Bầu cử Thượng viện Nhật Bản: Các ứng cử viên “chạy nước rút” trong bối cảnh an ninh thắt chặt

Các hoạt động vận động tranh cử Thượng viện ở Nhật Bản vẫn diễn ra trong bối cảnh an ninh đã được thắt chặt, sau vụ tấn công nhằm vào cựu Thủ tướng Abe Shinzo khiến chính trị gia này thiệt mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ nổ súng vào cựu Thủ tướng Abe Shinzo tại Nara, Nhật Bản, ngày 8/7/2022. (Ảnh: Kyodo)
Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ nổ súng vào cựu Thủ tướng Abe Shinzo tại Nara, Nhật Bản, ngày 8/7/2022. (Ảnh: Kyodo)

Ngày 9/7, ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử Thượng viện ở Nhật Bản, các ứng cử viên vẫn nỗ lực hết sức để thu hút thêm sự ủng hộ của các cử tri.

Lãnh đạo của nhiều chính đảng cũng có mặt ở các địa điểm vận động tranh cử để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho đảng của mình và cho các ứng cử viên của mình.

Các hoạt động vận động tranh cử vẫn diễn ra trong bối cảnh an ninh đã được thắt chặt sau vụ tấn công nhằm vào cựu Thủ tướng Shinzo Abe, khiến chính trị gia này bị thiệt mạng một ngày trước đó.

Vụ tấn công này xảy ra trong lúc ông Abe đang phát biểu vận động tranh cử cho một ứng cử viên của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, phía tây Nhật Bản.

Trong cuộc họp Nội các chiều 8/7, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định không bao giờ đầu hàng trước bạo lực và khủng bố, đồng thời chỉ thị tăng cường an ninh cho các bộ trưởng trong Nội các và các chính trị gia khác.

Tại các sự kiện vận động tranh cử ngày 9/7, lãnh đạo các chính đảng ở Nhật Bản đều bày tỏ quyết tâm không khuất phục trước bất cứ hành động bạo lực nào. Phát biểu ở tỉnh Yamanashi, Thủ tướng Kishida, người đang giữ chức Chủ tịch LDP, đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công hèn hạ nhằm vào ông Abe, đồng thời tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ trước bạo lực. Tôi sẽ đứng trước các bạn cho đến khi kết thúc (chiến dịch tranh cử này)”. Ông cũng khẳng định cuộc bầu cử Thượng viện “sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch để bảo đảm tự do và công bằng”.

Phát biểu tại tỉnh Fukushima, ông Kenta Izumi, Chủ tịch đảng Dân chủ lập hiến Nhật Bản (CDPJ) - đảng đối lập lớn nhất Nhật Bản - nhấn mạnh, đáng ra vụ tấn công nhằm vào cựu Thủ tướng Abe “không bao giờ nên xảy ra. Chúng tôi sẽ không khoan nhượng với khủng bố”.

Về phần mình, phát biểu tại tỉnh Kanagawa, giáp thủ đô Tokyo, ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch đảng Công minh - đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền, khẳng định “ông Abe đã đúng khi tìm cách vực dậy nền kinh tế Nhật Bản bằng gói chính sách kinh tế Abenomics”. Ông nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến lên trên con đường này”.

Thượng viện Nhật Bản có tổng cộng 248 ghế, trong đó 50% số ghế sẽ được bầu lại theo định kỳ 3 năm 1 lần. Trong cuộc bầu cử năm nay, có 125 trong số 248 ghế ở Thượng viện sẽ được bầu lại, trong đó có 74 ghế được bầu trực tiếp ở các khu vực bầu cử, 50 ghế được bầu theo hình thức đại diện tỷ lệ và 1 ghế được bầu bổ sung ở tỉnh Kanagawa.

Theo dự kiến, các cử tri Nhật Bản sẽ đi bỏ phiếu để bầu Thượng viện vào ngày 10/7. Kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Kyodo công bố ngày 6/7 cho thấy, liên minh cầm quyền giữa LDP và đảng Công minh có thể giành hơn 50% trong tổng số 125 ghế sẽ được bầu lại trong cuộc bầu cử Thượng viện lần này. Theo Kyodo, riêng LDP có thể giành hơn 60 ghế, trong khi đảng Công minh có thể sẽ giữ nguyên 14 ghế.

Về phía phe đối lập, đảng Dân chủ lập hiến Nhật Bản (CDPJ) có thể gặp khó khăn trong việc duy trì 23 ghế mà họ có trước bầu cử, trong khi đảng Duy tân Nhật Bản (JIP) có thể sẽ giành một số lượng ghế đáng kể so với trước bầu cử. Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) có thể giành được 6 ghế, trong khi đảng Dân chủ vì nhân dân (DPFP) có thể mất một nửa số ghế mà họ có trước bầu cử.

Tuy nhiên, theo hãng tin Kyodo, kết quả bầu cử thực tế có thể sẽ thay đổi, bởi có 39,6% người được hỏi chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai trong hình thức bầu cử trực tiếp ở các khu vực bầu cử, và 38,1% chưa quyết định bỏ phiếu cho đảng nào trong hình thức đại diện tỷ lệ.

Bên cạnh đó, vẫn chưa rõ liệu vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe có ảnh hưởng như thế nào tới tâm lý của cử tri trong cuộc bầu cử này.