Bình luận - Phê phán

Sự "biến mất" lòng tin với truyền thông phương Tây

Kỳ 2

Ngày 22-12-2014, tờ Thương mại (Handelsblatt) đăng bài Nhiều người Đức không tin hệ thống truyền thông (Viele Deutsche misstrauen den Medien) với lời dẫn: "Phiến diện" và "bị chính trị điều khiển": Người Đức không tin vào hệ thống truyền thông. Một cuộc thăm dò dư luận vừa qua của Viện YouGov ở Cô-lô-nhơ (Cologne) tiết lộ điều này”. Ngày 9-7-2013 tạp chí Tấm gương phiên bản điện tử (Spiegel Online) có bài Tham nhũng: lòng tin vào truyền thông đã giảm sút (Korruption: Vertrauen in die Medien gesunken), phần lời dẫn có đoạn: “Nhiều người Đức nghĩ rằng, chính trị gia và doanh nhân đều tham nhũng - và cả các phương tiện truyền thông. Ít nhất, đây là kết quả của một cuộc khảo sát của Tổ chức minh bạch qu

Ngược thời gian, ngày 9-7-2013, tờ Thế giới (Die Welt) đăng bài Người Đức cho rằng truyền thông tham nhũng hơn Quốc hội (Deutsche halten Medien für korrupter als Parlament). Lời dẫn bài viết nêu: “Tổ chức chống tham nhũng minh bạch quốc tế đã khảo cứu để xem, cơ quan và tổ chức nào được xem là có tham nhũng. Theo kết quả thì tồi tệ nhất là các đảng phái. Truyền thông và nhà thờ tôn giáo mất lòng tin". Tiếp theo có đoạn: "Sự đáng tin cậy của truyền thông đang giảm sút trong con mắt của người dân Đức. Theo chỉ số tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế thì tham nhũng của truyền thông được cho là tăng thêm. Từ năm 2004 đến 2013 giá trị chỉ số của họ giảm từ 3,1 xuống 3,6...". Cũng ngày 9-7-2013, Báo miền nam Đức (Süddeutsche Zeitung) đăng bài Báo cáo về tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế - Người Đức mất niềm tin vào truyền thông (Korruptionsbericht von Transparency International Deutsche verlieren Vertrauen in die Medien) với đoạn đề dẫn: “Tiền bôi trơn, thỏa thuận bí mật, các dịch vụ làm vui lòng - Tham nhũng được coi là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới, như một cuộc khảo sát toàn cầu của Tổ chức minh bạch quốc tế cho thấy. Tại Đức, một lĩnh vực đã bị mất rất nhiều niềm tin: Các phương tiện truyền thông. Hơn một nửa số người dân trong nước tin rằng, tham nhũng ảnh hưởng đến các nhà xuất bản và các đài phát thanh, truyền hình”. Một trong những vụ bê bối vì tham nhũng lớn trong hệ thống truyền thông bị phanh phui gần đây ở CHLB Đức phải kể đến vụ hối lộ và tham ô tại Đài Phát thanh và truyền hình công cộng MDR. Những người dính líu đến cáo buộc đã phải hầu tòa, bị tuyên án. Ngày 5-5-2015, Tạp chí Focus, phiên bản điện tử đăng bài MDR kết thúc vụ việc: Thiệt hại gần 10 triệu Euro (MDR zieht Schlussstrich: Fast zehn Millionen Euro Schaden), có đoạn: “Ở kênh dành cho trẻ em thuộc truyền hình công cộng, nhiều năm qua đã hoành hành một hệ thống của sự tham nhũng và tham ô. Chịu trách nhiệm về vụ việc này là Đài Phát thanh và truyền hình MDR, đã rút ra kết luận. Và kết luận đó chỉ ra, đây là một thảm họa. Tổn thất được cho là lên đến hàng triệu…".

