Bắc Kạn đang nỗ lực để thật sự mỗi nghị quyết luôn mang đậm hơi thở cuộc sống, sớm đi vào thực tiễn.
Đưa cuộc sống vào nghị quyết
Những ngày này, người dân tại các xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong (huyện Bạch Thông) đang tập trung chăm sóc cây cam, quýt sau thu hoạch vì họ hiểu rõ nếu không chăm sóc tốt thì năng suất năm sau sẽ bị giảm.
Tổng diện tích cam, quýt trên địa bàn huyện Bạch Thông khoảng 1.900ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 1.400ha. Cũng tại Bạch Thông, người trồng hồi đã có ý thức thâm canh thay vì quảng canh như trước.
Những thay đổi về tư duy, nhận thức trong canh tác cây cam, quýt và hồi ở Bạch Thông là kết quả của việc có nghị quyết ban hành, triển khai phù hợp thực tiễn.
Ngay từ khi xây dựng dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Bạch Thông đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và các xã có những đánh giá, kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát triển cây cam, quýt. Những yếu tố này trở thành tư liệu "đầu vào" để làm nên mục tiêu, giải pháp cụ thể, rõ ràng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.
Tiếp đó, Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững, gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020-2025.
Bí thư Huyện ủy Đỗ Thị Hiền cho biết, đánh giá thực tiễn cho thấy, quýt Bắc Kạn là cây thế mạnh nhưng giá trị thu được không cao, thời gian thu hoạch ngắn; cây hồi giá trị tương đối cao, song chưa có sự đầu tư phù hợp dẫn đến năng suất, sản lượng thấp; do đó, Nghị quyết số 04 là giải pháp cơ bản để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Nghị quyết phải giải quyết đòi hỏi của thực tiễn là điều Bắc Kạn đã làm được ở nhiều nội dung. Năm 2016, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển sản xuất hàng hóa, trong đó có nội dung về hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Năm 2021, trên cơ sở rút kinh nghiệm quá trình đã thực hiện, Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.
Nghị quyết mới đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, gồm: Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã chưa cao; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; sự liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác chưa bền vững; một số hợp tác xã chưa làm tốt dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho các thành viên; một số địa phương chưa thực sự coi trọng công tác phát triển hợp tác xã… Từ đây, Nghị quyết mới đã đưa ra cách thức hỗ trợ đúng, trúng giúp kinh tế hợp tác xã phát triển mạnh.
Đến nay, Bắc Kạn có 352 hợp tác xã, trong đó có 299 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ được hỗ trợ, các hợp tác xã đã hoạt động hiệu quả với doanh thu tăng bình quân 180%, lợi nhuận tăng 150%, thu nhập tăng 200% so với năm 2016.
Toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, đều là các sản phẩm liên kết sản xuất giữa hợp tác xã với nông dân. Đặc biệt, có hai hợp tác xã ở vùng cao đã xuất khẩu được sản phẩm sang Nhật Bản và châu Âu.
Đưa nghị quyết vào thực tiễn
Đi đôi với nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết, Bắc Kạn đặc biệt chú trọng việc phổ biến, quán triệt để tạo quyết tâm chính trị trong thực hiện các giải pháp đã đề ra. Ngày 1/1/2022, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được Bắc Kạn đưa vào sử dụng với quy mô 118 điểm kết nối từ tỉnh xuống tới xã, phường, thị trấn.
Các buổi học tập, quán triệt nghị quyết không chỉ thông qua các điểm cầu trực tuyến mà còn được phát trực tiếp trên truyền hình để toàn thể nhân dân cùng theo dõi.
Trong 5 năm qua, Bắc Kạn đã triển khai hiệu quả Đề án số 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quán triệt, học tập và tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, giai đoạn 2017-2022.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn, đến nay, việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết đã đi vào nền nếp ở hầu hết đảng bộ các cấp; đa số cán bộ, đảng viên tham gia học tập, tự giác, đề cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu trong học tập, nghiên cứu nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đồng thời vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân tham gia thực hiện...
Từ nghị quyết đúng, Bắc Kạn chỉ đạo cụ thể hóa thành các kế hoạch triển khai thực hiện. Tháng 8/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Việc xây dựng dự thảo chương trình hành động đã được chỉ đạo thực hiện song song với xây dựng dự thảo nghị quyết. Do vậy, khi nghị quyết ban hành thì chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cũng nhanh chóng ban hành đi vào triển khai.
