Đây là lần thứ 8 Hội chợ VITM được tổ chức với quy mô toàn quốc, và là lần đầu tiên diễn ra trong bối cảnh cả trong nước và quốc tế đều tràn ngập những khó khăn, thử thách. Du lịch quốc tế “đóng băng” vì dịch Covid-19, số lượng du khách quốc tế sụt giảm tới 80%, du khách trong nước cũng giảm, đời sống xã hội bị đảo lộn. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch phá sản, đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh ở lĩnh vực khác. Lao động du lịch chịu ảnh hưởng nghiêm trọng... Bản thân Hội chợ cũng đã phải hoãn hai lần do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Thêm vào đó, miền trung cũng như nhiều địa phương khác vừa trải qua thiên tai, lũ lụt, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội, mà nhiều điểm du lịch thiên nhiên, văn hóa cũng bị ảnh hưởng…
Hội chợ du lịch quốc tế năm nay được tổ chức trong bối cảnh khó khăn, nhưng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là vừa khôi phục, phát triển hoạt động kinh tế, vừa phòng chống đại dịch Covid - 19. Hội chợ năm nay hướng tới mục tiêu chính là thúc đẩy du lịch trong nước, kích cầu mạnh mẽ và tạo cơ hội liên kết cho các địa phương từ trong nam tới ngoài bắc, khuyến khích các doanh nghiệp, các địa phương chuyển đổi số, cơ cấu lại thị trường… cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cho biết: “Chúng ta tổ chức VITM để thúc đẩy phát triển du lịch Nội địa, trong khi chưa thể triển khai du lịch quốc tế khi dịch Covid còn đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới. Trong bối cảnh đó, quy mô VITM Hà Nội 2020 đã giảm đi rất nhiều so với năm 2019. Tuy nhiên, VITM vẫn được tổ chức quy mô, ấn tượng với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp từ 6 quốc gia và 47 tỉnh, thành phố của Việt Nam”.
Có thể nói, trong bối cảnh đại dịch, hạn chế đi lại ở nhiều nơi trên thế giới như hiện nay, thì vai trò quan trọng nhất của Hội chợ là kết nối. Trong thời gian diễn ra Hội chợ, đã diễn ra nhiều lễ ký kết hợp tác giữa các địa phương, như ký kết hợp tác giữa Bến Tre – Trà Vinh và các doanh nghiệp du lịch phía bắc, ký kết giữa Cần Thơ với các doanh nghiệp Hà Nội, ký kết giữa Thanh Hóa với một số địa phương, doanh nghiệp trong cả nước, Liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương…
Một trong những hoạt động chính của Hội chợ là xúc tiến, quảng bá điểm đến, quảng bá và cung cấp trực tiếp sản phẩm và cung cấp trực tiếp cho doanh nghiệp, cho cộng đồng (hoạt động thương mại). Các hoạt động này đã diễn ra hết sức sôi nổi, khẩn trương và thu hút sự chú ý của nhiều địa phương, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong suốt bốn ngày diễn ra Hội chợ. Để khắc phục hậu quả của đại dịch Covid, một chương trình kích cầu du lịch nội địa rộng lớn được triển khai tại VITM với sự tham gia tích cực của các hãng lữ hành và các hãng hàng không, đặc biệt là Vietnam Airlines và Jetstar Pacific. Điều tra theo hướng dẫn của Liên minh Châu Âu, cho thấy Hội chợ VITM Hà Nội 2020 đã đáp ứng sự hài lòng của 60% doanh nghiệp tham gia Hội chợ, 39% doanh nghiệp được đáp ứng một phần và chỉ có 1,5% cho là chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Một nội dung quan trọng khác của Hội chợ là và hoạt động chuyên môn nghề nghiệp, thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội nghị, Hội thảo, họp báo để trao đổi về đường lối phát triển ngành ở tầm vĩ mô (quốc gia) và tầm vi mô (doanh nghiệp). Hội chợ đã tổ chức 25 sự kiện bên lề, bao gồm Diễn đàn Chuyển đổi số để phát triển Du lịch (tổ chức ngày 30-9), Hội thảo về xây dựng tiêu chuẩn nghề đầu bếp Việt Nam, 10 cuộc họp báo giới thiệu các sản phẩm du lịch mới và 15 hoạt động chuyên ngành như Lễ Vinh danh các doanh nghiệp và cá nhân du lịch tiêu biểu năm 2019 và Gala dinner: “Liên kết sức mạnh Du lịch Việt Nam”. Ngoài ra còn có 14 chương trình giới thiệu về công nghệ trong du lịch của Tổng cục Du lịch và các doanh nghiệp du lịch công nghệ. VITM còn có một số hoạt động khác của các đơn vị trong ngành. Với các hoạt động sôi nổi, liên tục, với sự tham gia đông đảo của hàng nghìn doanh nghiệp…
Khép lại bốn ngày Hội chợ, mở ra những cơ hội mới, thành công mới, đó là những gì mà người dân, doanh nghiệp và ngành du lịch kỳ vọng, nhất là khi du lịch trong nước cuối năm đã bắt đầu có những điểm sáng và phần nào trở thành yếu tố quan trọng vực dậy ngành du lịch qua năm “bão táp” 2020.