Phóng sự

Bình yên sông Hàn

Ngưng dở nước cờ trên bàn cờ tướng với người bạn già, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Hữu Hùng (Đà Nẵng) nhìn ra cầu Rồng, nói với tôi mà như nói với chính mình, “Đà Nẵng phát triển khang trang như hôm nay là ghi nhận công sức của bao thế hệ lãnh đạo đã dày công đổ tâm sức vì thành phố. Khi hàng nghìn người dân đã vì thành phố mà đồng thuận để hy sinh chút lợi ích cá nhân vì sự phát triển của thành phố. Bình yên lắm với những chiều được ngồi chơi cờ với bạn bè. Sông Hàn cũng như con người Đà Nẵng, sâu nặng ân tình trên con nước đầy vơi”.

Nhiều du khách quốc tế lựa chọn đi bộ thưởng ngoạn vẻ đẹp của sông Hàn (TP Đà Nẵng). Ảnh: CAO MINH
Nhiều du khách quốc tế lựa chọn đi bộ thưởng ngoạn vẻ đẹp của sông Hàn (TP Đà Nẵng). Ảnh: CAO MINH

Khi văn hóa được kết nối

Những ngày đầu xuân mới Bính Thân 2016, hàng vạn người dân Đà Nẵng như chộn rộn hơn khi đoàn đua thuyền buồm quốc tế vòng quanh thế giới Clipper Race 2015 - 2016 cập cảng Đà Nẵng, kết thúc chặng đua dài hơn sáu nghìn hải lý với tên gọi Đà Nẵng - Khám phá mới của châu Á. Việc lần đầu Đà Nẵng đăng cai là Cảng đến và tài trợ cho Clipper Race 2015 - 2016 là một sự bạo dạn lớn của lãnh đạo thành phố với kỳ vọng quảng bá nhiều hơn nữa hình ảnh văn hóa, con người, cảnh sắc Đà Nẵng đến với bạn bè quốc tế. Trong chuỗi các hoạt động phục vụ Clipper Race 2015 - 2016 ở lại Đà Nẵng hơn một tuần lễ, hai bên bờ sông Hàn lại được chọn làm địa điểm để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, giao lưu, kết nối để hàng trăm thủy thủ được tận hưởng những ngày thật đẹp tại đây. Cũng là lần đầu sông Hàn chào đón những người thủy thủ từ nhiều nước trên thế giới đến và cùng trình diễn màn đua thuyền đẹp mắt trong đêm Đà Nẵng. Cơ hội này sông Hàn như được mở lòng để hòa cùng dòng chảy của đoàn đua, lăn theo những con sóng dưới những thuyền đua đã đi qua hành trình dài của sáu chặng dừng chân trên các châu lục. Hơn hai trăm thủy thủ đoàn đến từ 12 đội đua trên khắp thế giới đã có những ngày thật ấn tượng trên thành phố biển Đà Nẵng. Đặc biệt huyền thoại đua thuyền buồm vòng quanh thế giới - ông R.Giôn-xtơn, người sáng lập và chủ tịch của Clipper Race đã đến Đà Nẵng và khá bất ngờ vì vẻ đẹp cũng như không khí trong lành của Đà Nẵng với dòng sông Hàn nằm giữa lòng thành phố.

Bình yên sông Hàn ảnh 1

Chiều chiều, người dân TP Đà Nẵng lại thư thái ngồi đánh cờ trên bờ sông Hàn.

Tối 22-2, tại lễ trao giải cho các đội đua chiến thắng chặng Đà Nẵng-Khám phá mới của châu Á, trả lời phóng viên Báo Nhân Dân về cảm nhận của mình khi đến Đà Nẵng, huyền thoại đua thuyền buồm R.Giôn-xtơn đã hào hứng nói rằng, đây là lần đầu ông đặt chân đến Việt Nam và không khỏi ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của Đà Nẵng, đặc biệt dòng sông Hàn và những cây cầu kết nối, được thưởng thức những tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc đặc sắc. Đà Nẵng là thành phố biển xinh đẹp và môi trường rất trong lành. Ông và các thủy thủ đoàn sẽ mang theo những cảm nhận của mình về Đà Nẵng - Việt Nam để quảng bá đến người thân, bạn bè. Hy vọng trong thời gian tới, Clipper Race sẽ có nhiều thủy thủ người Việt Nam tham gia. Đây là cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam của các bạn đến với bạn bè quốc tế. “Các bạn đã chào đón chúng tôi bằng sự nhiệt tình, nồng ấm và đó là cảm giác tôi không thể nào quên. Chính Clipper Race đã vượt qua ranh giới ngôn ngữ, bản địa, để cùng thật sự sẻ chia, giao lưu giữa mọi người” - ông R.Giôn-xtơn nói như thế khi nhìn các thủy thủ thuyền Đà Nẵng - Việt Nam trong tà áo dài truyền thống mà họ mặc trong những ngày ở Đà Nẵng.

