Italia và Tây Ban Nha, những người kiến tạo thời đại

NDO -

Khi Italia và Tây Ban Nha chạm trán nhau ở bán kết Euro 2020, nó còn hơn một trận bóng đá. Giống như 13 năm trước, đây có thể là đêm kiến tạo lịch sử.

Tây Ban Nha và Italia trong trận tứ kết Euro 2008. (Ảnh: Zimbio)
Tây Ban Nha và Italia trong trận tứ kết Euro 2008. (Ảnh: Zimbio)

Ngược trở về Euro 2008, tất cả hẳn vẫn còn nhớ Tây Ban Nha đã phô diễn thứ bóng đá mê hoặc mà chưa ai từng thấy.

Dưới sự dẫn dắt của HLV Luis Aragones, đội bóng thường gây thất vọng ở các giải đấu lớn bỗng trở nên vô cùng sống động và hiệu quả với phong cách Tiqui-Taca (Tiki Taka). Họ kiểm soát và thống trị các trận đấu, đưa đối thủ vào ma trận các đường chuyền trước khi ra đòn kết liễu.

Nếu như chức vô địch Euro 2004 của Hy Lạp không mang lại nhiều ý nghĩa cho bóng đá, thì sự kiện Tây Ban Nha đăng quang năm 2008 không chỉ thay đổi hiện tại mà còn cả tương lai. Họ đưa ra phương thức mới để giành chiến thắng, và cám dỗ cả thế giới cố gắng học theo. Suốt cả hành trình, La Roja bất bại và ghi 11 bàn thắng, bao gồm bàn quyết định chức vô địch vào lưới Đức. Duy nhất một đội họ không thể chọc thủng lưới, đó chính là Italia.

Trong một buổi tối ở Vienna, Tây Ban Nha đã tung ra 21 cú sút về phía Azzurri, nhưng hoặc vì thủ môn Gianluiggi Buffon quá xuất sắc, hoặc vì họ thiếu may mắn. Cuối cùng hai đội phải đấu súng trên chấm penalty để phân định thắng thua. Italia sút hỏng 2 quả và dừng bước ở tứ kết, trở thành nấc thang để Tây Ban Nha bước lên bậc vinh quang.

Sau này nhìn lại, Italia nhận ra đó chính là khởi đầu của thời kỳ thoái trào. Họ sẽ vào chung kết kỳ Euro bốn năm sau, nhưng đây thực chất chỉ là đỉnh cao giả tạo của một nền bóng đá đang suy tàn, với một đội hình cũ kỹ và chiến thuật lạc hậu.

Trớ trêu thay, Italia trở thành chứng nhân cho sự trỗi dậy của Tây Ban Nha, những người kiến tạo thế giới mới. Trận chung kết Euro 2012 mà La Roja đánh bại Azzurri với kết quả 4-0 đã nhấn mạnh sự khác biệt của hai đội bóng nằm ở hai đầu thái cực.

13 năm sau, có một sự đổi vai đáng ngạc nhiên. Tây Ban Nha không còn chơi Tiqui-Taca nữa. Họ đang cố triển khai thứ bóng đá khác, nhưng không ấn tượng lắm, để níu giữ vị thế đội bóng hàng đầu châu Âu.

Còn Italia, thật ngạc nhiên, đội bóng nổi tiếng với phong cách phòng ngự, lại đang theo đuổi thứ bóng đá hiện đại, tự do và hấp dẫn. Trên phương diện nào đó nó giống như Tiqui-Taca, nhưng khi người Ý vận hành nó thành “tikitalia”.

Đội quân của Mancini chú trọng kiểm soát bóng, nhưng chỉ coi đó là phương tiện, không phải mục đích. Tại Euro 2020, họ cầm bóng trung bình 56,1% mỗi trận, thấp hơn nhiều so với 67,5% của Tây Ban Nha. Tuy nhiên Azzurri thực hiện nhiều đường chuyền có mục đích và tính sát thương cao. Bình quân họ tạo ra 16 cơ hội mỗi trận, cao hơn mức 10,6 của La Roja.

Một chi tiết nhấn mạnh sự khác biệt là Tây Ban Nha, tuy cầm bóng nhiều, lại không chắc chắn trong phòng ngự. Hai trận đã qua họ thủng lưới tới 4 bàn. Về phương diện này, Italia giống phiên bản Tây Ban Nha 2008 hơn. Cho đến nay Azzurri mới chỉ nhận 2 bàn thua sau 5 trận.

Cuộc chạm trán giữa hai đội tại Wembley thực sự rất thú vị và mang tới những dự cảm về một sự đổi thay thời đại tương tự như cuộc đối đầu 13 năm trước. Italia đang tiến vào kỷ nguyên mới của họ, và nếu đăng quang, sẽ cám dỗ những đội khác học theo, qua đó tác động tới tiến trình bóng đá tương tự điều Tây Ban Nha đã làm năm 2008.

Còn Tây Ban Nha, họ sẽ là chứng nhân lịch sử như Italia trước đây hay kiến tạo thời kỳ vinh quang khác bằng phong cách cải biên, thiên về hiệu quả hơn là trình diễn? Tất cả tùy thuộc vào trận đấu ở Wembley. Như bao lâu nay vẫn thế, chiến thắng quyết định mọi thứ.