Bình Phước gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp, một khu kinh tế cửa khẩu và nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ cùng hàng trăm trang trại chăn nuôi… đã ít nhiều tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, tỉnh xác định không vì khó quản lý mà đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy Xi-măng Bình Phước mỗi ngày xử lý 150-250 tấn chất thải công nghiệp, vừa góp phần giảm thải ra môi trường, vừa giảm chi phí sản xuất. Trong ảnh: Nhà máy Xi-măng Bình Phước, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long.
Nhà máy Xi-măng Bình Phước mỗi ngày xử lý 150-250 tấn chất thải công nghiệp, vừa góp phần giảm thải ra môi trường, vừa giảm chi phí sản xuất. Trong ảnh: Nhà máy Xi-măng Bình Phước, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long.

Bình Phước được biết đến là tỉnh của cây công nghiệp, trong đó diện tích cao-su lên đến hơn 245 nghìn ha, cho sản lượng khoảng 400 nghìn tấn mỗi năm. Ngoài việc xuất khẩu mủ khô, đã có những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến mủ cao-su chuyên sâu, sản xuất nệm, gối, găng tay… nhằm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, hoạt động chế biến mủ cao-su của các cơ sở sản xuất đã gây ô nhiễm không khí và nguồn nước. Từ thực trạng này, tỉnh Bình Phước yêu cầu các cơ sở chế biến mủ cao-su, tinh bột mì phải có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm theo quy chuẩn Việt Nam. Nếu trì hoãn việc cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải thì doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động. Nhờ thực hiện quyết liệt, đến nay 100% doanh nghiệp chế biến mủ cao-su lớn đang hoạt động tại tỉnh Bình Phước có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn mà tỉnh đưa ra.

Toàn tỉnh hiện có hơn 300 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn đang hoạt động. Đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước cho thấy, các trang trại chăn nuôi được cấp phép đều thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải bảo đảm giảm ô nhiễm môi trường. Ông Võ Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn thường có kinh nghiệm lâu năm và năng lực tài chính cho nên được đầu tư xây dựng bài bản.

Đặc biệt, trong xây dựng hệ thống xử lý chất thải, ngành luôn giám sát thi công đúng với hồ sơ phê duyệt đánh giá tác động môi trường nên các công trình bảo vệ môi trường gần như đạt trên 90%. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành có nơi vẫn để xảy ra sự cố về môi trường. Do đó, ngành thường xuyên thanh tra, kiểm tra cũng như khi nhận tin báo từ nhân dân, đã yêu cầu các trang trại khắc phục sự cố, giảm mùi hôi phát sinh.

Huyện Lộc Ninh có số trang trại chăn nuôi lớn nhất tỉnh Bình Phước nên tình trạng ô nhiễm môi trường nước và không khí trong chăn nuôi là không thể tránh khỏi. Với tinh thần không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, lãnh đạo huyện tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, nhờ đó tình trạng xả thải gây ô nhiễm đã giảm hẳn.

Trại nuôi lợn sinh sản quy mô 2.400 con bố mẹ thuộc Công ty TNHH chăn nuôi Lộc Phát VI (xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh) được xây dựng trên diện tích 11ha và cách xa khu dân cư hơn 2,5km. Riêng hệ thống xử lý nước thải được công ty xây dựng bể lắng, hệ thống bể biogas, hồ tuần hoàn. Nhờ đó, nước thải được xử lý tái sử dụng, phần dư thừa thải ra môi trường nằm trong phạm vi cho phép. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lộc Hòa Nguyễn Xuân Cường cho biết, các trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn đều thực hiện đúng quy định pháp luật, có hệ thống xử lý chất xả thải theo quy trình bảo đảm vệ sinh môi trường. Chính vì thế, nhiều năm qua địa bàn xã không có đơn thư khiếu nại cũng như không có phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường từ các trại chăn nuôi quy mô lớn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, Bình Phước hướng đến mục tiêu kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải và phụ phẩm nông nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang cụ thể hóa trong xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn xử lý chất thải và phụ phẩm trong nông nghiệp; xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, khép kín, đa giá trị; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện thu gom, lưu trữ và vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất phát tán ra môi trường.

Bình Phước gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường ảnh 1
Bình Phước đang nghiên cứu đưa vào sử dụng lò đốt rác mini.

Bình Phước đang tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh về công nghiệp-xây dựng. Điều này cũng đồng nghĩa với các loại rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại sẽ tăng cao. Toàn tỉnh có 9 nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại (trong đó có một nhà máy đang xây dựng) với tổng công suất 5.000 tấn/ngày.

