Trong năm đầu tiên chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện, cả nước mới có gần sáu triệu lao động tham gia thì đến năm 2020 đã có hơn 13,3 triệu người tham gia và được bảo vệ bởi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, như: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm và bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Khi bảo hiểm thất nghiệp được điều chỉnh bởi Luật Việc làm (2013), chính sách bảo hiểm thất nghiệp được bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng với mục tiêu giúp các đơn vị sử dụng lao động duy trì việc làm cho người lao động, giảm tình trạng sa thải người lao động vì lý do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm việc làm bền vững...
Cùng với việc hoàn thiện chính sách và diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp không ngừng gia tăng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng đối với cá nhân người lao động. Vào năm 2015, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã chi gần 4.900 tỷ đồng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thất nghiệp. Năm 2020, có hơn 1,1 triệu lao động được chi trả trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí hơn 18.852 tỷ đồng, tăng 49,2% so năm 2019. Riêng tám tháng năm 2021, người lao động thất nghiệp trong cả nước đã được hưởng hơn 10.700 tỷ đồng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Thực tế cho thấy, trợ cấp thất nghiệp đã trở thành nguồn thay thế thu nhập quan trọng đối với người lao động, góp phần giúp họ vượt qua những khó khăn khi mất việc làm. Bên cạnh đó, thông qua bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cũng có thêm nhiều cơ hội hơn để nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm mới...
Những con số nêu trên cũng cho thấy tác động tích cực của bảo hiểm thất nghiệp đối với các đơn vị sử dụng lao động. Thay vì phải tự bảo đảm kinh phí chi trả chế độ trợ cấp thôi việc, mất việc theo quy định như trước đây, thì nay, thông qua bảo hiểm thất nghiệp, trách nhiệm của các đơn vị sử dụng lao động, của ngân sách nhà nước đối với người lao động trong các trường hợp này đã được chuyển sang cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp đảm nhận. Sự "chia sẻ" đó đã giúp những đơn vị sử dụng lao động thực sự gặp khó khăn có thêm nguồn tài lực cần thiết để duy trì hoạt động và phát triển, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần thúc đẩy nền kinh tế...
Chưa hết, trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra đối với các đơn vị sử dụng lao động và người lao động, mới đây, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động với kinh phí được quỹ bảo hiểm thất nghiệp dự kiến khoảng 4.500 tỷ đồng; trích từ kinh phí kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động và giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% (khoảng 8.000 tỷ đồng) cho người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Có thể nói, với những chế độ, chính sách đã và đang được triển khai, bảo hiểm thất nghiệp đã thật sự trở thành "điểm tựa", người bạn đồng hành đối với người lao động và người sử dụng lao động trong những lúc khó khăn.