đại học Quốc gia.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại Huế -0
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục địa phương tại Thừa Thiên Huế khá sinh động, hoạt động giáo dục và đào tạo của tỉnh có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, ngành giáo dục trên địa bàn từ mầm non đến các bậc học đạt chất lượng tốt, tương đối hài hòa, kể cả giáo dục phổ cập và giáo dục mũi nhọn.

Theo Bộ trưởng, việc sắp xếp quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục trong thời gian qua của Thừa Thiên Huế đã làm khá tốt, đã tính đến yếu tố khu vực. Trong tình trạng chung của cả nước về thiếu định biên đối với giáo viên, nhưng tại Thừa Thiên Huế vẫn đáp ứng đủ các môn học mũi nhọn và những môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Hệ thống các trường học đạt chuẩn, nhà vệ sinh trong trường học đã có hạ tầng tương đối tốt, đặc biệt là hệ thống trường chuyên biệt.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, đến thời điểm hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông mới đã đi nửa chặng đường, đối với việc thay sách giáo khoa và dạy chương trình mới còn rất nhiều việc phải làm. Ngành giáo dục phải thấy hết những khó khăn thách thức của chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, các điều kiện đi cùng như cơ sở vật chất trường lớp, điều kiện phục vụ dạy học… nhìn chung tại các địa phương đều gặp khó khăn, hệ thống thí nghiệm trong trường học vẫn đang tình trạng “học chay” ngày càng nhiều. Cần phát huy tinh thần, kết quả của giáo dục phổ thông, nhất kinh nghiệm trong chọn sách giáo khoa.

Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm tốt công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Tuy nhiên, Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ban, ngành liên quan tiếp tục thực hiện việc bố trí các điểm thi, phòng thi bảo đảm quy chuẩn; bố trí phòng thi dự phòng đúng quy định; bố cán bộ, nhân viên bảo đảm phục vụ công tác thi. Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp của tỉnh cần đặt ra những tình huống có thể phát sinh, thận trọng để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, bảo đảm một kỳ thi an toàn, chất lượng và hiệu quả.