Bình luận - Phê Phán

Trí thức đích thực sẽ không hành xử như vậy!

Nhiều năm qua, từ tấm lòng và nhiệt huyết với quê hương, nhiều trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài đã về nước và có đóng góp quan trọng với Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những người mà công lao được nhân dân ghi nhận và trân trọng, lại có người hành xử thiếu đúng mực, nhân danh phản biện để bình luận xuyên tạc, thậm chí có một số việc làm không tương xứng với đạo đức của trí thức…

Vài năm gần đây, những người có nhu cầu học tập, nghiên cứu, phản biện xã hội, chính sách công của Việt Nam qua facebook, blog, website cá nhân hẳn không xa lạ với các bài viết, bình luận của NVT - người Ô-xtrây-li-a gốc Việt. Như lời dẫn bài phỏng vấn… Con đường khoa học có nhiều thú vị đăng trên vjsonline.org thì ông ta là: nhà nghiên cứu loãng xương nổi tiếng trên thế giới; có hơn 250 công trình nghiên cứu khoa học đã đăng trên các tạp chí y khoa, khoa học quốc tế; giáo sư y khoa Đại học New South Wales, giáo sư xuất sắc Đại học Công nghệ Sydney, giáo sư thỉnh giảng Đại học Khon Kaen (Thái-lan); bảo vệ thành công hai bằng tiến sĩ tại Đại học Sydney, Đại học New South Wales; kinh nghiệm làm nghiên cứu tại nhiều nước như Thụy Sĩ, Anh, Mỹ, Na Uy, Thái-lan; hợp tác với hơn 30 viện, bệnh viện, nhiều trường đại học trên thế giới… Với lý lịch có vẻ tầm cỡ và lại luôn xuất hiện trên in-tơ-nét như thế, việc bỗng dưng NVT khóa tài khoản trên facebook, đóng blog cá nhân khiến một số người bất ngờ, nhưng lại không bất ngờ với những người thường phản biện, trao đổi, phê phán NVT. Vì họ biết, sự kiện này là không ngẫu nhiên.

Không bàn tới việc NVT đã đóng góp gì với khoa học Việt Nam (nếu ông ta thực sự có đóng góp?), chỉ qua ý kiến, bàn luận ngoài chuyên môn của NVT đã thấy ở ông ta có nhiều điều không bình thường. Về Việt Nam làm việc, được một số cơ sở mời thuyết trình, làm giáo sư thỉnh giảng, được một số tờ báo giới thiệu, phỏng vấn,… song NVT vẫn viết rất bậy bạ: “tôi thấy bi quan cho cái viễn cảnh hòa giải - hòa hợp dân tộc. Sẽ không có hòa giải dân tộc khi cái ý thức hệ đó còn ngự trị trên đất nước ta. Sẽ không có hòa hợp dân tộc khi còn có những con người đánh đồng cái ý thức hệ đó như là một giá trị văn hóa dân tộc”! Để bổ sung, NVT dẫn ra hai ý kiến khẩu thiệt vô bằng: “trong một dịp tán gẫu, một anh bạn trong lúc ngà ngà nói… mấy tuần trước ở trong Nam, tôi lại nghe một nhận xét giống giống như thế”, rồi dựa vào đó dựng đứng việc “chính quyền Việt Nam phân biệt 4 loại Việt kiều”! Thử hỏi nếu đúng như vậy, thì một người có nhiều phát ngôn tùy tiện về Việt Nam như NVT có thể về nước làm việc? Thí dụ: Với quan điểm “tăng cường tuyên truyền, vận động kiều bào hướng về quê hương, xây dựng đất nước”, NVT bình luận: “tuyên truyền được xem là một sản phẩm của cộng sản,… vừa là một sự thừa thãi vừa là xúc phạm”!; với một số nhà giáo ở Việt Nam, NVT miệt thị: “chẳng học được gì từ bài giảng của tiến sĩ D”, PGS TS NTT “không đáp ứng tiêu chuẩn của bất cứ chức vụ giáo sư nào của TDTU”. Thậm chí, NVT phỉ báng các nhà khoa học Việt Nam làm việc theo đặt hàng của Nhà nước: “không thể là trí thức, mà có lẽ là văn nô hay công cụ của người khác”!... Đến đầu năm 2016, sau khi bảng xếp hạng hằng năm Những quốc gia tốt nhất (Best Countries) do trang US News tại Mỹ phối hợp Công ty BVA Consulting và trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania tiến hành vừa công bố, theo đó thì Việt Nam xếp hạng 32/60, lập tức NVT bình luận “có thể xem là một câu trả lời khoa học hoặc một lời trêu chọc cho phát biểu rằng Việt Nam đang ở trong thời đại rực rỡ nhất của lịch sử dân tộc”! Phát ngôn như vậy, NVT đã xúc phạm chí ít là các quốc gia ở Tốp 10 bảng xếp hạng, gồm: Đức, Ca-na-đa, Anh, Mỹ, Thụy Điển, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, trong đó có Ô-xtrây-li-a - nơi ông ta là công dân. Hay theo NVT, bảng xếp hạng chỉ là “lời trêu chọc” với Ô-xtrây-li-a? Về NVT, không thể không nhắc tới việc ông ta ca ngợi Cù Huy Hà Vũ, Bùi Thị Minh Hằng,… thể hiện cảm tình với “cờ vàng” và “Việt Nam CH”, với một số văn nghệ sĩ nổi tiếng “chống cộng”. Tóm lại, đó là cơ sở trực tiếp khẳng định NVT đã bịa đặt, vu cáo “chính quyền Việt Nam phân biệt 4 loại Việt kiều”. Đồng thời lý giải vì sao sau khi công bố trên blog, facebook cá nhân, hầu hết bài viết, ý kiến của NVT nhanh chóng được các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam khai thác đăng lại, kèm theo là giới thiệu để cổ vũ, tán dương.

