Cùng dự có đại diện các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan; phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An đã nêu khái quát về Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, mục tiêu, hiệu quả của dự án đối với dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận và các địa phương phía nam của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất Việt Nam. Trách nhiệm của tỉnh là lo nước cho dân. Với đặc điểm địa hình Bình Thuận, muốn làm hồ thủy lợi, không ít thì nhiều đều ảnh hưởng đến rừng. Nhưng có hồ, môi trường chắc chắn sẽ tốt lên vì tích được nước, tăng độ ẩm toàn khu vực, tạo môi trường cho cây sinh trưởng.
Bình Thuận kiến nghị điều chỉnh dự án hồ chứa nước Ka Pét
Giữ rừng là cho dân, giữ nước cũng là cho dân. Mất rừng sẽ làm suy giảm nước ngầm. Nhưng làm hồ cũng là một hình thức tích tụ nước mặt, làm tăng mực nước ngầm. Khi đề xuất dự án này, tỉnh và các đơn vị liên quan lựa chọn phương án ít tác động rừng nhất, nhưng đem lại hiệu quả cao nhất.
Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khảo sát thực tế tại vị trí dự kiến xây dựng công trình Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. |
Báo cáo của Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2020 và Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023. Hồ Ka Pét có quy mô dung tích chứa hơn 51 triệu m3. Tổng mức đầu tư hơn 874 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải giải đáp các câu hỏi về hiệu quả Dự án Hồ chứa nước Ka Pét. |
Khi dự án hoàn thành, sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II với 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.
Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Phan Thanh Hoàng báo cáo tổng quan Dự án Hồ chứa nước Ka Pét. |
Tổng diện tích đất dự án là 697,73ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72ha (đất có rừng là 619,58ha, gồm: rừng đặc dụng là 137,95ha; rừng phòng hộ là 0,51ha; rừng sản xuất là 440,4ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha và đất không có rừng 60,14ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01ha.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Bình Thuận đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng hệ thống công trình thủy lợi (bao gồm các hồ chứa, đập dâng, trạm bơm và kênh tiếp nước...), với tổng dung tích thiết kế hơn 362 triệu m3. Tuy nhiên, tổng dung tích thiết kế của các hồ mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Nhu cầu đầu tư hệ thống hồ chứa nước để giữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân cần được ưu tiên.
Dự án chứa nước Ka Pét là một trong những dự án thủy lợi được nhân dân Bình Thuận nói chung, nhân dân huyện Hàm Thuận Nam và các huyện lân cận nói riêng mong đợi từ nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Công Thành,Viện Đào tạo Khoa học Ứng dụng miền trung, đơn vị tư vấn lập Dự án xây dựng Hồ thủy lợi Ka Pét trả lời về phương án chọn vị trí xây Hồ Ka Pét. |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vì sao không xây dựng Hồ chứa nước Ka Pét ở vị trí khác mà phải xây ở vị trí này, ông Nguyễn Công Thành, Viện Đào tạo Khoa học Ứng dụng miền trung, đơn vị tư vấn lập Dự án xây dựng Hồ thủy lợi Ka Pét cho biết, qua tính toán cân bằng nước, căn cứ vào đặc điểm địa hình vùng dự án cho thấy chỉ có hai vị trí xây dựng công trình đầu mối hồ chứa nước Ka Pét để tạo ra hồ chứa ở thượng lưu.
Để không gây ngập khu canh tác 127ha đất mới khai hoang dọc ven sông Bà Bích nằm trong lòng hồ (chính là khu tưới của đồng bào ở xã Mỹ Thạnh hiện nay) và để tránh ngập cầu, ngập đường nối quốc lộ 1A đến xã Mỹ Thạnh nên vị trí công trình đầu mối Hồ chứa nước Ka Pét được nghiên cứu là vị trí phương án chọn hiện nay, thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.
Qua tính toán cân bằng nước, căn cứ vào đặc điểm địa hình vùng dự án cho thấy chỉ có hai vị trí xây dựng công trình đầu mối hồ chứa nước Ka Pét để tạo ra hồ chứa ở thượng lưu.
Để không gây ngập khu canh tác 127ha đất mới khai hoang dọc ven sông Bà Bích nằm trong lòng hồ (chính là khu tưới của đồng bào ở xã Mỹ Thạnh hiện nay) và để tránh ngập cầu, ngập đường nối quốc lộ 1A đến xã Mỹ Thạnh nên vị trí công trình đầu mối Hồ chứa nước Ka Pét được nghiên cứu là vị trí phương án chọn hiện nay, thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.
