Bí thư chi bộ thời 4.0

Tỉnh Bến Tre có nhiều bí thư chi bộ trẻ, năng động, mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào việc quản lý tại ấp, khu phố, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tại cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Chi bộ ấp Bình Chiến Trần Minh Khiêm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào việc quản lý tại cơ sở mang lại hiệu quả tích cực.
Bí thư Chi bộ ấp Bình Chiến Trần Minh Khiêm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào việc quản lý tại cơ sở mang lại hiệu quả tích cực.

Năm 2020, anh Trần Minh Khiêm (sinh năm 1988, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bình Ðại) được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ ấp Bình Chiến (thị trấn Bình Ðại, huyện Bình Ðại, tỉnh Bến Tre). Tốt nghiệp đại học luật, Bí thư chi bộ trẻ này đã tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư, báo cáo, cập nhật trên máy tính thay cho cách ghi chép sổ tay truyền thống. Anh Khiêm cho biết, toàn ấp có 530 hộ với 1.015 nhân khẩu được lập đầy đủ thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, điều tra lao động việc làm, danh sách hộ nghèo, chính sách… và được lưu trữ trên máy tính cho nên rất dễ dàng trong công tác quản lý, cập nhật số liệu.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp việc triển khai thực hiện nghị quyết, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được dễ dàng, hiệu quả hơn. Từ năm 2020 đến nay, Chi bộ ấp Bình Chiến đã thực hiện nhiều mô hình dân vận khéo, công trình, phần việc mang lại hiệu quả cao, được người dân tích cực hưởng ứng. Trong đó có các mô hình như: tuyến đường treo cờ dọc Quốc lộ 58B; mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn…

Ông Nguyễn Văn Phụng, ngụ ấp Bình Chiến cho biết: "Nhờ tuyên truyền cho dân biết, dân góp ý cho nên họ tích cực tham gia các hoạt động, phong trào. Mấy năm nay, người dân rất tích cực hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Mới đây địa phương tiếp tục đứng ra vận động xây dựng cầu bê-tông Mương Lá thay thế cầu gỗ đã cũ với kinh phí 170 triệu đồng. Trong đó, tất cả 26 hộ dân trong tổ nhân dân tự quản hưởng ứng đóng góp tùy theo hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Bản thân tôi ủng hộ 5 triệu đồng và vận động gần 10 triệu đồng nữa để đóng góp xây cầu. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn tại ấp đã thay đổi, xe chạy tới nhà".

Với vai trò Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bình Ðại, bằng nhiều cách làm mới, anh Trần Minh Khiêm đã mạnh dạn vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Ðến thời điểm hiện tại, ấp đã vận động nhân dân tham gia thành lập bảy tổ hội nghề nghiệp gồm 3 tổ chăn nuôi bò sinh sản, ba tổ nuôi thủy sản và một tổ chăn nuôi với 72 thành viên. Trong đó có một tổ hội thực hiện Ðề án chăn nuôi bò sinh sản với số vốn hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh là 300 triệu đồng.

Anh cho biết: Mấy năm nay, phong trào nuôi tôm thẻ công nghiệp không mang lại hiệu quả cao như trước do giá thấp, chi phí tăng, dịch bệnh, nhiều người bỏ nghề. Tập thể Chi ủy đã vận động người dân chuyển đổi bằng các mô hình nuôi bò, dê, thỏ, lúa-tôm… Chi bộ đã kết nối, tổ chức tập huấn cho nông dân. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong sinh hoạt chi bộ, anh Khiêm thành lập nhóm Zalo kết nối các đảng viên để cung cấp, trao đổi thông tin. Sau đó tiếp tục thành lập các nhóm Zalo tại tất cả 17 tổ nhân dân tự quản, đưa các thông báo, hoạt động, kế hoạch làm đường, xây cầu hay tình hình an ninh trật tự tại ấp cho người dân biết, góp ý. Hiện tại, có 150 hộ dân tham gia vào các nhóm Zalo trong ấp.

Còn tại ấp Căn Cứ, huyện Giồng Trôm, đồng chí Trần Thị Thanh Trúc (sinh năm 1987, tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật) được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ từ năm 2016, là một trong những bí thư chi bộ ấp trẻ nhất của huyện. Nhờ thành thạo về tin học cho nên đồng chí đã ứng dụng trong công việc và chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao. Hiện tại, chi bộ có 20 đảng viên nhưng có đến 19 đảng viên sử dụng điện thoại thông minh tham gia nhóm Zalo chung để trao đổi công việc, báo cáo cho nên rất thuận tiện. Khi có thông báo hay thông tin gì cần tuyên truyền đều nhanh chóng được gửi đến các trưởng tổ nhân dân tự quản để cho người dân biết.

Mở máy tính tại cơ quan, Bí thư chi bộ ấp Căn Cứ thực hiện vài thao tác nhấp chuột là màn hình hiện ra các báo cáo về số lượng người dân tiêm vắc-xin Covid-19, danh sách cử tri, phân loại tỷ lệ hộ nghèo, nghề nghiệp, độ tuổi… Nhờ vậy, khi có đơn vị, cơ sở nào cần lao động sẽ được giới thiệu ngay để tạo việc làm cho người dân. Tới đợt tuyển quân cũng có sẵn số liệu về số lượng thanh niên trong độ tuổi, nhà ở đâu nên không cần phải tốn nhiều công sức đi thu thập. Mới đây, đồng chí Thanh Trúc còn vận động người dân trong ấp thành lập tổ chuyển đổi số bằng việc phối hợp lực lượng đoàn thanh niên hướng dẫn người dân buôn bán cài APP thanh toán không dùng tiền mặt, bước đầu có 20 hộ buôn bán tham gia.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Giồng Trôm Lê Thanh Tòng nhận xét: "Ðồng chí Trần Thị Thanh Trúc là Bí thư Chi bộ ấp điển hình trong thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại huyện Giồng Trôm. Ðồng chí có nhiều cách làm mới trong sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền, vận động người dân tham gia chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao, thiết thực. Hiện tại, chi bộ đang tập trung củng cố, nâng chất các chỉ tiêu để được công nhận là chi bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện thời gian tới".