Bầu cử Mexico: Hai người thiệt mạng sau vụ tấn công tại điểm bỏ phiếu

Hai người đã thiệt mạng sau vụ đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và nhóm đối tượng lạ mặt có vũ trang tấn công điểm bỏ phiếu đang diễn ra bầu cử và cướp các phiếu bầu ở bang miền trung Puebla.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Mexico xếp hàng đi bỏ phiếu. (Nguồn: Reuters)
Người dân Mexico xếp hàng đi bỏ phiếu. (Nguồn: Reuters)

Các nhà chức trách Mexico ngày 2/6 cho biết, hai người đã thiệt mạng sau vụ đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và nhóm đối tượng lạ mặt có vũ trang tấn công điểm bỏ phiếu đang diễn ra bầu cử và cướp các phiếu bầu ở bang miền trung Puebla.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, phát biểu với báo giới, đại diện chính quyền địa phương cho biết, vụ việc xảy ra tại điểm bỏ phiếu ở thành phố Tlapanala, khi cảnh sát nhận được tin báo đến hiện trường truy đuổi các đối tượng lạ mặt cướp hòm phiếu và bỏ trốn trên một chiếc xe.

Cảnh sát sau đó đã bắt được 8 kẻ tấn công và phát hiện một phụ nữ đã thiệt mạng trong vụ việc.

Một trường hợp khác cũng thiệt mạng gần địa điểm bầu cử ở thành phố Coyomeapan cùng bang trong vụ tấn công với hành vi tương tự nhằm cướp các phiếu bầu cử.

Nguồn tin sơ bộ cho biết, nạn nhân là thành viên của đảng Xanh và vụ việc xảy ra có khả năng là do sự thanh trừng giữa các đảng chính trị đối lập.

Hiện các nhà chức trách Mexico đang điều tra và truy tìm đối tượng gây ra vụ tấn công trên.

Chỉ vài giờ trước đó khi bắt đầu cuộc tổng tuyển cử, Văn phòng Công tố bang miền Tây Michoacan cho biết ứng viên địa phương Israel Delgado, 35 tuổi, đã bị bắn chết vào đêm 1/6 ở khu vực gần nhà nạn nhân.

Ông Delgado là ứng cử viên tiềm năng của thị trấn Cuitzeo, bị hai kẻ lạ mặt đi xe máy tấn công và sau đó bỏ trốn.

Thống kê của Tổ chức Data Civica cho thấy đến nay, có ít nhất 31 ứng cử viên tham gia tranh cử vào các vị trí khác nhau trong cuộc tổng tuyển cử tại nước này đã bị sát hại.

Gần 99 triệu cử tri Mexico đang tiến hành bỏ phiếu để bầu ra tân Tổng thống, 500 thành viên Hạ viện, 128 thành viên Thượng viện và gần 20.000 vị trí lãnh đạo địa phương. Đây là cuộc tổng tuyển cử lớn nhất trong lịch sử quốc gia Mỹ Latinh này.