Trong bối cảnh một số tờ báo, trang tin ở Việt Nam còn cả tin, thiếu kiểm chứng nên đã quảng bá NVT như người tài năng, tâm huyết với đất nước, ông ta càng huênh hoang, khoác lác đến mức ngày 25-11-2015 trang tathy.com đăng lại một bài viết của ông ta với giới thiệu: “Lôi ra đây bêu lên cho nó bớt chém gió trên mạng”! Nhưng khi ai đó góp ý chân thành thì NVT xử sự rất tiêu cực, như một người bạn của ông ta viết: “Anh NVT không thích ai phản biện … anh ấy nói không đúng tôi nhận xét thì anh ấy block (chặn) tôi ngay. Kể ra anh ấy block tôi rất mừng vì hiểu được tình nghĩa của nhau thực sự ra sao”. Đặc biệt, dù lớn tiếng chỉ trích nạn “háo danh, lạm dụng danh xưng”, đề nghị “báo chí Việt Nam nên chịu khó kiểm tra chứng cứ trước khi đăng những bài có thể làm cho nhiều người hiểu lầm”, NVT lại im lặng, không đính chính khi báo chí công bố thiếu chính xác lý lịch khoa học của ông ta. Chưa kể việc NVT có phải là giáo sư như một số bạn đọc đang nghi vấn hay không (?), riêng về hai bằng tiến sĩ của NVT, trả lời phỏng vấn vjsonline.org ông ta nói rất cụ thể: “tôi quyết định trở lại con đường học vấn và hoàn thành bằng tiến sĩ đầu tiên… tôi quyết định theo học tiếp và đã hoàn tất luận án tiến sĩ về ảnh hưởng của các yếu tố di truyền trong loãng xương”; tới khi có người đưa ra chứng cứ để khẳng định ông ta chỉ có một bằng tiến sĩ còn một bằng chỉ là lòe bịp, thì NVT quay ra chối quanh!

