Tuy nhiên, đây cũng là "khoảng trống" an sinh khi tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội cho lao động phi chính thức còn rất thấp, đòi hỏi cần có những giải pháp, trong đó có việc hướng tới tham gia bảo hiểm xã hội là điều kiện bắt buộc…
Theo thống kê, hiện có khoảng 33% những người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội thấp là một thách thức kép, vì nó ảnh hưởng đến an sinh của những người trong độ tuổi lao động trong ngắn hạn, nhưng cũng ảnh hưởng đến an ninh thu nhập của họ về lâu dài (khi họ cao tuổi và sống phụ thuộc vào lương hưu).
Hướng tới việc tham gia bảo hiểm xã hội là điều kiện bắt buộc
Tại Hội thảo chuyên đề "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19" thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 năm 2022, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây, nhiều đại biểu đã có nhiều đề xuất liên quan đến lực lượng lao động phi chính thức, trong đó có việc cần hướng tới tham gia bảo hiểm xã hội là điều kiện bắt buộc.
Tiến sĩ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế (Economica Việt Nam) cho biết, lao động phi chính thức hiện đang có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, từ góc độ tạo việc làm đến đóng góp không nhỏ cho GDP của cả nước. Trong đó, đóng góp lớn nhất của khu vực phi chính thức là tạo ra nguồn việc làm cho khoảng 70% lao động đang làm việc. Ðể giảm bớt tình trạng lao động phi chính thức, các cấp, các ngành nên có biện pháp mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, mở rộng khu vực kinh tế chính thức, nâng cao quyền của người lao động. Cần hướng tới tham gia bảo hiểm xã hội là điều kiện bắt buộc chứ không phải là tự nguyện như hiện nay.
Hiện đang có một bộ phận ngày càng lớn lao động không bao giờ có quan hệ lao động được thể hiện qua hình thức hợp đồng lao động có tính ổn định, dài hạn. Ðồng thời, những lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao, lao động trên các nền tảng công nghệ ngày càng đông đảo về số lượng. Do vậy, cách tiếp cận về lao động phi chính thức cần được thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp để họ tham gia bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền của họ mà không cần áp dụng tiêu chí là họ phải có hợp đồng lao động. "Nói cách khác là chính thức hóa lao động phi chính thức bằng biện pháp tham gia bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền của họ mà không cần phải chuyển vào khu vực kinh tế chính thức. Với giải pháp này, cách tiếp cận của ngành Bảo hiểm xã hội cần tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội với các sản phẩm, chế độ lợi ích phù hợp hơn, hấp dẫn hơn và đa dạng hơn. Ðổi mới tư duy, cách thức phục vụ, chế độ bảo hiểm xã hội, sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm xã hội sẽ là nền tảng để mở rộng mức độ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bắt buộc" - Tiến sĩ Lê Duy Bình phân tích.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng đưa ra số liệu phân tích cụ thể, toàn quốc hiện có 53,4% lao động phi chính thức là người làm công ăn lương (tương ứng 9,6 triệu người), có 32,1% (tương ứng 5,8 triệu người) là lao động tự làm và 11,8% (tương ứng 2,2 triệu người) là lao động gia đình. Có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (trong đó 32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương), trong khi đó chỉ có 14% lao động chính thức được xếp vào nhóm này. Bên cạnh đó, tiền lương bình quân tháng của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị trí việc làm. Tiền lương bình quân của nhóm lao động chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ bằng hơn một nửa con số đó (4,4 triệu đồng/tháng)…
Ðiều đáng nói, hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội (chiếm tỷ lệ tới 97,9%), chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn lại 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khi đó, tỷ lệ lao động chính thức có bảo hiểm xã hội bắt buộc lại rất cao (80,5%). Thực tế này cho thấy, lao động khu vực phi chính thức và gia đình họ hay phải chịu thiệt thòi, vì không được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật về lao động…
Thay đổi cách tiếp cận với lao động phi chính thức
Tại hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi cũng đưa ra kiến nghị sửa đổi một số luật có liên quan phù hợp với Bộ luật Lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức. Trong đó, cần có quy định hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho lao động, hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (Luật Việc làm); đẩy mạnh phát triển chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện trong khu vực kinh tế phi chính thức (Luật Bảo hiểm xã hội)… Cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ để khu vực kinh tế phi chính thức phát triển đúng mức, giảm dần việc bỏ sót nghĩa vụ đóng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm công bằng xã hội và hạn chế tối đa các tiêu cực trong khu vực này. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể thuộc khu vực kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp... (Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa)…
Ðể mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội đối với lao động phi chính thức, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cũng cho rằng, các đối tượng có thu nhập thấp, đối tượng bảo trợ xã hội, lao động tự làm thu nhập thấp cần tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ðiều này góp phần đóng góp cho việc mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội, nâng cao tính chính thức của những lao động tự làm và giúp họ tham gia thị trường lao động với vị thế được bảo vệ tốt hơn bởi mạng lưới an sinh xã hội.
Nhưng, việc mở rộng lao động chính thức, mở rộng bảo hiểm xã hội còn đòi hỏi sự vào cuộc của các luật khác như Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp và một số luật chuyên ngành khác. Cách thức tiếp cận để mở rộng lao động chính thức do vậy cần theo nguyên tắc có tính hệ thống và cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành cũng như các văn bản pháp luật của nhiều ngành khác. Ðặc biệt, cần thể chế hóa cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội trong giám sát công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Gắn công tác quản lý thuế với công tác quản lý về bảo hiểm xã hội. Phát huy sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để gắn việc sử dụng dữ liệu dân cư, gắn mã số công dân với mã số bảo hiểm xã hội, phục vụ cho công tác tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các thủ tục tham gia, đóng và hưởng chế độ từ bảo hiểm xã hội…