Tìm cơ hội hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông

Quy tụ nhiều lãnh đạo các nước chủ chốt ở Trung Đông, Hội nghị Hợp tác và Đối tác Baghdad cho thấy vai trò tích cực của Iraq điều phối các nỗ lực hợp tác trong khu vực. Chưa có bước đột phá giải quyết những khúc mắc dai dẳng, song hội nghị đã tạo cơ hội đối thoại, xây dựng quan hệ đối tác, thúc đẩy hợp tác để hạ nhiệt căng thẳng ở nơi vốn bị xem như “chảo lửa xung đột”.

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi phát biểu tại Hội nghị Hợp tác và Đối tác Baghdad ngày 28/8. (Nguồn: Egypt Today)
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi phát biểu tại Hội nghị Hợp tác và Đối tác Baghdad ngày 28/8. (Nguồn: Egypt Today)

Với kết quả nổi bật là sự nhất trí của các nước tham gia nhằm thống nhất nỗ lực ổn định khu vực, cuộc gặp của các nhà lãnh đạo ở Trung Đông do Iraq chủ trì ngày 28/8 được các bên đánh giá là “sự kiện lịch sử quan trọng” của khu vực. Tuyên bố chung của hội nghị nhấn mạnh nỗ lực ngoại giao của Iraq nhằm đạt được quan điểm chung cấp khu vực và quốc tế về tăng cường quan hệ đối tác kinh tế và an ninh, thông qua đối thoại mang tính xây dựng và củng cố hiểu biết trên cơ sở lợi ích chung.

Hội nghị Baghdad được tổ chức trong bối cảnh khu vực đứng trước nhiều thách thức, với một loạt diễn biến căng thẳng, khúc mắc chưa được giải quyết trong quan hệ giữa các nước. Lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) được tuyên bố “đã bị đánh bại” ở Iraq và Syria, song nguy cơ tổ chức khủng bố này trở lại chưa hoàn toàn được loại bỏ. Thậm chí, “kịch bản IS trỗi dậy” còn rõ rệt hơn sau vụ đánh bom mới nhất tại thủ đô Kabul, giữa lúc các lực lượng nước ngoài ráo riết hoàn tất kế hoạch rời Afghanistan.

Hội nghị đặt mục tiêu hỗ trợ vai trò của Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố, nhất là IS, cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các nước vì sự ổn định của cả khu vực. Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi nêu rõ, việc triệu tập hội nghị thể hiện tầm nhìn về “các mối quan hệ đối tác tốt đẹp” trong khu vực, nhất là trong hợp tác kinh tế và chống khủng bố.

Tuyên bố chung cũng nêu rõ, khu vực đối mặt thách thức chung, đòi hỏi các nước cùng phối hợp giải quyết, trên cơ sở hợp tác, tôn trọng và cùng có lợi. Hội nghị khẳng định bác bỏ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan dưới mọi hình thức, nhấn mạnh về hợp tác, nhất là trong ứng phó đại dịch Covid-19, thông qua chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm thành công.

Với sự tham dự của các lãnh đạo và đại diện 9 nước, gồm cả những quốc gia có khúc mắc dai dẳng với nhau, cùng các tổ chức khu vực, Hội nghị Baghdad đã quy tụ được các “nhân tố quan trọng”, phản ánh mối quan tâm chung về đối thoại và hợp tác. Thông cáo của Văn phòng Tổng thống Iraq nêu rõ, mục tiêu sự kiện lịch sử này là góp phần giảm căng thẳng và khủng hoảng, thúc đẩy định hướng đối thoại mang tính xây dựng trong khu vực n