Bản thông cáo nêu rõ: "Chúng tôi thấy rằng một lượng dữ liệu rất lớn mà Nga trao cho JIT đã bị phớt lờ và không hề được nhắc đến trong cuộc họp báo công bố kết quả điều tra". Bộ Ngoại giao Nga khẳng định tác giả bản báo cáo kết quả đã "quên" không đề cập tới việc Nga đã giải mật và cung cấp cho các điều tra viên những dữ liệu về thiết kế và kỹ thuật của các tên lửa Buk cũng như kết quả một cuộc thử nghiệm toàn diện mà tập đoàn Almaz-Antey, nhà sản xuất hệ thống phòng không này đã tiến hành.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga, trong cuộc họp báo của mình, JIT đã "không hề công bố một chứng cứ nào ngoại trừ một đoạn phim video dựa trên những thông tin thêu dệt của các blogger từ hãng Bellingcat, những người trước đó đã từng đưa ra những thông tin bị bóp méo để tìm cách chứng minh Nga có liên quan trong vụ tai nạn của chiếc máy bay MH17".
Bộ này cũng khẳng định Nhóm Điều tra Liên hợp đã phớt lờ những dữ liệu mà phía Nga cung cấp. Bản thông cáo viết: "JIT không nhắc gì tới sự hỗ trợ của chúng tôi đối với cuộc điều tra".
Bên cạnh đó, Nga cũng khẳng định đã cung cấp cho phía Hà Lan "những dữ liệu quan trọng thu được từ một trạm ra-đa đang hoạt động trong khu vực". Những dữ liệu này là cực kỳ quan trọng bởi chúng hoàn toàn khách quan và không thể bị làm giả hay thay đổi.
Bởi vậy, Bộ Ngoại giao LB Nga kết luận: "Trong trường hợp này, Nga có quyền đặt câu hỏi về lý do thật sự đằng sau quyết định của JIT trong việc công bố rộng rãi kết luận sơ bộ về cuộc điều tra". Tuy nhiên, Nga khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ cuộc điều tra tìm kiếm nguyên nhân gây ra vụ tai nạn của chiếc máy bay MH17 và bảo đảm những kẻ gây ra sự việc phải bị trừng phạt.
Trước đó, trong cùng ngày, Nhóm điều tra Liên hợp về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay MH17 đã công bố một số thông tin về cuộc điều tra và cáo buộc "chiếc máy bay dân dụng MH17 đã bị bắn rơi bởi hệ thống tên lửa BUK-TELAR thuộc lữ đoàn Tên lửa Phòng không số 53 của Nga đóng tại khu vực Kursk thuộc LB Nga".