Định hướng phát triển du lịch, đặc biệt chú trọng du lịch đường sông, Đà Nẵng muốn kết nối và quảng bá hình ảnh bằng nhiều hình thức vươn tầm thế giới. Khi tham gia tài trợ cuộc đua Clipper Race, Đà Nẵng đã thực hiện được mục đích này. Như tâm sự của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng: Tôi hy vọng cuộc đua với phạm vi toàn cầu đi qua 14 cảng của sáu lục địa khác nhau và sự trải nghiệm của hơn hai trăm thủy thủ tại Đà Nẵng sẽ không chỉ giúp quảng bá Đà Nẵng, mà còn cả văn hóa, con người của đất nước Việt Nam. Sự tham gia của TP Đà Nẵng trong cuộc đua này là minh chứng cho một ước muốn lớn lao của đất nước Việt Nam là kết nối và tương tác với thế giới với tinh thần hòa bình, hữu nghị cũng như mở ra cơ hội hợp tác giao thương và tăng cường các hoạt động văn hóa đối ngoại.

Trở về từ hành trình đua cùng Clipper Race, thủy thủ người Việt Nam duy nhất trong đoàn, anh Nguyễn Trần Minh An (trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) chia sẻ rằng, đó là một trải nghiệm thú vị trong đời. “Tôi đã nói với các thủy thủ đoàn rằng, hãy đến để khám phá một Đà Nẵng - Việt Nam thân thiện và mến khách. Những ngày qua tôi đã cùng các thủy thủ đoàn tham quan các danh lam, thắng cảnh tại Đà Nẵng và nhận xét đầu tiên của họ về Đà Nẵng là đẹp và bình yên. Họ nói sẽ quay trở lại”.

Vỉa phù sa sông Hàn

Đối với người dân Đà Nẵng, dòng sông Hàn gắn với nhiều giai đoạn phát triển đổi thay bứt phá của thành phố. Bây giờ người dân Đà Nẵng không còn thói quen đếm xem trên dòng sông mạch nguồn này bao nhiêu cây cầu đã được bắc qua, mà họ nghĩ nhiều về việc làm sao để sông Hàn - món quà tặng tuyệt vời của thiên nhiên sớm trở thành thế mạnh, lực đẩy cho Đà Nẵng vươn xa, bứt phá.

Nhiều năm qua, những bàn cờ tướng ven bờ tây sông Hàn đã trở thành nơi hội ngộ của nhiều tâm hồn cùng mê đánh cờ, giải tỏa căng thẳng để thảnh thơi đầu óc. Bỏ lại sau lưng một ngày làm việc mệt nhọc, nhiều người lao động nghèo tại Đà Nẵng vẫn dành cho mình giây phút giải trí bình yên bên những bàn cờ tướng trên ghế đá, giữa vỉa hè. Ở đây cũng là địa chỉ hội ngộ buổi chiều của không ít cán bộ hưu trí, vừa đi bộ tập thể dục, vừa thảnh thơi đánh cờ tướng, rồi tâm sự, trao đổi nhiều điều về những đổi thay của thành phố biển, về tình đời, tình người Đà Nẵng. Có thể nói đây là khoảng không gian bình yên đáng nhớ nhất giữa ồn ào đô thị Đà Nẵng. Tạo thêm nét đẹp riêng của hình ảnh Đà Nẵng trong cảm nhận của người dân, du khách. Tôi đã có nhiều buổi chiều cùng thả bộ dọc đôi bờ sông Hàn, được lắng nghe nhiều tâm sự gửi gắm cho sự phát triển bền vững và có chiều sâu với Đà Nẵng. Như câu chuyện của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Hữu Hùng cứ nhắc tôi chọn một Đà Nẵng đằm sâu và dịu nhẹ. Ông chơi cờ tướng từ hồi còn bé, đến bây giờ thì đã ngót nghét 45 năm ông vẫn giữ thú chơi tao nhã này. Bây giờ mỗi buổi chiều sau khi công việc đã vơi, ông lại chạy ra sông Hàn để tìm bạn chơi cờ, thảnh thơi hít thở không khí trong lành, dịu mát bên sông. Người nghệ sĩ đời thường này vẫn thường lăn lộn tìm tòi nhiều góc ảnh để ghi lại Đà Nẵng trên từng nấc thời gian, bởi thế, có một Đà Nẵng rất riêng và đẹp trong ảnh của nghệ sĩ. Tôi hỏi ông nghĩ gì cho một Đà Nẵng tinh tươm hơn trong tương lai? Ông tiếp lời tôi rằng, Đà Nẵng có cái bình dị và thuân thuộc. Cái chất Quảng không thể lẫn nhưng đó là cái chất Quảng chân thành. Con người nên sống thân thiện và sẻ chia, cuộc đời vốn công bằng lắm. Sông Hàn như vỉa phù sa, phải biết trân trọng và khai thác. Nếu làm được, Đà Nẵng sẽ là thành phố du lịch phát triển vượt bậc và thu hút ngày càng nhiều du khách.

