Môn thi đấu đặc biệt nhất SEA Games
Bi sắt, tên quốc tế là pétanque ra đời rất sớm. Theo các tài liệu ghi lại, pétanque xuất hiện từ trước Công nguyên khi một bộ viên bi bằng đá và viên đích được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một bộ khác cũng được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ Ai Cập.
Bi sắt chính thức bước lên “đỉnh cao” khi giới quý tộc Pháp phổ biến môn thể thao này vào thế kỷ XVII với dấu ấn là việc vua Louis XVI đưa ra luật chơi 14 điểm. Bi sắt hiện đại với thể thức như hiện nay ra đời vào năm 1907 tại Ciotat, Provence miền nam nước Pháp sau đó lan rộng đến Tây Âu trước khi “chạm ngõ” Đông Nam Á khi người Pháp mang theo môn thể thao này tới các nước thuộc địa.
Về luật chơi, vận động viên phải đứng trong vòng tròn có đường kính từ 35cm đến 50cm, vòng tròn này phải nằm cách đường biên cuối sân và biên ngang 1m. Sau khi bốc thăm, một đội (hoặc một đối thủ) sẽ được cầm viên bi điểm nhỏ ném trước.
Sau khi đối thủ ném viên bi điểm về phía trước, vận động viên còn lại có nhiệm vụ đầu tiên là bo (hay còn gọi là lăn) viên bi của mình sao cho gần viên bi điểm. Khi bo viên bi gần viên bi điểm nhất, người đó được xem là thắng đối phương. Người còn lại có nhiệm vụ bắt viên bi của đối phương đi nơi khác. Mỗi người được phát ba viên bi để bo. Nếu bo đi hết cả ba viên thì ai có viên bi gần với bi điểm nhất được công nhận là thắng điểm. Các trận đấu thi đấu đến 13 điểm.
Môn bi sắt xuất phát và phát triển mạnh tại châu Âu và lần đầu xuất hiện tại SEA Games 21 vào năm 2001 tại Malayisa.
Bi sắt phát triển tại Việt Nam từ đầu những năm 2000, được chơi và đẩy mạnh nhờ phong trào tại miền nam và các tỉnh miền Tây. Sau năm 2007, môn thể thao bắt được phát triển mạnh hơn ở phía bắc và dần dần được quy hoạch và đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn. Người đầu tiên quyết định phát triển môn bi sắt là cố Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang.
Là một trong những người đầu tiên đưa bi sắt từ các sân “phủi” ra phía bắc và từng bước chuyên nghiệp hóa bộ môn này, ông Đặng Xuân Vui, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bi sắt quốc gia kể lại: “Trước năm 2004, đội tuyển chủ yếu đi tìm người từ các giải phong trào, giải ‘phủi’ trong miền nam. Đến thời điểm này, tôi được giao nhiệm vụ đi học hỏi để phát triển bộ môn đặc biệt này tại Hà Nội một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn”.
Vốn là vận động viên, lại từng làm công tác huấn luyện trong bộ môn cầu mây, ông Vui “lĩnh ấn” lên đường. Sau một thời gian học hỏi, Câu lạc bộ bi sắt Hà Nội được thành lập, chính thức có hệ thống đào tạo trẻ và giáo án chuyên nghiệp.
“Chúng tôi bắt đầu tuyển chọn vận động viên trẻ trên các tiêu chí về tay, chân, kỹ thuật và độ nhạy bén”, ông Vui nhớ lại.
Cũng kể từ đây, vận động viên péntaque lần đầu tiên “biết mùi” đi Thái Lan - cường quốc của péntaque để tập huấn. Các đợt tập trung của đội tuyển quốc gia sau đó cũng dần đi vào nền nếp hơn.
SEA Games 31: Vẫn chuyện “học trò nghèo” vượt khó
Sau “cú hích 2004”, bi sắt Việt Nam dần có dấu hiệu khởi sắc. Dù không được quan tâm nhiều như các môn thể thao thành tích cao khác, nhưng các vận động viên vẫn bền bỉ đem… "vàng" về cho Tổ quốc. Có thể kể đến tấm Huy chương vàng đơn nữ của Nguyễn Thị Hiền ở cả sân chơi châu lục (Đại hội Thể thao châu Á trong nhà 2009) và Huy chương vàng nội dung cá nhân tại SEA Games 2003 của vận động viên Nguyễn Thị Hiền. Tiếp đó, tại SEA Games 2015 và 2017, Nguyễn Thị Thi - cô gái đến từ Đồng Tháp tiếp tục ghi dấu ấn cho Péntaque Việt Nam với vị trí cao nhất.
