Bầu cử Tổng thống Pháp: Khó dự đoán

NDO -

Trong hai ngày 7 và 8/4, các ứng cử viên tổng thống Pháp tiến hành các hoạt động vận động tranh cử cuối cùng trên truyền hình và tại các địa phương. Diễn biến sát ngày bầu cử rất căng thẳng cùng với lo ngại về tỷ lệ vắng mặt kỷ lục và sự lưỡng lự của một bộ phận cử tri khiến cho kết quả của cuộc bầu cử lần này khó dự đoán.

Kết quả thăm dò ý định bỏ phiếu do Viện Nghiên cứu công luận Pháp (IFOP) công bố ngày 7/4.
Kết quả thăm dò ý định bỏ phiếu do Viện Nghiên cứu công luận Pháp (IFOP) công bố ngày 7/4.

Tất cả 12 ứng cử viên đang tận dụng thời gian cuối cùng để đề cao cương lĩnh tranh cử của mình, đồng thời chỉ trích các đối thủ. Trong hàng loạt vấn đề nóng bỏng đối với nước Pháp, cử tri quan tâm nhất là giá cả tăng cao và sức mua sụt giảm cùng với yêu cầu tăng lương. Do vậy các ứng cử viên chủ yếu tập trung vào việc đưa ra các giải pháp cho những vấn đề nóng bỏng này để thu hút cử tri.

Theo kết quả thăm dò ngày 7/4 của Viện Ifop về ý định bỏ phiếu, ông Emmanuel Macron (đảng Nền cộng hòa tiến bước) và bà Marine Le Pen (đảng Tập hợp Quốc gia) sẽ dẫn đầu với tỷ lệ phiếu 26,5% và 24%. Như vậy chỉ sau hai tuần, bà Marine Le Pen đã có thêm tới 4 điểm, chỉ còn kém ông Emmanuel Macron 2,5 điểm và bỏ xa ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélanchon, được dự báo về thứ ba với 16 điểm. 

Trong buổi thuyết trình trên kênh truyền hình TF1 tối 6/4, cả ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen đều nhấn mạnh đến việc bảo vệ mức độ tiêu dùng của dân Pháp, đang chịu tác động rất lớn từ xung đột ở Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt và lạm phát ngày càng cao.

Ông Emmanuel Macron đề cập giải pháp giữ giá khí đốt và giá điện không tăng quá cao và chỉ số hóa lương hưu tính dựa theo mức lạm phát kể từ mùa hè này. Ông cũng cho biết kế hoạch cải cách hưu trí từ mùa thu nếu tái đắc cử. Trong khi đó, ứng viên Le Pen cho biết, nếu đắc cử, việc đầu tiên bà sẽ làm trên cương vị tổng thống là giảm thuế giá trị gia tăng TVA từ 20% xuống còn 5,5% đối với các loại năng lượng và lập danh mục các mặt hàng thiết yếu nhất để áp mức thuế giá trị gia tăng 0%.

Cùng khoảng cách tỷ lệ phiếu bầu thu hẹp rất nhanh, ông Emmanuel Macron đang phải đối mặt với một bất lợi từ vụ tai tiếng có tên gọi McKinsey. Theo một báo cáo của Thượng viện, các cơ quan Nhà nước của Pháp sử dụng nhiều dịch vụ của cơ quan tư vấn tư nhân McKinsey của Mỹ với chi phí cao và McKinsey bị nghi là trốn thuế tại Pháp ít nhất 10 năm. Ngày 31/3, Viện công tố quốc gia về tài chính đã mở điều tra sơ bộ về việc McKinsey rửa tiền và gian lận thuế tại Pháp.

Kết quả của các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cũng cho thấy, chiến dịch tranh cử của bà Le Pen được đẩy mạnh trong những ngày sát bầu cử và có những hiệu quả nhất định. Một trong những lý do dẫn tới diễn biến có lợi cho ứng cử viên của đảng cựu hữu Tập hợp Quốc gia là chiến lược và cách thức tranh cử của bà Le Pen có sự đổi mới với các tuyên bố được nhiều người cho là "nhẹ nhàng" hơn trong thời gian gần đây.

Trước đà tiến mạnh của ứng viên cực hữu, nhóm vận động tranh cử của ông Emmanuel Macron cho biết, mục tiêu của họ là ngăn cản bà Le Pen về đầu ở vòng một. Nỗ lực ngăn bước tiến của bà Marine Le Pen cũng được một số ứng cử viên của phe cánh tả và cánh hữu thúc đẩy trong các buổi vận động tranh cử ngày 7/4.

Cùng với sự thay đổi về tỷ lệ phiếu bầu ước tính của các ứng cử viên, một vấn đề được dư luận Pháp rất quan tâm là tỷ lệ vắng mặt. Kết quả của các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ đi bỏ phiếu có thể sẽ thấp hơn rất nhiều so với mấy đợt bầu cử trước, do vậy sẽ rất có lợi cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen lọt vào vòng hai. Ngoài ra còn có gần 30% cử tri cho biết "còn đang suy nghĩ" và chưa quyết định bỏ phiếu cho ai.

Thực tế cho thấy cuộc bầu cử tổng thống lần này diễn ra vào thời điểm có nhiều yếu tố tác động rất lớn đến tâm lý của cử tri. Đó là sự mệt mỏi sau hơn hai năm trải qua dịch bệnh, xung đột ở Ukraine được đề cập hằng ngày và cả trong các chương trình tranh cử, hay lo lắng về giá hàng tiêu dùng tăng mạnh. Tiếp đó, sức hút của cuộc bầu cử giảm hẳn so với lần bầu cử trước vì không có tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên và có tới 7 trong tổng số 12 ứng cử viên đã từng ra tranh cử năm 2012 và 2017. Hơn nữa, nhiều cử tri cho rằng cương lĩnh hành động của các ứng cử viên chủ yếu là các đề xuất để giải quyết các thách thức hiện nay và không có tầm nhìn dài hạn. Qua kết quả của cuộc thăm dò và phán ánh ý kiến cử tri trên các phương tiện truyền thông, thật khó xác định vấn đề trung tâm của cuộc bầu cử lần này.      

Vòng một của cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 sẽ diễn ra vào ngày 10/4 và vòng 2 vào ngày 24/4. Ngày 8/4 là ngày cuối cùng để các ứng cử viên vận động những cử tri không có ý định đi bỏ phiếu hay còn phân vân chưa biết bỏ phiếu cho ai.

Mấy tuần trước, kết quả bầu cử được dự báo là ngã ngũ với ưu thế gần như tuyệt đối nghiêng về phía Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron. Tuy nhiên bất trắc bao trùm ngay trước thềm bầu cử cả về sự thay đổi về tỷ lệ phiếu ủng hộ dành cho các ứng cử viên sáng giá và cả sự lo ngại về tỷ lệ vắng mặt kỷ lục của cử tri. Cục diện của cuộc đua giành vé vào vòng hai và đắc cử sẽ phụ thuộc rất lớn vào số cử tri chưa quyết định đi bỏ phiếu hay chưa xác định bỏ cho ai.