Tuy nhiên, việc kiểm soát chất thải công nghiệp có đến các nhà máy xử lý hay không; khí thải tại các nhà máy thải ra môi trường đã đạt chuẩn hay chưa đang là thách thức lớn. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống quan trắc, lấy mẫu tự động nước, khí thải, đem lại hiệu quả lớn về môi trường cũng như kinh tế.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước Võ Văn Dinh cho biết, hệ thống quan trắc tự động hoạt động liên tục 24/7, tần suất truyền dữ liệu 5 phút/lần đã giúp kiểm soát chất lượng nguồn thải tại các khu công nghiệp và các nguồn thải lớn; trong đó, hệ thống quan trắc các thông số nước thải kiểm soát 22 nguồn thải; hệ thống quan trắc các thông số khí thải kiểm soát 17 nguồn thải. Khi dữ liệu quan trắc truyền về đơn vị vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì hệ thống quan trắc tự động sẽ phát tín hiệu cảnh báo.

Cơ quan chuyên môn sẽ nhắc nhở và yêu cầu doanh nghiệp khắc phục ngay sự cố, không để thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật thải ra môi trường. Nếu quá thời gian quy định mà doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm theo quy định. Hệ thống quan trắc đã góp phần giảm thiểu và phòng tránh sự cố môi trường từ các nguồn thải lớn gây ra, giảm nhân lực kiểm tra, giám sát và giảm được những cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Hiện nay, các doanh nghiệp tại Bình Phước cũng chung tay xử lý chất thải công nghiệp để bảo vệ môi trường. Như Nhà máy Xi-măng Bình Phước (xã Thanh Lương, thị xã Bình Long) đã có những cải tiến công nghệ, biến rác thải thành nhiên liệu: tro, xỉ được tận dụng làm nguyên liệu trong quá trình tạo clinker để sản xuất xi-măng (quá trình đồng xử lý).

Từ cách đây 10 năm, nhà máy đã sử dụng bã vỏ hạt điều để làm nhiên liệu đốt. Đến năm 2020, nhà máy nâng cấp hệ thống để đốt chất thải công nghiệp như vải vụn, đế giày, các phế phẩm từ ngành giày da… Hiện trung bình mỗi ngày nhà máy tiêu thụ 150 đến 250 tấn rác thải công nghiệp, đưa tỷ lệ nhiên liệu thay thế của nhà máy chiếm khoảng từ 25 đến 30% tổng nhiệt năng tiêu hao khi sử dụng sản xuất clinker.

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Nhà máy Xi-măng Bình Phước khẳng định: Trong khi nhiên liệu hóa thạch ngày càng hiếm, giá thành tăng thì việc dùng rác thải làm nguyên liệu thay thế là hết sức cần thiết. Quá trình đốt chất thải công nghiệp để luyện clinker để lại tro, xỉ được doanh nghiệp tận dụng để làm nguyên liệu cho sản xuất xi-măng PCB40. Điều này góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, nhưng không ảnh hưởng đến hệ thống thiết bị, năng suất, chất lượng clinker cũng như chất lượng khí thải ra môi trường - đây được xem là một trong những giải pháp quản lý chất thải bền vững nhất.

Mặt khác, đồng xử lý trong lò nung xi-măng có sẵn các ưu điểm vượt trội so với các ngành công nghiệp khác, cũng như các lò đốt và xử lý rác hiện nay, như: nhiệt độ luôn duy trì ổn định, thời gian lưu cháy dài, các khí axit sinh ra từ quá trình xử lý được hấp thụ hoàn toàn bởi môi trường kiềm tạo ra từ đá vôi, vì thế khí axit này sẽ được loại bỏ trước khi thải ra ngoài môi trường…

Đặc biệt là toàn bộ tro sinh ra trong quá trình xử lý nhiệt của chất thải tham gia vào các quá trình hóa lý trong lò nung, thay đổi tính chất ban đầu, tạo thành khoáng và nằm lại trong clinker xi-măng.

Những quy định về bảo vệ môi trường và các thủ tục liên quan ngày càng chặt chẽ hơn. Đây không phải là rào cản mà là động lực để doanh nghiệp thường xuyên thay đổi công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất phù hợp với quy định mới.

Tại Nhà máy Xi-măng Bình Phước, sau khi thành công việc đồng xử lý chất thải công nghiệp, đơn vị đang tiến hành xây dựng quy trình đưa chất thải nguy hại vào quá trình sản xuất clinker. Đây là một trong những đơn vị góp phần chung tay với cộng đồng, xã hội bảo vệ môi trường sống cần được nhân rộng.