Khi nghe tôi hỏi chuyện về việc thành phố sẽ khoác áo mới cho sông Hàn bằng quy hoạch tổng thể và biến sông Hàn thành thế mạnh du lịch, kết nối những giá trị văn hóa, ông Huỳnh Văn Luận, trú quận Hải Châu như trút bầu tâm sự: Nếu như vậy thì tốt quá chừng. Nhiều cây cầu đã có, bến du thuyền cũng đã hình thành, tàu thuyền du lịch cũng được người dân đầu tư, nâng cấp. Sông Hàn hiện tại đã đẹp, nhưng để ngăn nắp và phát triển bền vững thì tầm nhìn rất quan trọng. Nếu ban ngày Đà Nẵng đã bình yên thì khi đêm về, vẻ đẹp của sông Hàn lại càng lắng đọng trong ngàn ánh điện lấp lánh của những cây cầu, những chiếc thuyền du lịch. Tôi cũng như bao người dân lao động khác tại Đà Nẵng, rất tự hào vì điều đó.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về những giá trị mà sông Hàn đang mang lại cho Đà Nẵng cũng như định hướng phát triển của du lịch Đà Nẵng trong năm nay và thời gian tiếp theo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng Ngô Quang Vinh khẳng định: Phát triển du lịch gắn với văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2016. Để khai thác được tiềm năng du lịch Đà Nẵng, nhất là các tuyến, điểm tham quan gắn với khai thác hệ thống di sản văn hóa của Đà Nẵng, chúng tôi sẽ đặc biệt quan tâm đến phát triển du lịch gắn liền với văn hóa, tạo sự gắn kết và phát triển bền vững giữa hai lĩnh vực trọng yếu này. Cụ thể sẽ khai thác sông Hàn, mở thêm nhiều tuyến du lịch đường sông đến các khu làng cổ như Thái Lai, Túy Loan. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng các lễ hội, sự kiện dọc hai bờ sông Hàn để phục vụ tốt hơn cho người dân, du khách.

Bắt đầu từ sông Hàn, Đà Nẵng đang khai thác ba tuyến du lịch đường thủy nội địa chính đã được đưa vào khai thác gồm: Tuyến Cảng Sông Hàn - Cửa biển - Bán đảo Sơn Trà; Cảng Sông Hàn - Cầu Trần Thị Lý - Cầu Thuận Phước; Cảng Sông Hàn - Bán đảo Sơn Trà - Cù Lao Chàm. Cùng với nhiều tour đang khai thác như: Du ngoạn sông Hàn về đêm; khám phá Bãi Cát Vàng Sơn Trà; lặn biển ngắm san hô; khám phá Hòn Chảo (Đảo Ngọc)… Nhưng ngành du lịch Đà Nẵng đang tập trung triển khai việc nạo vét sông Cổ Cò để từ sông Hàn, bằng đường sông, du khách có thể tham quan Danh thắng Ngũ Hành Sơn và kết nối với Hội An. Phía Đà Nẵng đang xúc tiến xây dựng hai cây cầu để thay thế đập Bờ Quang, Đồng Nò. Như vậy sẽ nối được sông Hàn ngược lên sông Cổ Cò. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố đang tiếp tục làm việc với tỉnh Quảng Nam để cùng phối hợp nạo vét sông, thông đường du lịch tiềm năng này để kết nối cùng phát triển.

Nhiều người vẫn đặt câu hỏi, khi Đà Nẵng chăm chút văn hóa, đầu tư cho văn hóa, phát triển du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, liệu đã thật sự bền vững? Hay đúng hơn cần chú trọng đầu tư cho giá trị du lịch mà cần nhất là trong sản phẩm du lịch đó phải có giá trị văn hóa, để vẻ đẹp đất và người Đà Nẵng đằm sâu, lan tỏa. Nếu nhìn từ sông Hàn và những giá trị đang được chú tâm đặt đúng vị trí trong sự phát triển hài hòa kinh tế - văn hóa - xã hội, Đà Nẵng có quyền tự tin hướng đến sự bền vững trong tương lai, hướng đến một thành phố an bình, thân thiện.

Chiều nay sông Hàn bình yên thả vào bờ những đợt sóng nhẹ. Dòng người vẫn thả bộ dọc bờ sông, thi thoảng ghé lại xem những ván cờ hay. Vực lại tất cả những giá trị còn ẩn sâu của sông Hàn để bồi đắp thêm cho những nấc tầng văn hóa chưa được đầu tư, khám phá. Đà Nẵng cần có thêm nhiều điểm đến, điểm dừng chân có chiều sâu để lưu luyến bước chân du khách. Từ sông Hàn, soi lại chặng đường phát triển vượt bậc hơn mười năm qua của Đà Nẵng, vẫn thấy dáng hình những gấp khúc cần được khai mở, hướng ra biển lớn.