“Biến tấu của ký ức” - tái hiện những ký ức sống động về chiến tranh

NDO - 12 ngày đêm quân và dân miền bắc anh dũng, kiên cường đáp trả chiến dịch không kích hủy diệt của đế quốc Mỹ cuối năm 1972 đã hằn sâu trong tâm thức của cậu bé người Hải Phòng Phạm Ngọc Định. Nhiều năm sau, dấu ấn về tháng ngày không quên ấy đã được tái hiện sống động trong cuốn truyện dài “Biến tấu của ký ức”. Chiều 4/11, tại Hải Phòng buổi ra mắt tác phẩm “Biến tấu của ký ức” đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi lễ ra mắt sách "Biến tấu của ký ức".
Quang cảnh buổi lễ ra mắt sách "Biến tấu của ký ức".

Góc tiếp cận mới về chiến tranh

Cuối năm 1972, trước thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền nam khiến chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn.

Nhằm cứu vãn tình hình, Mỹ hối hả tăng cường lực lượng, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc lần 2. “Pháo đài bay B52” của Mỹ đã trút xuống các tỉnh thành phía bắc hàng chục nghìn tấn bom, phá hủy nhiều nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, bệnh viện, trường học,… khiến hàng nghìn dân thường bị giết hại.

Chọn cách viết với dầy đặc sự kiện, tiết tấu nhanh nên ngay từ những trang viết đầu tiên, diễn biến của câu chuyện đã tạo được sự hấp dẫn với độc giả: “Bầu trời như bị xé toạc với thứ ánh sáng ma quái cùng hàng triệu mảnh bom gầm rú trong màn đêm. Trong thứ ánh sáng lóe chớp, đó hai đứa trẻ bật dậy. Bốp! Cả hai bị hất ngược trở lại bởi bức tường rắn chắc. Chúng cuống cuồng đứng dậy. “Bố… Mẹ…!” Chúng gào gọi trong tiếng bom mỗi lúc một dày hơn, đặc hơn tạo thành những tiếng nổ khủng khiếp liên tiếp” (trang 5).

Chiến tranh đã hiện diện bằng một trận bom kinh hoàng diễn ra ngay trước mắt hai anh em Minh và Đạt - hai đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Để rồi từ đây, tác giả dẫn dắt người đọc bước vào một cuộc chiến thực sự tàn khốc, dữ dội.

“Biến tấu của ký ức” - tái hiện những ký ức sống động về chiến tranh ảnh 1

Cuốn sách "Biến tấu của ký ức".

Khác với nhiều tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng đã xuất bản trước đây, trong “Biến tấu của ký ức” tác giả Phạm Ngọc Định chọn người kể chuyện là Đạt - một cậu học sinh mới 12 tuổi hiếu động, thông minh, dũng cảm những cũng rất tình cảm, sống có trách nhiệm.

Sự khốc liệt của chiến tranh đã không thể vùi dập được những khao khát, ước mơ cùng ý chí của Đạt và các bạn mình. Các em vẫn sống kiên cường, mạnh mẽ, như những mầm cây bất khuất biết trỗi dậy mạnh mẽ từ đổ nát, hoang tàn. Chính điều ấy đã mang lại niềm tin, hy vọng cho người đọc.

Có thể thấy, viết về đề tài chiến tranh cách mạng, cuốn sách của tác giả Phạm Ngọc Định đã đưa ra những góc tiếp cận riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân và gây xúc động cho độc giả. Đồng thời thông qua cuốn sách, độc giả có thể hình dung về một Hải Phòng hiên ngang, kiên cường trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Chia sẻ về cuốn sách mới của tác giả Phạm Ngọc Định, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - một người con của Hải Phòng cho biết, khi đế quốc Mỹ leo thang, tấn công miền bắc thì ông đang ở trong chiến trường. Biết tin quê nhà bị đánh phá ác liệt, ông vô cùng sốt ruột, hằng ngày chỉ mong ngóng nghe tin tức từ nơi hậu phương.

Nhiều năm sau này, ông vẫn tiếp tục tìm đọc những tác phẩm viết về Hải Phòng trong suốt những năm tháng chiến tranh, đặc biệt là giai đoạn 12 ngày đêm quân và dân Hải Phòng kiên cường chống trả lại sự tấn công dữ dội của đế quốc Mỹ, tuy nhiên ông vẫn chưa thực sự thấy bằng lòng.

Nhưng khi đọc “Biến tấu của ký ức”, cuốn sách đã khiến ông vô cùng xúc động bởi cuốn sách đã lột tả được tận cùng sự khốc liệt của chiến tranh. Ông nhận xét: "Tác phẩm này gây ấn tượng, chạm đến cảm xúc của người đọc không ở tầm vóc ở văn chương, ở sự kiện mà ở sự sáng tạo trong từng trang viết”.

