Trước đó, khoảng 5 giờ sáng ngày 19/8, siêu du thuyền Bayesian chở theo 22 người đã bị chìm ngoài khơi Sicily, Italy do gặp gió mạnh và vòi rồng. Những người mất tích bao gồm cha con ông trùm công nghệ người Anh Mike Lynch cùng một số người khác.
Ngay sau vụ đắm tàu, các nhà khí hậu học đã đưa ra cảnh báo về việc vùng Địa Trung Hải đang ngày càng trở nên nguy hiểm do tác động tiêu cực của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Điều này khiến cho những cơn bão lớn và bất ngờ thường xuyên xuất hiện ở vùng biển vốn là nơi vui chơi của hàng triệu khách du lịch vào mùa hè hằng năm.
Ông Luca Mercalli, Chủ tịch Hiệp hội khí tượng Italy, cho biết nhiệt độ bề mặt nước biển quanh Sicily trong những ngày trước vụ đắm tàu là khoảng 30°C, cao hơn gần 3 độ so với bình thường; từ đó tạo ra nguồn năng lượng khổng lồ góp phần gây ra những cơn bão.
Các nhà khoa học cảnh báo: Cần đánh giá đúng tình trạng mặt đất nóng lên khi biến đổi khí hậu
Nhiều thuyền trưởng giàu kinh nghiệm cũng đồng loạt đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm bất thường của Địa Trung Hải. Ông Giuliano Gallo, một cựu thuyền trưởng từng đã vượt Đại Tây Dương, cho biết Địa Trung Hải đang ngày càng giống với Caribe, nơi có những khu vực mà tàu thuyền cần phải tránh xa vào một số thời điểm trong năm.
Trong khi đó, ông Karsten Borner, thuyền trưởng của chiếc thuyền neo đậu cạnh Bayesian nhưng may mắn thoát nạn, cho biết cơn bão hôm 19/8 "rất mạnh và dữ dội, và có cả lốc xoáy”. Vị thuyền trưởng này đưa ra quan điểm: Những đợt nắng nóng gay gắt thường xuyên hơn vào mùa hè có thể là nguyên nhân chính khiến các cơn bão bất thường như vậy xuất hiện.
“Nước biển quá nóng. Điều này chắc chắn sẽ gây ra những cơn bão lớn, giống những gì chúng tôi đã phải trải qua”, ông nhấn mạnh.
Một nghiên cứu khác của Viện Khoa học hàng hải Barcelona được công bố hồi cuối tuần trước cũng cho biết: Ngày 15/8/2024, nhiệt độ bề mặt trung bình hằng ngày của Địa Trung Hải chạm ngưỡng cao nhất trong lịch sử, với 28,9°C, vượt qua kỷ lục 28,71°C đo được ngày 24/7 năm ngoái.
Đặc biệt, tại các điểm đặt phao đo đạc ở ngoài khơi bờ biển Monaco, gần đảo Corse, cũng như gần Valencia (Tây Ban Nha), nhiệt độ nước biển được ghi nhận đều hơn 30°C. Tại thành phố Nice ở miền nam nước Pháp, nước biển có nhiệt độ cao hơn từ 3 đến 4°C kể từ ngày 15/7, khiến cho người dân địa phương không thể tận hưởng bầu không khí mát lành về đêm như thường thấy.
Nhiệt độ đại dương kỷ lục đe dọa “tẩy trắng” rạn san hô lớn nhất thế giới
Nghiên cứu khẳng định: Nhiệt độ nước biển tại khu vực Địa Trung Hải tăng lên không chỉ đe dọa trực tiếp các loài cá và thực vật biển mà còn tiềm ẩn nguy cơ những trận mưa bão lớn trong khu vực, vốn đã bị ảnh hưởng bởi các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Khu vực Địa Trung Hải từ lâu đã được Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc xếp vào danh sách “điểm nóng” về biến đổi khí hậu. Theo ông Federico Betti, chuyên gia về các loài xâm lấn tại Đại học Genoa (Italia), nhiệt độ trung bình của Địa Trung Hải đã tăng khoảng 1,2°C trong 40 năm qua.