Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về tình hình KCB BHYT sáu tháng đầu năm 2021 đã cho thấy mối lo ngại, khi quỹ KCB BHYT vẫn hiện hữu nguy cơ mất cân đối, nhiều địa phương đã chi KCB BHYT vượt hơn 50% dự toán năm, thậm chí có tỉnh lên tới 58% dự toán. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT cả về phía người bệnh và cơ sở y tế vẫn chưa được kiểm soát toàn diện và đầy đủ.
Các tháng đầu năm 2021, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can là cán bộ, nhân viên của cơ sở KCB có hành vi trục lợi quỹ KCB BHYT với số tiền hàng trăm triệu đồng (như: Công ty cổ phần Y tế Nham Biền - Bắc Giang và Bệnh viện Giao thông vận tải Yên Bái).
Đặc biệt, ở “khoảng trống” giữa các đợt dịch Covid-19, tỷ lệ KCB BHYT không đúng tuyến, chỉ định điều trị nội trú ở một số địa phương có xu hướng tăng cao, cùng chỉ định cung ứng các dịch vụ kỹ thuật không cần thiết, đâu đó vẫn có những cơ sở y tế đang “tận dụng” chính sách thông tuyến và các chương trình KCB nhân đạo thu gom người bệnh...
Đây là một thực trạng đáng buồn, khi nguồn quỹ BHYT vẫn bị nhiều cá nhân, tổ chức tìm mọi cách để gian lận, trục lợi bất chấp rằng nguồn lực tài chính này có ý nghĩa nhân văn rất lớn, là “phao cứu sinh” của người nghèo, người yếu thế khi ốm đau bệnh tật.
Hình thành trên cơ sở đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và cộng đồng, có hỗ trợ của ngân sách nhà nước, quỹ BHYT có sứ mệnh quan trọng là góp phần bảo đảm nguồn lực tài chính thực hiện chính sách BHYT. Qua đó, bảo đảm tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, cũng như bảo đảm an toàn tài chính cho tất cả các công dân nằm trong vòng bao phủ của chính sách này.
Bên cạnh đó, chi trả từ quỹ KCB BHYT cho người bệnh tham gia BHYT hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu của hầu hết các bệnh viện, lên tới 60% - 70%, giúp các bệnh viện có nguồn lực đầu tư, phát triển để phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.
Khi nguồn lực đóng góp quỹ BHYT có hạn, thì mỗi một đồng tiền của quỹ BHYT bị gian lận, sử dụng không hiệu quả cũng đồng nghĩa giảm bớt đi cơ hội của người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn; cũng như triệt tiêu một phần nỗ lực của toàn ngành y tế, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp cận với các kỹ thuật y tế hiện đại và hiệu quả hơn...
Từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao dự toán chi KCB BHYT hằng năm cho từng địa phương, nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, ngành tài chính, y tế cùng cơ quan BHXH quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT.
Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong nỗ lực bảo đảm sự an toàn và tính bền vững của Quỹ BHYT để thực hiện thành công chính sách an sinh xã hội này.
Theo khẳng định của BHXH Việt Nam, hoạt động quản lý chi quỹ BHYT chưa bao giờ đặt ra mục tiêu “thắt chặt” quyền lợi của người bệnh, hay để quỹ BHYT “kết dư”, mà hướng tới chi đúng, chi đủ, chi kịp thời, chi hiệu quả, và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia và cơ sở KCB. Đó là điều kiện quan trọng để chính sách BHYT được bền vững đúng nghĩa, cả về tài chính cũng như sự ủng hộ của người dân.