"Ðỏ mắt" tìm giáo viên
Nhiều năm qua, Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Ðức Hạnh, huyện Bù Gia Mập được đầu tư cơ bản từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên, là trường được đánh giá có chất lượng dạy và học đạt cao trong nhiều năm liền. Toàn trường hiện có 343 học sinh và 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Từ khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trường gặp khó khăn do thiếu giáo viên. Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết: Theo quy định thì tỷ lệ giao cho trường là 1,9 giáo viên/lớp nhưng hiện nay trường chỉ có 1,5 giáo viên/lớp. Mong muốn của trường là sớm đạt tỷ lệ giáo viên đứng lớp. Hiện nay trường đang thiếu bốn giáo viên mới đáp ứng việc dạy và học.
Huyện Bù Gia Mập là địa bàn biên giới, vùng sâu, xa của tỉnh. Năm học 2022-2023, toàn huyện có khoảng 16.760 học sinh với hơn 600 lớp phân bổ tại 34 trường học các cấp. "Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn huyện còn thiếu 70 giáo viên so với nhu cầu thực tế. Huyện đã đề xuất lên cấp trên và các đơn vị chức năng liên quan nhưng hiện phải chờ tỉnh phân bổ chỉ tiêu", ông Tạ Hồng Quảng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bù Gia Mập cho biết.
Còn tại thành phố Ðồng Xoài, thực trạng thiếu giáo viên cũng vẫn diễn ra. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Ðào tạo thành phố Ðồng Xoài, đầu năm học 2022-2023, toàn thành phố thiếu 221 giáo viên; thậm chí một số trường chưa có giáo viên tin học.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bình Phước Hồ Hải Thạch cho biết, việc thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm. Ðến năm học 2022-2023, toàn tỉnh có gần 254.740 học sinh, phân bổ tại 430 trường, tăng hơn 10.740 em so với năm học 2021-2022. Cũng trong năm học này, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được áp dụng đồng loạt ở các khối lớp 3, 7 và 10. Trước thực tế này, toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Phước thiếu khoảng 1.564 giáo viên, nhất là bậc mầm non, tiểu học; đặc biệt là thiếu giáo viên dạy các môn: Tiếng Anh, Tin học và các môn tích hợp.
Nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên
Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng thiếu giáo viên diễn ra trong thời gian qua, trong đó nguyên nhân cốt lõi là do số lượng học sinh tăng mạnh, có nhiều môn học mới, thời lượng phân bổ nội dung học nhiều hơn, trong khi ngành giáo dục vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế theo quy định mỗi năm 10%. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên "nhảy việc", về hưu ngày càng tăng cao trong khi số nhân sự tuyển dụng ít hơn; việc thừa-thiếu cục bộ, khó điều tiết và do tăng dân số tự nhiên cũng là những nguyên nhân khách quan.
Trước thực trạng này, năm học 2022-2023, nhiều trường học, địa phương trên địa bàn tỉnh đã ra thông báo tuyển dụng giáo viên, nhưng số lượng và chỉ tiêu tuyển dụng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. "Thực trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh đang diễn ra đối với các đô thị, khu vực trung tâm có tốc độ phát triển nhanh và vùng sâu, vùng xa. Thiếu giáo viên chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học. Nguyên nhân chính là do giáo viên bị cắt giảm biên chế theo định mức hằng năm trong khi số học sinh thì không ngừng tăng thêm. Thậm chí đối với những địa bàn, khu vực tăng thêm trường hoặc những cơ sở giáo dục tăng thêm lớp học vẫn rất khó khăn về nguồn giáo viên. Hai nguyên nhân ngược chiều nhau này dẫn đến thiếu giáo viên càng nhiều", ông Hồ Hải Thạch, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo cho biết thêm.
Có thể thấy, tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra ở hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh với các bộ môn khác nhau. Ðối với những địa phương biên giới, vùng sâu, vùng xa và khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh thì tình trạng thiếu giáo viên càng cao, nhất là khi việc tổ chức thi tuyển biên chế, viên chức trong ngành giáo dục chưa thu hút được người tham gia. Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Chơn Thành cho biết: Ðể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn, thị xã có kế hoạch tổ chức thi tuyển. Tuy nhiên, rất nhiều chỉ tiêu, nhất là với các môn Âm nhạc và Tin học không có ứng cử viên gửi hồ sơ thi tuyển. Ðiều này khiến việc gỡ nút thắt thiếu giáo viên khó càng thêm khó.
Chủ động gỡ "nút thắt"
Ðể khắc phục thực trạng thiếu giáo viên ngành giáo dục của tỉnh Bình Phước, ngoài việc đưa ra những giải pháp linh hoạt mang tính tình thế cũng như các nhóm giải pháp mang tính lâu dài, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hồ Hải Thạch chia sẻ: Ðể bảo đảm Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đạt hiệu quả như mong muốn, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát bố trí lại, điều động từ nơi thừa sang nơi thiếu; thực hiện ghép lớp, ghép trường ở những đơn vị có thể. Ðặc biệt, đối với công tác nhân sự, các trường có thể hợp đồng giáo viên, hợp đồng giáo viên dạy liên trường, đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên dạy liên môn. Hiện nay, một số trường trên địa bàn tỉnh đang áp dụng giải pháp sử dụng giáo viên dạy liên trường đối với các môn Tin học, Tiếng Anh ở bậc tiểu học.
Việc thiếu giáo viên kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục tại các địa phương, đi ngược với mong muốn và mục tiêu mà Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đặt ra. Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bình Phước kiến nghị việc cắt giảm biên chế giáo viên không nên cào bằng theo các tỉnh, vì có tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ðặc biệt, học sinh ở các đơn vị trung tâm tương đối đông, như thành phố Ðồng Xoài hằng năm tăng rất nhiều. Nếu cắt giảm theo lộ trình 10% mỗi năm sẽ dẫn đến thiếu giáo viên, ảnh hưởng chất lượng dạy và học.
Những năm qua, Bình Phước đã đầu tư hơn 35,6 tỷ đồng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tuy nhiên do chương trình có bổ sung thêm nhiều tiêu chí, môn học mới khiến nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để đáp ứng việc dạy và học tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Ðến nay, dù ngành giáo dục của tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ nhưng chỉ giải quyết được phần nào thực trạng thiếu giáo viên. Ðã đến lúc ngành giáo dục cần có những thay đổi trong cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp từng cơ sở, khu vực để thu hút giáo sinh ứng tuyển; giữ chân giáo viên lành nghề, yêu nghề tiếp tục gắn bó với trường lớp, học sinh nhằm tạo nguồn nhân lực ổn định trong thời gian tới ■