Ông Nguyễn Công Thành, Viện Đào tạo Khoa học Ứng dụng miền trung, đơn vị tư vấn lập Dự án xây dựng Hồ thủy lợi Ka Pét
Tiến sĩ Đỗ Văn Thông, Phân viện trưởng Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ là đơn vị thực hiện kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp thuộc dự án Hồ chứa nước Ka Pét cho biết, khu vực thực hiện dự án chỉ có 2 trạng thái rừng hỗn giao (gỗ+ tre nứa) và tre (nứa+gỗ) mật độ dưới 400 cây/ha. Một số loài cây như: cẩm liên, căm xe, cà chắc, sến cát, xây… không thuộc nhóm các loài cây gỗ quý, hiếm trong Sách đỏ Việt Nam. Phần lớn cây gỗ tái sinh trong khu vực điều tra có chất lượng trung bình. Đối với các trạng thái rừng hỗn giao thì cây tái sinh từ hạt chiếm ưu thế; còn đối các trạng thái rừng rụng lá thì hầu hết cây tái sinh từ chồi.
Bà Hoàng Thị Kha, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam nói về nguyện vọng của bà con mong sớm xây dựng Hồ chứa nước Ka Pét. |
Bà Hoàng Thị Kha, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, xã có 259 hộ với 1.886 khẩu là người đồng bào dân tộc Rai. Bà con sinh sống chủ yếu sản xuất nông nghiệp trồng bắp, mì 1 vụ dựa vào nước trời. Trong đó, có 25 hộ có đất sản xuất nằm trong lòng hồ Ka Pét.
Khi nghe tin có chủ trương làm hồ thủy lợi Ka Pét, bà con rất phấn khởi vì có nước sinh hoạt và sản xuất ổn định. Bà con rất đồng thuận trong việc di dời để giao đất cho nhà nước làm hồ thủy lợi, đồng thời mong Nhà nước triển khai sớm việc xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Lê Thanh Sơn giải đáp về việc trồng rừng thay thế. |
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về đặc điểm loại rừng, việc hỗ trợ cho bà con có đất sản xuất trong khu vực dự án, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, khu vực rừng thực hiện dự án là rừng thứ sinh không phải là rừng nguyên sinh, vì rừng ở đây đã khai thác từ những năm 1983, đến năm 2000 ngừng khai thác và được bảo vệ nghiêm ngặt, đến nay rừng đã phát triển lại. Khi thực hiện dự án, các hộ đồng bào nhận khoán bảo vệ rừng ở lòng hồ sẽ được hoán đổi sang vị trí khác vẫn nhận giao khoán bảo vệ rừng và sẽ thuận lợi hơn, có điều kiện canh tác sản xuất.
Tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là hơn 1.844,54ha (gấp 3 lần diện tích rừng dùng để xây dựng Hồ chứa nước Ka Pét), Sở đã xác định vị trí và các diện tích rừng trồng thay thế tại các lâm phận của các đơn vị chủ rừng trong tỉnh.
Theo Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có hiệu lực từ ngày 15/2/2023, việc thay thế sẽ được bổ sung thêm vị trí ở rừng sản xuất cùng với vị trí rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trước đây là thuận lợi cả về thời gian thực hiện và không tăng thêm chi phí.
Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy (đeo kính đen) khảo sát thực tế vị trí trồng rừng thay thế tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, huyện Hàm Thuận Nam. |
Tại cuộc họp báo, đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng cũng như địa phương trả lời và giải đáp đầy đủ, chính xác, không né tránh về tất cả những vấn đề mà các nhà báo quan tâm về Dự án Hồ chứa nước Ka Pét.
Kết luận buổi họp báo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải khẳng định, tuy có một phần diện tích rừng sẽ bị mất khi thực hiện dự án, nhưng khi có hồ thì nước cũng được tích, mực nước ngầm tăng, đồng nghĩa với các vùng đất khô hạn bị hoang mạc hóa sẽ được hồi sinh, diện tích đất sản xuất tăng lên, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Mục tiêu, hiệu quả của dự án mang lại là hết sức to lớn và lâu dài đối với dân sinh, sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận và khu vực phía nam của tỉnh.