Cuộc khủng hoảng niềm tin đối với truyền thông đã và đang xảy ra không chỉ ở Đức mà ở cả các quốc gia khác của thế giới phương Tây, thí dụ ở Mỹ. Ngày 2-10-2015, Tạp chí Thụy Sĩ (Schweiz Magazin) cho biết qua bài Thăm dò dư luận của Ga-lớp: 60% số người Mỹ không tin truyền thông (Gallup-Umfrage: 60% der Amerikaner vertrauen nicht ihren Massenmedien - Gallup là một trong những viện nghiên cứu thị trường và ý kiến hàng đầu, trụ sở tại Washington DC). Theo đó, một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, cứ sáu trong 10 người Mỹ thì lòng tin của họ vào truyền thông đại chúng chỉ đạt từ “không nhiều lắm” đến “hoàn toàn không”. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận của Viện Chính trị thuộc Trường đại học tổng hợp Ha-vớt (Harvard) mới thực hiện, thì chỉ có 2% số người dân Mỹ trẻ tuổi tin vào hệ thống truyền thông. Tháng 2-2015, Viện Kôn-rát A-đen-nau-ơ (Konrad Adenauer) của CHLB Đức đăng trên mạng của mình bản tường trình về Bun-ga-ri, với tên bài Người dân Bun-ga-ri cảm thấy được truyền thông cũng như các chính trị gia thông báo một cách tồi tệ (Bulgaren fühlen sich von Medien wie Politikern schlecht informiert). Theo đó, “một cuộc khảo sát đại diện được tiến hành bởi sự ủy quyền của Viện Kôn-rát A-đen-nau-ơ và chỉ ra một cuộc khủng hoảng niềm tin với giới truyền thông và thông tin về chính trị. 59% số người dân của nước này không tin rằng hệ thống truyền thông đã thật sự độc lập. Nhiều người chưa quyết định, chỉ có 17% tin vào sự truyền tin không bị tác động. Như vậy, sự khủng hoảng niềm tin của hệ thống truyền thông vẫn tiếp diễn…”.

Có thể vì khuôn khổ có hạn, nên các bài báo không phân tích kỹ các nguyên nhân dẫn đến mất lòng tin, nhưng trong khuôn khổ một cuốn sách thì sự phân tích có phần thỏa đáng hơn. Thí dụ như cuốn sách Truyền thông trong chiến tranh - Chiến tranh trong truyền thông mới xuất bản của GS, TS J.Bếc-khờ (J.Becker), phiên bản điện tử công bố tháng 10-2015, sách in tháng 11-2015, và J. Bếc-khờ là nhà khoa học trong lĩnh vực chính trị học, từ năm 1987 ông giảng dạy tại Trường đại học tổng hợp Ma-buốc (Marburg). Ngày 12-2-2015, trang mạng NachDenkSeite đăng bài phỏng vấn tác giả, dưới đây là một trích đoạn:

“Câu hỏi: Thưa ông Bếc-khờ, cuốn sách mới, được ông gọi là công trình của cuộc đời và có tên Truyền thông trong chiến tranh - Chiến tranh trong truyền thông. Ông có mong muốn gì khi viết cuốn sách này? Ông viết về việc gì?

Bếc-khờ: Tôi có nhiều mong muốn. Việc tên sách đặt theo kiểu tên kép để nói rằng bất cứ tranh luận nào về vấn đề này đều quá ngắn, nếu chỉ giới hạn ở chỗ suy nghĩ lại về những nội dung bị làm méo mó, tức là chỉ hướng tới việc đưa tin chiến trường. Tất nhiên việc đó quan trọng, song trước tiên là bàn luận đến những cấu trúc xã hội đã tạo điều kiện cho sự đưa tin một cách dối trá. Vì vậy, trong cuốn sách tôi bàn về hoạt động của các công ty PR kiếm được lợi nhuận trong truyền thông nhờ tích cực tiếp thị chiến tranh, về việc ném bom các ngôi nhà của truyền thông trong chiến tranh dưới sự vi phạm luật pháp quốc tế, về việc các mạng lưới xã hội tinh hoa giữa truyền thông và chính trị đã thúc đẩy kinh doanh chiến tranh như thế nào và miêu tả việc các tổ chức phi chính phủ trong thời gian chiến tranh tự biến thành vật kéo để đặt trước các cỗ máy quân sự của truyền thông chính thống. Tôi không phải là một nhà khoa học truyền thông chỉ vừa lòng với việc đưa ra những suy nghĩ thông minh về các nội dung trong truyền thông, mà là nhà khoa học của lĩnh vực chính trị học, phân tích các điều kiện chính trị vượt quá mức độ nội dung. Với tôi, điều quan trọng của toàn bộ cuốn sách là ý nghĩa lịch sử, trên hai phương diện: Một mặt, tôi liên tục chỉ rõ, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi phát động chiến tranh, luôn có những sự lừa dối về chiến tranh của truyền thông. Mặt khác, tôi muốn làm rõ ý nghĩ lịch sử trong sự nghiệp của nghề nghiệp mà tôi theo đuổi, vì 40 năm qua tôi nghiên cứu đề tài này.

