Bệnh lây nhiễm do virus
Bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Giám đốc Trung tâm Da liễu Hà Nội, cho biết: Trung bình mỗi ngày TT Da liễu Hà Nội tiếp nhận khoảng 3-5 bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu. Điều đáng nói là nếu như trước đây bệnh thủy đậu chỉ phát triển theo mùa, thì nay xuất hiện rải rác quanh năm. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân bắt đầu tăng lên từ tháng 10, khi xuất hiện nhiều cơn mưa, khí hậu bắt đầu nóng lên và ẩm.
Thủy đậu là bệnh nhiễm virus cấp tính toàn thân với khởi bệnh đột ngột, sốt nhẹ, sau đó ở da xuất hiện những nốt phỏng nước như hạt đậu. Sau 3 - 4 ngày, những nốt phỏng bắt đầu xẹp nước và để lại những nốt vảy. Mụn nước thường chỉ có một ngăn và bị xẹp khi chọc thủng (khác với bệnh đậu mùa mụn nước có nhiều ngăn và không bị xẹp khi châm thủng). Các tổn thương của nốt đậu thường xuất hiện nhiều ở chỗ kín hơn chỗ hở, thường mọc nhiều ở các vùng như: Da đầu, hố nách, niêm mạc miệng, đường hô hấp trên, kết mạc... Những nốt phỏng thường có xu hướng mọc ở những chỗ kín dễ bị kích thích như: Cháy nắng, chỗ quấn tã lót. Trong một vài trường hợp, bệnh ở thể ẩn, không xuất hiện những nốt phỏng.
Bênh thủy đậu rất dễ lây thành dịch
Theo bác sĩ Hoàng Phương Lan - Phó giám đốc TT Da liễu Hà Nội, bệnh thủy đậu là một trong những bệnh truyền nhiễm dễ lây nhất, nhất là ở giai đoạn đầu mới phát ban. Cơ chế lây truyền là từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp. Khi tiếp xúc, những giọt nước bọt bắn trong không khí có chứa virus gây bệnh thủy đậu sẽ dễ dàng lây sang người lành, nhất là trẻ nhỏ vốn có sức đề kháng yếu ớt. Vì vậy, ở những nơi tập trung đông trẻ như các trường mẫu giáo, các trường tiểu học, nếu xuất hiện một vài ca bệnh thủy đậu sẽ rất dễ lây lan thành dịch. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 - 3 tuần. Thời kỳ lây truyền dài nhất là 5 ngày, thường từ 1-2 ngày trước khi phát ban và không quá 5 ngày sau khi xuất hiện lớp phỏng rạ đầu tiên. Hầu như người nào cũng cảm nhiễm đối với căn bệnh này, trừ những người đã mắc bệnh trước đây (miễn dịch). Sau khi mắc bệnh, người bệnh sẽ được miễn dịch với thời gian khá dài, ít khi mắc bệnh lại lần thứ 2. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có hiện tượng tái nhiễm.
Điều trị đúng cách
Nhiều phụ huynh khi con mắc bệnh đã điều trị không đúng cách, dẫn đến tình trạng bội nhiễm. Theo bác sĩ Hoàng Phương Lan, khi trẻ mắc bệnh, cần được cách ly với người lành, tốt nhất là cho trẻ nghỉ học để tránh lây sang các trẻ khác. Tất cả đồ dùng cá nhân của người bệnh đều được dùng riêng, nhất là bát, đũa, khăn mặt. Khi trẻ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ, không được tự ý tắm cho trẻ bằng các loại lá theo chỉ dẫn truyền miệng dân gian để tránh tình dạng bội nhiễm, nhất là nhiễm trùng máu rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, trong đó thuốc đặc hiệu để diệt virus là không thể thiếu. Kết quả cho thấy, điều trị đặc hiệu bằng cả hai loại thuốc vidarabin (adenin arabinosit, Ara-A) và acycclovir (zovirax) đều có hiệu quả tốt, nhưng bệnh nhân cần được điều trị sớm trong vòng 24 giờ sau khi nổi các nốt phỏng. Đặc biệt, thuốc acycclovir có tác dụng rút ngắn thời gian biểu hiện triệu chứng và đau ở những người cao tuổi. Phần lớn, nếu ở thể nhẹ, bệnh nhân sẽ được chỉ định bôi dung dịch xanhmethylen.
Phòng ngừa tốt nhất bằng vaccine
Theo các chuyên gia y tế, bệnh thủy đậu rất dễ lây truyền, do đó cần phòng bệnh cho những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao như: Trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch... Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine phòng dịch. Theo "Sổ tay kiểm soát các bệnh truyền nhiễm" do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cung cấp, vaccine virus thủy đậu sống giảm động lực (Varivax) đã được phép sử dụng ở Mỹ và có những tác dụng tốt trong việc phòng ngừa bệnh này. Liều đơn 0,5ml tiêm dưới da, tiêm cho trẻ cảm nhiễm từ 12 tháng đến 12 tuổi. Hiệu lực bảo vệ của vaccine này từ 70-90% trong vòng 3-6 năm. Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp đã tiêm phòng vaccine nhưng vẫn mắc bệnh. Phần lớn các trường hợp đã tiêm phòng mắc bệnh đều ở thể nhẹ, các nốt phỏng sẽ ít hơn, triệu chứng lâm sàng (sốt, ho, bội nhiễm) sẽ ít hơn. Những người có những bệnh mạn tính làm suy giảm hệ miễn dịch nên được tiêm nhắc lại vaccine liều thứ 2, khoảng cách với liều đầu khoảng 4 tuần. Hiện nay, tại Việt Nam, vaccine ngừa bệnh thủy đậu Okavax đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành và đang được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu khá nguy hiểm, trong trường hợp để bệnh tiến triển quá nặng, sẽ dẫn đến biến chứng viêm phổi virus tiên phát, viêm thận, viêm tụy. Còn ở trẻ em bệnh thường gây biến chứng nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Đặc biệt, phụ nữ trong thời kỳ mang thai cần lưu ý: Nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu của thời kỳ mang thai có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh! Kết quả theo dõi cho thấy, có tới 25% thai nhi sẽ bị ảnh hưởng nếu người mẹ mắc bệnh thủy đậu trong thời kỳ đầu của thai kỳ. Điều nguy hiểm là phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu trong vòng một tuần trước và sau khi sinh thì có tới 30% trẻ em sinh ra có thể bị tử vong do mắc hội chứng thủy đậu do bị nhiễm bệnh thủy đậu từ mẹ quá sớm.