Bình đẳng giới thông qua sáng tác âm nhạc

NDO -  Ngày 16/10, tại thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Truyền tải thông điệp về bình đẳng giới thông qua sáng tác âm nhạc”, với sự tham dự của các nhạc sĩ, ca sĩ, học sinh, sinh viên đến từ các trường nghệ thuật trên địa bàn TP Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo là hoạt động hướng tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930- 20/10/2023). Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Vũ Minh Lý cho biết: Năm 2023, Trung tâm lần đầu tiên phối hợp UN Wommen tổ chức Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Bình đẳng giới”, một chủ đề dù không mới nhưng khá là đặc trưng và có thể nói là tương đối khó.

Nhằm mục đích giao lưu, tương tác và truyền cảm hứng sáng tác giữa các nhạc sĩ, nghệ sĩ và chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tác nói riêng và lĩnh vực nghệ thuật nói chung. Đây là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ, các chuyên gia lĩnh vực giới trao đổi, giao lưu, nhất là rút ngắn khoảng cách, giúp cho những tác giả không chuyên được khơi gợi và truyền kinh nghiệm từ những chuyên gia gạo cội trong lĩnh vực này, từ đó có thể sáng tác những ca khúc đặc sắc và thật sự ý nghĩa về bình đẳng giới.

Bình đẳng giới thông qua sáng tác âm nhạc ảnh 1

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phát biểu ý kiến tại hội thảo

Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, đánh giá là một trong những động lực và mục tiêu phát triển quốc gia. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới được cụ thể hóa trong Luật Bình đẳng giới được Quốc hội ban hành vào năm 2006. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2030; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1790/QĐ-TTG, ngày 21/10/202, phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, trong đó nêu rõ một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác bình đẳng giới; đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội…

Bình đẳng giới thông qua sáng tác âm nhạc ảnh 2

Bà Lê Thị Lan Phương đại diện UN Women tại Việt Nam trao đổi thông tin về giới tại hội thảo

Đánh giá về bình đẳng giới ở nước ta, bà Lê Thị Lan Phương, Quản lý Chương trình UM Women tại Việt Nam cho biết: Phụ nữ Việt Nam đã được hưởng bình đẳng theo luật pháp; tham gia lực lượng lao động và tiếp cận các cơ hội kinh tế với tỷ lệ tương đối cao; sức khỏe và giáo dục ngày càng cải thiện. Đáng chú ý, Bộ Luật Lao động 2019 sửa đổi đã loại bỏ danh mục các nghề bị cấm đối với phụ nữ; lao động nam được hưởng chế độ nghỉ thai sản nhiều hơn khi vợ sinh con; định nghĩa rõ ràng về quấy rối tình dục, giảm khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ 5 năm xuống còn 2 năm vào năm 2035. Tất cả phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số có quyền bình đẳng với các nguồn lực kinh tế, được tiếp cận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác, các dịch vụ tài chính, quyền thừa kế về tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với luật pháp quy định.

Tuy nhiên, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như tỷ lệ giới khi sinh gia tăng, năm 2022 112 bé trai/100 trẻ gái; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội của phụ nữ và nam giới còn thấp, với chỉ 31,3% phụ nữ và 22,1% nam giới (năm 2019); chỉ có 16% phụ nữ từ 65 tuổi trở lên nhận lương hưu từ bảo hiểm xã hội, so với 27,3% nam giới; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi) sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiện đạt 69,2% ở đô thị và 63,3% ở nông thôn… Ngoài ra, vẫn còn định kiến với phụ nữ về vai trò lãnh đạo; phụ nữ phải chịu trách nhiệm về công tác chăm sóc không được trả lương; tỷ lệ bạo lực do chồng, bạn tình gây ra rất cao, thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ…

Bình đẳng giới thông qua sáng tác âm nhạc ảnh 3

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đều chung nhận định: Việc đa dạng hóa các hình thức truyền thông, điển hình như sáng tác ca khúc âm nhạc về bình đẳng giới với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo của cộng đồng sẽ góp phần làm giàu và phong phú thêm các chủ đề và sáng tác âm nhạc của Việt Nam; là sợi dây ngôn ngữ gắn kết mọi người, truyền tải thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt và bạo lực trên cơ sở giới đối với những người yếu thế trong xã hội; kêu gọi cộng đồng cũng hành động góp phần thay đổi những định kiến cũ về giới; đồng thời duy trì và phát triển các khuôn mẫu, chuẩn mực mới, tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Các đại biểu cũng đề nghị Ban tổ chức Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Bình đẳng giới” phát động sâu rộng hơn nữa tới mọi tầng lớp nhân dân; hỗ trợ kinh phí cho các nhạc sĩ, ca sĩ sáng tác và thể hiện các ca khúc bình đẳng giới từ cuộc thi này...