Đọc “Biến tấu của ký ức” mỗi trang viết đều ngồn ngộn chi tiết. Chất điện ảnh đậm đặc, mà theo nhà văn Nguyễn Đình Tú, các nhà làm phim có thể tham khảo. Điều này có thể lý giải được bởi tác giả Phạm Ngọc Định đã viết ra từ chính những trải nghiệm sống của mình. Bản thân ông cũng thừa nhận cuốn sách giống như một cuốn tự truyện. Sự xuất hiện của nhiều nhân vật được đề cập trong tác phẩm tại buổi lễ ra mắt sách đã phần nào cho thấy điều đó.

Văn chương thức tỉnh lương tri

Đọc “Biến tấu của ký ức”, nếu không được giới thiệu, khó ai có thể hình dung được rằng đây là tác phẩm được viết ra bởi một người tử tù. Nhưng đó lại là sự thật.

Tác giả Phạm Ngọc Định chia sẻ: Năm 1999 ông bị bắt và bị tòa tuyên án tử hình. Những ngày tháng trong phòng biệt giam, đợi ngày ra pháp trường, trả giá cho những tội lỗi mình đã gây ra, ông đã ngẫm ngợi rất nhiều về cuộc đời mình. Những hối hận về tội lỗi mình đã gây ra giờ đã quá muộn.

Dù không thể thay đổi được quá khứ nhưng tử tù Phạm Ngọc Định tự thấy mình phải làm được một điều gì đó có ý nghĩa để trả nợ cuộc đời. Chính thời điểm đó ông đã đọc nhiều tác phẩm văn học, những tác phẩm khiến ông thức tỉnh lương tri, và ý muốn viết văn trong ông đã trỗi dậy.

Đặc biệt vào mùa xuân năm 2004, sau khi nghe trên sóng phát thanh về chương trình gặp gỡ của Thủ tướng với văn nghệ sĩ, lắng nghe lời kêu gọi các nhà văn sáng tác của Thủ tướng đã thôi thúc ông cầm bút viết văn để lưu lại những tâm tình, suy nghĩ của mình. Không thể để thời gian trôi đi một cách uổng phí, tù nhân Phạm Ngọc Định đã tận dụng những cuốn tạp chí cũ mà gia đình gửi vào, tách làm đôi để lấy giấy trắng và viết vào đó những dòng chữ đầu tiên, gửi gắm tâm huyết của mình.

Ông mải mê viết đến quên cả thời gian, có ngày viết được 15-20 trang. Viết hết giấy, ông giục người nhà gửi tiếp tạp chí để mình có giấy sáng tác. Ông viết trong sự hối hả, chạy đua với thời gian vì sợ rằng mình không kịp hoàn thành tác phẩm trước ngày “trả án” (thi hành án tử hình).

Nhờ chính sách khoan hồng của Nhà nước, tử tù Phạm Ngọc Định đã được giảm án, và nhờ cải tạo tốt, ông đã được đặc xá vào năm 2015. Sau gần 10 năm trở lại với cộng đồng, một trong số những bản thảo được ông thai nghén sau song sắt, tác phẩm “Biến tấu của ký ức” đã ra mắt độc giả.

“Biến tấu của ký ức” - tái hiện những ký ức sống động về chiến tranh ảnh 2

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (đứng) chia sẻ cảm nhận về cuốn sách "Biến tấu của ký ức".

Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha bày tỏ: “cuốn sách đã chạm đến cảm xúc người đọc bởi được sáng tạo trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt: Trong nhà giam, và viết bởi một người tử tù. Trong hoàn cảnh ấy, những ký ức trong trẻo và đầy tự hào về chiến tranh nhân dân của đất nước ta, những trò chơi dân gian vẫn được kể lại hết sức tự nhiên và chân thực. Đó là điều rất tuyệt vời, khi những trang viết được tạo ra bởi con người tưởng chừng đã mất hết giá trị với cuộc đời. Có thể nói, văn học đã cứu rỗi con người, làm sống lại ký ức, làm ký ức ấy ngân vang trong tâm hồn con người, mang lại sự tốt đẹp cho xã hội”.

Tại lễ ra mắt sách, tác giả Phạm Ngọc Định đã tặng sách cho 10 trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng, với mong muốn cuốn sách nhỏ của mình có thể góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Tác giả cũng cho viết những trang viết trong tù và sau khi ra tù tiếp tục được chỉnh sửa và mong muốn có thể giới thiệu với độc giả trong thời gian tới.