Bước vào kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam lần thứ 31 được tổ chức trên sân nhà, giống như một “cậu học trò nghèo”, bi sắt Việt Nam lại đang gặp khó. Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, huấn luyện viên Đặng Xuân Vui cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đội tuyển chỉ có thể chính thức tập trung từ đầu tháng 3/2022, muộn hơn rất nhiều so các bộ môn khác. Các tuyển thủ đến từ các đoàn Hà Nội, Quân đội, Hậu Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh.
Điều đáng nói hơn, đây cũng là lần đầu tiên sau gần… 3 năm, các tuyển thủ quốc gia mới có chuyến tập trung dài hạn đúng nghĩa. Huấn luyện viên trưởng đội tuyển nói vui, đã nhiều năm, ông mới được gặp lại học trò trên sân tập một cách đông đủ. Sau một số buổi tập, thành viên của đội mới được lọc, tuyển ra.
Thiếu sự cọ xát cũng là câu chuyện trầm kha của pentáque Việt Nam. Tính tới nay, mới chỉ có 2 giải đấu trong nước, bao gồm Giải vô địch quốc gia và Giải vô địch các câu lạc bộ. Do dịch bệnh, các vận động viên cũng không được tham dự các giải đấu đỉnh cao quốc tế một khoảng thời gian dài. Việc tính toán điểm rơi phong độ do đó là một “bài toán khó” đặt ra cho toàn ban huấn luyện.
“Kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, toàn đội gần như không thể hội quân, tập luyện cùng nhau. Các vận động viên cũng chẳng có nhiều cơ hội thi đấu và cọ sát do các giải quốc nội liên tục bị hoãn và hủy trong khi giải đấu trong năm dành cho môn thi đấu vốn đã rất ít ỏi. Ngoài ra, chúng tôi cung có rất ít thông tin về đối thủ”, huấn luyện viên trưởng nhấn mạnh.
Khó khăn là thế, nhưng các vận động viên vẫn quyết tâm và nỗ lực hết mình. Nguyễn Thị Thi - niềm hy vọng số 1 của péntaque nước chủ nhà cho hay: “Thời điểm hiện tại, toàn đội tập luyện với khối lượng 6 tiếng mỗi ngày, được chia đều vào hai buổi sáng và chiều. Gần đến ngày thi đấu, khung giờ tập sẽ được đẩy lên sát với giờ thi đấu để vận động viên có thể sớm thích nghi. Trong thời gian "nước rút", các vận động viên sẽ tập trung vào trai dồi tâm lý, chiến thuật, đồng thời rèn luyện kỹ thuật”.
Nhận định về cơ hội của bi sắt Việt Nam, huấn luyện viên Đặng Xuân Vui cho biết, tại thời điểm SEA Games 31 diễn ra, Thái Lan cũng cử 1 đội hình đi dự giải Vô địch thế giới tại Đan Mạch. Đây được coi là cơ hội lớn cho péntaque Việt Nam để cạnh tranh… "vàng".
Đội tuyển bi sắt Việt Nam tập tham dự SEA Games 31 với 19 vận động viên, tranh tài ở 8 nội dung. Đội tuyển cũng đang đặt kỳ vọng vào 2 nữ vận động viên kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm là Nguyễn Thị Thi và Nguyễn Thị Hiền. Đây là hai gương mặt quen thuộc trong một thập kỷ qua của bi sắt Việt Nam.
Nguyễn Thị Hiền từng gây ấn tượng từng giành huy chương vàng tại Đại hội Thể thao châu Á trong nhà và SEA Games năm 2009. Trong khi đó, Nguyễn Thị Thi cũng bước sang tuổi 30 song vẫn trở thành trụ cột của bi sắt Việt Nam sau khi từng giành liên tiếp 2 huy chương vàng SEA Games vào năm 2015 và 2017.
Theo dự kiến, đội tuyển bi sắt sẽ tham dự 8 nội dung ở SEA Games 31 gồm kỹ thuật nam/nữ, đôi nam/nữ, đôi nam-nữ phối hợp, bộ ba nam, bộ ba nữ, bộ ba gồm 2 nữ-1 nam.
Mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn
Tính tới thời điểm SEA Games 31 sắp khởi tranh, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng điều khiến các vận động viên cũng như ban huấn luyện bộ môn bi sắt băn khoăn nhiều nhất lại là sự thiếu quan tâm từ cộng đồng.
Khó khăn lớn nhất cho bi sắt chưa hẳn đã là kinh phí, thay vào đó là sự quan tâm. Môn này gần như không được quảng bá, truyền thông nên nhiều người ít biết đến dù từng đem về nhiều huy chương ở những kỳ SEA Games trước đây.