Trong các vấn đề đã đề cập, phê phán đạo văn là một việc NVT tỏ ra hăng hái. Ông ta khẳng định đạo văn làm “phiền phức cho đương sự và gây “ô nhiễm” học thuật cho cả một cộng đồng”, rồi bàn tới việc “ứng xử với đạo văn trong học thuật: vấn đề văn hóa khoa học”, đề nghị “các đại học Việt Nam nên có quy chế về đạo đức khoa học, đưa công bố quốc tế thành một trong những tiêu chuẩn để cấp bằng tiến sĩ”, “cần dạy cho học sinh - sinh viên về chuẩn mực đạo đức khoa học”,… Tuy nhiên năm 2012, trên facebook có người tố cáo NVT tóm lược nội dung cuốn Với lý luận giỏi - giới thiệu những ngụy biện thông thường (With Good Reason - An Introduction to Informal Fallacies) của S. Engel (S. En-gồ) để viết ra bài Thói ngụy biện của người Việt. Nhưng khi đó, phát hiện này không được dư luận quan tâm, và hình như vì thế nên được thể, NVT càng lấn tới bằng việc tiếp tục công bố sản phẩm đạo văn khác. Phải tới năm 2016, sau khi một nữ giảng viên đại học ở TP Hồ Chí Minh phát hiện NVT đã sử dụng một phần của cuốn Cẩm nang cho người viết đề án xin tài trợ (Grant application writer’s’ handbook) để làm ra loạt bài Chiến lược viết bài văn khoa học rõ ràng thì việc ông ta là một “trùm đạo văn” mới thật sự bị phanh phui. Tiếp đó, lại một người khác chỉ ra NVT lấy nguyên văn nhiều đoạn từ cuốn Hướng dẫn viết các bài nghiên cứu khoa học và y tế (Mastering Scientific and Medical Writing: A Self-help Guide) đưa vào cuốn sách Từ nghiên cứu đến công bố: Kỹ năng mềm cho nhà khoa học (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, năm 2013). Sau đó một bài khá “nổi tiếng” của NVT là Mười nguyên lý để tăng khả năng công bố bài báo khoa học cũng được khẳng định đạo văn trắng trợn từ nhan đề đến nội dung bài tiểu luận Ten principles to Improve the Likelihood of Publication of a Scientific Manuscript của J. M. Provenzale (J.M. Po-ven-za-le). Và trớ trêu là bạn đọc còn chỉ rõ NVT “đạo văn mà không xong”, vì văn bản đạo văn của ông ta rất nhiều lỗi dịch thuật! Trước các bằng chứng như vậy, NVT vẫn chống chế: “có người vu cáo rằng tôi đạo văn trong những bài hướng dẫn về cách viết bài báo khoa học. Tôi có thể khẳng định rằng tôi không hề đạo văn ai cả”! Lý giải vì sao một số bài viết của ông ta có nội dung trùng khớp nguyên văn một số tác phẩm nước ngoài, NVT không đưa ra được lý lẽ nào mới mẻ hơn kẻ đạo văn khác, mà loanh quanh phân bua: “chưa ghi nguồn”, “không ghi nguồn”, “bị áp lực về thời gian nên không kiểm tra kỹ”, “sơ suất chứ hoàn toàn không đạo văn”! Vừa quanh co, NVT vừa mạnh mồm kết án những người đã vạch rõ hành vi gian dối của ông ta là “đấu tố học thuật” thay vì “yêu cầu chỉnh sửa từ câu văn, chính tả, đến nguồn gốc những con số và ý tưởng”. Bằng thủ đoạn như vậy, không biết NVT cố tình hay vô tình quên những hành động ông ta đã thực hiện trước đó như chặn facebook, cắt đứt quan hệ, lẳng lặng sửa bài mà không có một lời cảm ơn, ghi nhận thiện chí của người đã góp ý. Rồi khi chối quanh, lấp liếm không xong, NVT liền đóng luôn facebook lẫn blog cá nhân. Không có ý nghĩa nào khác, qua những việc làm này NVT đã tự biến mình thành chính đối tượng ông ta vẫn mạnh mồm phê phán.

“Vừa ăn cắp, vừa la làng”, trong kho tàng văn hóa của đất nước mà NVT cho rằng “truyền thống và văn hóa nghèo nàn, thiếu bản sắc tích cực” và là một yếu tố để ông ta trả lời câu hỏi: “Tại sao khó có thể tự hào là người Việt Nam?”, đã có một câu thành ngữ như vậy. Thành ngữ ấy rất chính xác và rất tương ứng nhiều phát ngôn, việc làm của NVT từ khi ông ta về Việt Nam “cố gắng tìm mọi cách để giúp cho nền khoa học nước nhà tốt hơn”! Trên thực tế, khoa học ở Việt Nam còn có hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển. Do đó, bên cạnh nỗ lực của các nhà khoa học Việt Nam, chúng ta cần sự giúp đỡ của các nhà khoa học trên thế giới, nhất là của các nhà khoa học gốc Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta trông đợi, hy vọng vào sự giúp đỡ nhiệt tình và thiện chí, chứ không đặt niềm tin vào người về nước để huênh hoang, dối trá, khoe mẽ, phách lối, khinh mạn đồng nghiệp trong nước, hoặc tự thấy nguồn gốc “nước ngoài” là cái gì ghê gớm mà từ đó phán xét đại ngôn. Liệu NVT có biết vì thấy ý kiến ngoài chuyên môn của ông ta quá tùy tiện, có tác giả đã từng khuyến cáo: “Đất nước, người dân cần những bài viết mang hàm lượng tri thức, và khả dụng cao từ các vị trí thức chứ không phải “món gỏi xã hội chấm mù tạt”…”. Tóm lại, phát ngôn và hành vi như của NVT không xứng với tư cách trí thức ở Việt Nam, cũng không xứng đáng với tư cách trí thức ở bất kỳ quốc gia nào. Do đó, việc một số cơ sở, một số tờ báo chưa kiểm chứng kỹ càng đã vội ca ngợi quá lời một người như NVT là điều rất đáng tiếc.