Bình Thuận xây dựng các hồ thủy lợi phục vụ đa mục tiêu

Bình Thuận là tỉnh nằm trong vùng khô hạn nhất của cả nước, tình hình nắng nóng, khô hạn hằng năm kéo dài, các sông, suối gần như khô kiệt, hạn hán thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Hồ Sông Quao, huyện Hàm Thuận Bắc cấp nước tưới cho hơn 12.700 ha lúa, thanh long và 64.000 mét khối nước sinh hoạt/ngày đêm.
Hồ Sông Quao, huyện Hàm Thuận Bắc cấp nước tưới cho hơn 12.700 ha lúa, thanh long và 64.000 mét khối nước sinh hoạt/ngày đêm.

Trong những năm gần đây, do chịu tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino diễn ra hết sức gay gắt, tình trạng hạn hán trên địa bàn tỉnh rất nghiêm trọng.

Chỉ riêng vụ đông xuân 2015-2016, tỉnh phải cắt giảm 15.423 ha diện tích gieo trồng do không đủ nguồn nước tưới, ảnh hưởng đến việc làm, kinh tế của hơn 200.000 hộ gia đình; tổng thiệt hại là hơn 380 tỷ đồng. Hơn 35.200 hộ với khoảng 142.500 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt.

Vì vậy, khắc phục những trở ngại của thiên nhiên, tìm các giải pháp để chủ động được nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là vấn đề mà Bình Thuận luôn ưu tiên hàng đầu.

Được sự hỗ trợ của Trung ương, cùng sự tập trung nguồn lực của địa phương, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng.

Đến nay, Bình Thuận có tất cả 78 hệ thống công trình thủy lợi, trong đó có 49 hồ chứa nước với tổng dung tích 442 triệu mét khối. Tổng diện tích được tưới từ các hồ chứa khoảng 54.000 ha. Cùng với đó là bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân trong tỉnh cũng như phục vụ nhu cầu nước cho các ngành kinh tế khác.

Kết quả đầu tư các công trình thủy lợi từ khi tái lập tỉnh đã nâng tổng diện tích gieo trồng được tưới của Bình Thuận từ 32.600 ha (năm 1992) lên hơn 139.000 ha (cuối năm 2022). Sản lượng lương thực từ hơn 180.000 tấn (năm 1992) tăng lên 846.626 tấn (năm 2022); sản lượng thanh long cây trồng lợi thế của tỉnh đạt 700.000 tấn.

Những công trình thủy lợi quan trọng nhất của Bình Thuận là hồ Sông Quao, huyện Hàm Thuận Bắc, dung tích 73 triệu mét khối, đã cung cấp nước sản xuất cho hơn 12.700 ha lúa và thanh long; cung cấp 64.000 m3 nước sinh hoạt/ngày đêm cho thị trấn Ma Lâm và thành phố Phan Thiết.

Hồ Cà Giây, dung tích 37 triệu mét khối, cấp n­ước tưới cho gần 7.000 ha đất canh tác của huyện Bắc Bình; hồ Lòng Sông, dung tích 36,8 triệu mét khối, tưới cho 4.260 ha đất canh tác của huyện Tuy Phong; hồ Sông Móng, dung tích 37 triệu mét khối, năng lực thiết kế tưới 4.670 ha đất sản xuất của huyện Hàm Thuận Nam.

Đặc biệt, hồ Sông Lũy được xây dựng từ tháng 2/2021 đến tháng 10/2022 hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây là hồ thủy lợi lớn nhất của tỉnh Bình Thuận với dung tích 99,93 triệu mét khối. Hồ cấp nước tưới cho 24.200 ha đất canh tác của các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc; cấp nước phục vụ sinh hoạt và du lịch cho Trạm bơm Lê Hồng Phong; nguồn cung cấp nước cho hệ thống tưới Phan Rí-Phan Thiết.

Có hồ Sông Lũy, nhu cầu về nước cho phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực phía bắc tỉnh gồm các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết về cơ bản đã được đáp ứng.

Tuy nhiên, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 320.000 ha, trong khi tổng diện tích được tưới từ các hồ chứa khoảng 54.000 ha, đạt khoảng hơn 16,48%, thì vẫn còn diện tích rất lớn chưa được tưới.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Trưởng phòng tưới Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cho biết, Bình Thuận có 49 hồ chứa, nhưng trong đó có 29 hồ dung tích dưới một triệu mét khối, đa số chỉ tưới xong một vụ đông xuân là hết nước. Những hồ có nước vừa phục vụ sinh hoạt vừa để sản xuất thì đơn vị cố gắng bảo đảm cấp nước sinh hoạt, cho đến ngày 30/6, dự phòng cho đến tháng 7. Vì vậy, việc tạo nguồn các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết.

Theo quy hoạch đến năm 2025, Bình Thuận sẽ xây dựng thêm 13 hồ thủy lợi, trong đó có hai hồ chứa rất quan trọng là hồ Ka Pét và hồ La Ngà 3, góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước, gây hạn hán nghiêm trọng thường xuyên về mùa khô, và là công trình có tính chất quyết định đến phát triển bền vững, lâu dài cho khu vực phía nam của tỉnh.

Hồ Ka Pét có quy mô hơn 51 triệu mét khối, mục tiêu chủ yếu là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II (2,63 triệu mét khối/năm); cấp nước sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân; phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đã hoàn thành công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án hồ chứa nước La Ngà 3 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mục tiêu của hồ chứa nước La Ngà 3 với dung tích khoảng 476 triệu mét khối sẽ cấp nước tưới cho hơn 97.000 ha đất nông nghiệp; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch, dịch vụ 620.000 mét khối/ngày cho 3 tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai.

Đây là dự án đa mục tiêu, tính hiệu quả kinh tế của việc xây dựng hồ La Ngà 3 là rất cao, tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội không chỉ cho tỉnh Bình Thuận mà còn cho các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, với hàng trăm nghìn người dân được hưởng lợi từ dự án này.