Từ tháng 9/2021 đến nay, nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 18 đã đạt kết quả tốt. Bắc Kạn đã phê duyệt Đề án "Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030"; Đề án sản phẩm phục vụ du lịch thông minh "Ứng dụng hệ thống thông tin du lịch Bắc Kạn", nghiên cứu và triển khai thí điểm số hóa ngành du lịch của tỉnh; Đề án "Xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025"…
Tỉnh cũng đã điều chỉnh cơ cấu các nhóm sản phẩm du lịch Bắc Kạn theo hướng phát huy sản phẩm du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng, tăng cường sản phẩm du lịch lịch sử-tâm linh, bổ sung sản phẩm du lịch văn hóa-trải nghiệm, tạo mới sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí, mạo hiểm.
Năm 2022, tỉnh đã đề xuất xây dựng tuyến đường cao tốc từ Chợ Mới tới thành phố Bắc Kạn; đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang); đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thành các bước để thực hiện tuyến đường Quảng Khê-Khang Ninh, tuyến đường chung quanh hồ Ba Bể… Dự kiến đến 2025, tỉnh sẽ hoàn thành toàn bộ hạ tầng giao thông phục vụ du lịch trọng điểm.
Bắc Kạn cũng đặc biệt chú trọng giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 18 đã "dồn" vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nhằm đưa du lịch của tỉnh thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để giám sát việc thực hiện, Tỉnh ủy Bắc Kạn thành lập Ban chỉ đạo các công trình giao thông trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, huy động sự vào cuộc triển khai, giám sát của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo họp thường kỳ thường xuyên, đã kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, chấn chỉnh vi phạm, thiếu sót, chậm trễ. Nhờ đó, đến nay, các dự án giao thông trọng điểm của Bắc Kạn đều được đẩy nhanh tiến độ, không để xảy ra sai sót, vi phạm lớn.
Khắc phục tình trạng các cấp ủy "khoán" việc giải ngân cho UBND các cấp, Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo, yêu cầu Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy phải kiểm điểm công tác giải ngân tại các kỳ họp định kỳ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu, có lộ trình từng việc cụ thể.
Người đứng đầu cấp ủy các cấp phải có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân. Từ tháng 4/2022, Tỉnh ủy Bắc Kạn yêu cầu thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa phương phải có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện chỉ đạo về công tác giải ngân.
Với việc xây dựng nghị quyết từ "hơi thở" cuộc sống và có trách nhiệm, hiệu quả trong đưa nghị quyết vào cuộc sống thì kinh tế-xã hội của Bắc Kạn trong thời gian qua đã có tiến bộ rõ rệt.
Hội thảo khoa học về thực trạng, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn được tỉnh Bắc Kạn tổ chức mới đây đã đánh giá: Các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương bằng việc xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể để tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền được cải tiến, đổi mới. Cấp ủy viên các cấp tăng cường công tác nắm cơ sở, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp.
Trên bình diện kinh tế, từ năm 2021 tới nay, khi tỉnh tập trung đầu tư gỡ "nút thắt" về giao thông đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến nghiên cứu khảo sát, đề xuất dự án tại Bắc Kạn.
Chỉ tính riêng hai năm 2021 và 2022, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư cho khoảng 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5.000 tỷ đồng, cao hơn số dự án 5 năm trước đó cộng lại. Hiện nay, có khoảng 30 nhà đầu tư, doanh nghiệp đang quan tâm tài trợ quy hoạch, nghiên cứu, khảo sát dự án trên địa bàn.
Thực tiễn sinh động tại tỉnh Bắc Kạn đã cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng bộ tỉnh trong việc xây dựng, triển khai nghị quyết "đúng, trúng" để tạo chuyển biến trên mọi mặt.
Không phải nghị quyết nào cũng "đúng, trúng" toàn diện, không phải nghị quyết nào cũng được biến thành thực tiễn sinh động hoàn toàn, song, với cách xây dựng, thực hiện như vừa qua thì việc đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng sẽ làm cho những khó khăn, hạn chế tiếp tục được khắc phục để sớm đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững như mục tiêu đã đề ra.