Bình Dương nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

Hằng năm, tỉnh Bình Dương đều công bố Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, địa phương nhằm kịp thời có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập, từ đó đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác cải cách hành chính ở các cơ quan, đơn vị để phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương.
Người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương.

Nỗ lực phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp

Nằm giáp thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), phường An Bình (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có đến 78.178 nhân khẩu; trong đó có nhiều người dân từ khắp các tỉnh, thành phố đến làm ăn, sinh sống và có nhu cầu rất lớn về giải quyết các loại hồ sơ hành chính. Để giải quyết thủ tục kịp thời, nhanh chóng cho người dân, thời gian qua phường An Bình đã nỗ lực cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số nhằm phục vụ tốt và tạo sự hài lòng cho người dân; được người dân, tổ chức đánh giá cao về các dịch vụ hành chính công.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của phường An Bình đã tiếp nhận 9.522 hồ sơ (trực tuyến có 4.145 hồ sơ, trực tiếp và qua đường bưu chính có 5.377 hồ sơ) thì toàn bộ 9.522 hồ sơ được giải quyết đúng hẹn, đạt tỷ lệ 100%. Qua kết quả thực hiện năm 2023 và quý I/2024 cho thấy, việc triển khai thực hiện các mô hình, giải pháp, sáng kiến của phường An Bình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc cung cấp dịch vụ công tại địa phương với tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn đạt 100%; mức độ hài lòng trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân đạt 100%, trong đó có 75,5% rất hài lòng.

Thực hiện cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn, từ năm 2018 thành phố Thủ Dầu Một đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố nhằm hướng đến xây dựng một nền hành chính tập trung, thống nhất, thông suốt, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; tạo động lực mới cho đầu tư, phát triển và là cơ sở cho việc thực hiện các giải pháp về cải cách hành chính.

Tiếp đó, tháng 12/2023, thành phố Thủ Dầu Một đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành thông minh thành phố Thủ Dầu Một (IOC). Trung tâm có nhiệm vụ hỗ trợ lãnh đạo thành phố trong công tác giám sát, chỉ đạo điều hành, quản lý toàn diện trên các lĩnh vực nhằm đưa ra quyết định mang tính đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả về mọi mặt hoạt động kinh tế-xã hội. Với hướng đi bài bản, căn cơ, thời gian qua thành phố Thủ Dầu Một đã tích cực triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cụ thể: Đã kết nối liên thông hệ thống thông tin điện tử một cửa của tỉnh đến Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố và Bộ phận một cửa của 14 phường; thực hiện xử lý liên thông thủ tục hành chính trên môi trường mạng; tiếp tục thực hiện số hóa tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung… Hiện nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến và thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt ngày càng tăng; số lượng người dân thành phố được cung cấp định danh điện tử, có tài khoản Cổng dịch vụ công trực tuyến ngày càng nhiều…

Tại thành phố Thủ Dầu Một, Ủy ban nhân dân các phường trên địa bàn còn triển khai thực hiện nhiều sáng kiến, giải pháp mới về cải cách hành chính như: Mô hình “Thư cảm ơn công dân trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến”; mô hình “Mỗi ngày phát sinh thanh toán lệ phí thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công” của Ủy ban nhân dân phường Hiệp An; mô hình “Áo xanh tình nguyện ra quân hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Bình Dương số” của Ủy ban nhân dân phường Phú Lợi; mô hình “Cà phê sáng - Trao đổi với nhân dân”, “Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại nhà” của Ủy ban nhân dân phường Phú Mỹ giúp người dân thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính và được đánh giá cao… Kết quả, các sáng kiến, kinh nghiệm này được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, công dân.

Khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Bình Dương luôn công bố Chỉ số cải cách hành chính hằng năm nhằm đánh giá, phân loại và xếp hạng kết quả thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương Lý Văn Đẹp cho rằng, trên cơ sở kết quả đánh giá, phân loại và xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính công được công bố sẽ giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính phù hợp, có giải pháp khắc phục những hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

Kể từ khi tỉnh Bình Dương triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính cho các địa phương, đơn vị từ năm 2014 đến nay, thành phố Thủ Dầu Một liên tiếp 10 năm dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính tại tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Dầu Một Nguyễn Thu Cúc chia sẻ, thành phố luôn xác định rõ trọng tâm của cải cách hành chính là hướng đến sự hài lòng của người dân, luôn đặt lợi ích của người dân lên vị trí hàng đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính. Để thực hiện nhiệm vụ này, thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành triển khai thực hiện một cách đồng bộ; ứng dụng các phần mềm chuyên dụng để giải quyết công việc hành chính; đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong giải quyết thủ tục hành chính… Đặc biệt, thành phố luôn nêu cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và người đứng đầu. Đây là yếu tố quyết định đối với việc triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính của địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho rằng, công tác cải cách hành chính đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, địa phương quan tâm và triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Những nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên tất cả các lĩnh vực, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện và nâng cao

Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian tới, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, xác định công tác cải cách hành chính là động lực phát triển, phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng và hiệu quả phục vụ của cơ quan nhà nước…