Câu hỏi: Phải chăng với “ý nghĩ lịch sử”, ông muốn nói đến tiến trình của lừa dối chiến tranh và tuyên truyền chiến tranh theo thời gian?

Bếc-khờ: Vâng, đúng thế. Khi còn ngồi ghế nhà trường, chúng ta đã nghe về sự tiến công vào trạm phát sóng truyền thanh Cờ-lai-vít-xơ (Gleitwitze) do các lực lượng phát-xít tạo dựng ra ngày 31-8-1939 làm cái cớ cho sự xâm lược Ba Lan. Và cũng như thế, chúng ta học trong trường, sự tiến công tàu chiến Mỹ năm 1964 ở Vịnh Bắc Bộ được bịa ra để cung cấp cho Hoa Kỳ một cái cớ nhằm bắt đầu chiến tranh Việt Nam. Cần phải viết rành mạch, để những sự lừa dối như thế không xảy ra nữa. Chúng ta thật sự học được điều gì từ lịch sử của những lừa dối chiến tranh? Tại sao truyền thông Đức về sau, ít nhất, không thể tự phê bình, mặc dù từ năm 1964 đã chia sẻ và cùng gánh vác toàn bộ sự dối trá của Mỹ?

Câu hỏi: Như vậy là có nói dối, có cố ý tác động? Do ai, chính xác như thế nào và tại sao?

Bếc-khờ: Tất nhiên họ nói dối, những người thống trị trong chính trị và trong truyền thông. Nếu ai cho rằng chiến tranh và truyền thông thực tế là hai lĩnh vực có phạm vi khác biệt, và cho rằng, truyền thông kiểm soát chính trị hoặc chính trị gia tác động một cách có ý thức vào truyền thông, thì trong các trường hợp này, họ đều nhầm lẫn. Hơn thế nữa, giữa lĩnh vực có sự trao đổi chặt chẽ về nhân lực, ý tưởng, tiền bạc. Đó là một cấu trúc mà tôi muốn miêu tả, tóm lược trong cấu trúc năm chữ M, gồm: Macht (quyền lực) - Maschine (máy móc) - Militär (quân sự) - Männer (đàn ông) - Medien (truyền thông)”.

Những năm qua, việc xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Sự phát triển và những đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước của báo chí Việt Nam là minh chứng sinh động. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, phát triển khó có thể tránh khỏi một số hạn chế, thậm chí sai sót, bởi vậy, việc phê bình, góp ý với tinh thần xây dựng cần được hoan nghênh. Nhưng lại có một số cá nhân nấp dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, lợi dụng tự do ngôn luận để phụ họa với các thế lực thù địch, lấy “tự do báo chí phương Tây” làm mô hình “tiêu chuẩn” để xây dựng nền báo chí nước nhà! Thiết nghĩ đó là điều không thể chấp nhận, các dẫn dụ trên đây cho thấy “tự do báo chí phương Tây” chỉ là câu chuyện được dựng lên để mê hoặc người nhẹ dạ, cả tin, và để kẻ xấu lợi dụng mà thôi.

---------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 8-12-2015.