Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai trên toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với mục đích hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị, không được tiếp cận sóng điện thoại và internet.
Đây là một chương trình lớn với sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp và người dân, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho học sinh, sinh viên và ngành giáo dục.
Bình Phước là tỉnh có địa hình phức tạp, nhiều vùng chưa thể có sóng viễn thông, internet hoặc hệ thống đường truyền hạn chế dung lượng. Trong khi đó, rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn lại ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đang thiếu trang thiết bị học tập. Do đó, việc dạy và học trực tuyến ở nhiều nơi đang rất khó khăn, chưa đạt kết quả như mong đợi.
Theo thống kê của ngành giáo dục Bình Phước, khi ngành triển khai học trực tuyến có hơn 100 nghìn học sinh không đủ điều kiện học tập. Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự chung sức của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm… đến nay, đã cơ bản hỗ trợ được 85 nghìn em học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước, khi bước vào năm học 2021-2022 toàn tỉnh có 85 thôn, ấp, 118 trường học chưa có đường truyền internet; 644 thôn, ấp, trường học đường truyền internet yếu; 31 điểm thôn, ấp, trường học chưa có sóng 3G, 4G.
Để đáp ứng nhu cầu học trực tuyến của các em học sinh, tỉnh Bình Phước đã vận động các doanh nghiệp viễn thông triển khai tối ưu mạng, nâng cấp đường truyền, dung lượng, kéo cáp quang đến trường học, khu vực bị lõm sóng, thực hiện miễn, giảm cước phí…
Tại buổi phát động, toàn tỉnh đã vận động được hơn 25 tỷ đồng; 7 laptop; 7 máy tính bàn; 373 điện thoại thông minh, máy tính bảng; 979 sim điện thoại 4G; 3.062 thiết bị hỗ trợ khác và hàng nghìn gói cước viễn thông.
Tại buổi lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, mặc dù chịu sự tác động rất mạnh của đại dịch Covid-19 nhưng trong thời gian qua các doanh nghiệp, mạnh thường quan đã đồng hành với tỉnh vượt qua khó khăn. Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường nên tỉnh phải chỉ đạo ngành giáo dục triển khai học trực tuyến để vừa chống dịch vừa phát triển sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 15 nghìn em học sinh thiếu trang thiết bị học trực tuyến.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cũng bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục hành trình nhân ái để kết nối tri thức, kết nối yêu thương, kết nối tình đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng Bình Phước, xây dựng xã hội số và đặc biệt là góp phần đầu tư cho các em học sinh có đủ điều kiện học tập.