Biến thách thức thành cơ hội

Già hóa dân số đặt ra thách thức đối với kinh tế và xã hội, song nếu có chính sách phù hợp sẽ giúp tận dụng những lợi ích từ tình trạng này. Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10) năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới bảo đảm quyền của người cao tuổi để có thể thích ứng với xã hội dân số già.
0:00 / 0:00
0:00
Người cao tuổi tập thể dục ở Bosnia và Herzegovina. (Ảnh: UNFPA Bosnia và Herzegovina)
Người cao tuổi tập thể dục ở Bosnia và Herzegovina. (Ảnh: UNFPA Bosnia và Herzegovina)

Chủ đề của Ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2023 là “Thực hiện cam kết trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền đối với người cao tuổi: Xuyên suốt các thế hệ”. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng, cần phải bảo đảm sự tham gia tích cực, đầy đủ và đóng góp của người cao tuổi thông qua các chính sách xã hội dựa trên những nhu cầu của họ.

Liên hợp quốc ước tính, số người từ 65 tuổi trở lên trên toàn cầu dự kiến tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2021 (761 triệu người) cho đến năm 2050 (1,6 tỷ người). Thực tế này cho thấy sự cần thiết của việc nỗ lực bảo đảm quyền lợi và phát huy vai trò của người cao tuổi.

Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết, tỷ lệ người dân Hàn Quốc ở độ tuổi 75 trở lên là 7,7% dân số năm 2023, dự kiến sẽ tăng lên mức 30,7% vào năm 2070. Còn ở Nhật Bản, lần đầu tỷ lệ người hơn 80 tuổi đã vượt ngưỡng 10% tổng dân số. Theo thống kê được công bố ngày 15/9 vừa qua, số người hơn 80 tuổi ở Nhật Bản tăng thêm 270.000 người so với cùng kỳ năm 2022.

Liên hợp quốc ước tính, số người từ 65 tuổi trở lên trên toàn cầu dự kiến tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2021 (761 triệu người) cho đến năm 2050 (1,6 tỷ người). Thực tế này cho thấy sự cần thiết của việc nỗ lực bảo đảm quyền lợi và phát huy vai trò của người cao tuổi.

Tình trạng già hóa dân số tạo ra cơ hội phát triển cho ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những sản phẩm phục vụ người cao tuổi. Tuổi thọ trung bình toàn cầu ngày càng tăng, cho thấy những tiến bộ về lĩnh vực y tế. Tuy vậy, bên cạnh cơ hội là hàng loạt thách thức mà tình trạng già hóa dân số mang đến, trong đó có áp lực bảo đảm an sinh xã hội và sự thiếu hụt lực lượng lao động. Các chuyên gia của Liên hợp quốc nhận định rằng, tình trạng bất bình đẳng vẫn tồn tại vì người cao tuổi ở các khu vực khác nhau không được hưởng lợi một cách bình đẳng về chăm sóc y tế, trợ cấp xã hội...

Kết quả khảo sát do công ty nhân sự Recruit Co. tiến hành cho thấy, hơn 50% số người trong độ tuổi từ 60 đến 74 tại Nhật Bản có nguyện vọng đi làm vẫn chưa được tuyển dụng, kể cả khi quốc gia châu Á này phải vật lộn với bài toán thiếu hụt lao động. Khoảng hai phần ba số doanh nghiệp tại Nhật Bản được hỏi cho biết, họ không muốn tuyển lao động cao tuổi vào các vị trí chính thức, dù hầu hết doanh nghiệp này đều không nêu được lý do cụ thể.

Trước những thách thức mà tình trạng già hóa dân số đặt ra, các quốc gia trên thế giới đang triển khai biện pháp để thích ứng. Ngoài việc khuyến khích sinh đẻ, giới chuyên gia kêu gọi các nước thực hiện những giải pháp để người cao tuổi không bị coi là gánh nặng và giúp họ tiếp tục đóng góp cho xã hội nhờ kinh nghiệm và sự trải nghiệm. Singapore đang tập trung tăng cường năng lực của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe công: Nhân lực điều dưỡng sẽ được tăng cường đáng kể, hàng trăm giường bệnh sẽ được bổ sung để giảm bớt tình trạng thiếu hụt tại các bệnh viện công.

Tại Hàn Quốc, một số đề xuất cải cách hưu trí nhằm tăng độ tuổi hưởng lương hưu cũng được đưa ra. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đang tập trung tăng số việc làm và tiếp tục trợ cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tầm trung nhằm khuyến khích họ tuyển dụng người cao tuổi. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ của Nhật Bản thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giảm bớt nhân lực chăm sóc người già. Công ty Trinity của Nhật Bản đã phát triển các sản phẩm AI hỗ trợ phát hiện những người già bị chứng mất trí nhớ dẫn đến đi lạc.

Trước sự gia tăng nhanh về số người cao tuổi, việc điều chỉnh chính sách nhằm thích ứng hiệu quả, biến thách thức thành cơ hội là nhiệm vụ quan trọng. Thay vì chỉ được nhìn nhận là các đối tượng hưởng trợ cấp của xã hội, những người cao tuổi cần được nhìn nhận như là các chủ thể đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, với các kỹ năng, tri thức và kinh nghiệm quý báu mà họ tích lũy được.